Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận của Quốc hội về chính sách giảm nghèo. Theo ông, việc tất cả mọi đối tượng nghèo được hỗ trợ như nhau chính là nguyên nhân làm cho hiệu quả đầu tư về giảm nghèo giảm đi rất nhiều, thậm chí phản tác dụng.
Từng bước tiến sát với tiêu chuẩn chuẩn nghèo quốc tế . Nguồn: internet
Luôn dành một nguồn lực rất lớn cho xóa đói, giảm nghèo
Với vai trò là trưởng ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, trong bất kì hoàn cảnh nào Chính phủ, Quốc hội cũng vẫn dành một nguồn lực rất lớn cho xóa đói, giảm nghèo. Chỉ trong 8 năm (2005-2013) tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là 864.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất lớn, chia bình quân ra mỗi năm đã dành khoảng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, cả ngân sách, cả tín dụng nhưng là tín dụng ưu đãi mà Nhà nước cấp bù.
Năm 2014, vốn ngân sách trực tiếp Quốc hội đã thông qua dành cho đầu tư phát triển có 163.000 tỷ đồng chỉ nói về ngân sách trực tiếp, chưa nói các nguồn vốn khác.
“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật thấy còn nhiều điều chưa hài lòng trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn.
Trước hết là vấn đề dàn trải vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia, mặc dù bàn rất nhiều, nhưng cũng rất khó cắt ngay được, bởi vì “Quốc hội đã thông qua toàn bộ 5 năm cho từng chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Năm 2014, khi nguồn lực rất ít, cho nên đã giảm các chương trình mục tiêu quốc gia xuống còn 50% vốn đầu tư so với nhu cầu, kế hoạch, còn lại chỉ có 2 chương trình được giữ nguyên, không cắt giảm, thậm chí tăng lên, đó là chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thống nhất sang nhiệm kỳ 2016 – 2020 theo đề nghị của Chính phủ sẽ chỉ giữ lại hai chương trình là chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Song, theo Bộ trưởng Vinh, về bản chất hai chương trình này cũng là một, đều nhằm nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn, xây dựng một nông thôn mới nhân dân no ấm hơn, đó chính là nơi nghèo đói nhiều và cần được quan tâm.
“Tại sao đưa 2 chương trình, vì vấn đề là chúng ta mong muốn có sự lồng ghép các chương trình với nhau”, Bộ trưởng băn khoăn.
Quá khó để thực hiện lồng ghép
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, một trong những nguyên tắc làm cho đồng vốn được sử dụng hiệu quả hơn, đó chính là giao quyền cho các địa phương chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ để sử dụng đồng vốn này theo những mục tiêu, yêu cầu mà trung ương, bộ ngành đã xây dựng.
Năm 2013 và 2014 Thủ tướng đã đồng ý giao tổng cục và cho phép UBND các địa phương có thể dồn toàn bộ số tiền các chương trình trên địa bàn mình làm một chương trình cho hoàn thành, năm sau lại dồn cho chương trình khác.
“Nhưng, khi chúng tôi thanh tra, kiểm tra lại, hầu hết các địa phương đều nói không làm được, mặc dù rất muốn làm, vì đã có chương trình, thì không làm chắc cũng khó, năm sau cũng khó, cuối cùng địa phương cũng cả nể và cũng lại chia ra các chương trình như cũ, nên hiệu quả chưa cao, mong muốn của chúng ta chưa được”, Bộ trưởng cho biết.
Thực tế lồng ghép cũng rất khó, bởi quy chế quản lý vốn không cho phép, như thế là vi phạm.
Vì vậy, giải pháp là chúng ta dành những ưu tiên cho 2 chương trình rất quan trọng, đó là chương trình xóa đói, giảm nghèo và chương trình nông thôn mới.
“Đấy chỉ là đổi mới một cách căn bản về thu gọn lại chương trình cho nó có hiệu quả, phù hợp với khả năng ngân sách, cũng giải quyết được bài toán lồng ghép”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từng bước tiến sát với tiêu chuẩn chuẩn nghèo quốc tế
Năm 2010, Chính phủ lựa chọn tiêu chí theo mức 500.000 ở khu vực thành thị và 400.000 ở nông thôn, chỉ tương đương với 1,39 USD theo sức mua.
Về việc cần chọn tiêu chí chuẩn nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế, Bộ trưởng Vinh chia sẽ, thực tế không có một chuẩn nghèo nào quy định chung cho quốc tế, mà chỉ có khái niệm chuẩn nghèo theo thông lệ của quốc tế.
Thông lệ quốc tế, người ta tính theo Kcalo, nghĩa là để đảm bảo cho một người có khoảng 2.100-2300 Kcalo/ngày tính theo sức mua tương đương của đô la thì nó sẽ ra được mức này. Chúng ta đang phấn đấu dần để đưa lên mức này.
“Nhưng, Chính phủ vẫn phải lựa chọn một điều là không phải theo thông lệ quốc tế đơn thuần, mà chúng ta phải vận dụng để phù hợp với khả năng kinh tế của Việt Nam”, Bộ trưởng Vinh lý giải.
Năm 2010, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội trình 3 phương án: 500.000, 600.000, 700.000 ở thành thị, 400.000, 450.000 và 480.000, nhưng cân nhắc và quyết định là Việt Nam phải chọn phương án 1 là phương án phù hợp với khả năng của Việt Nam.
“Tôi cho thời gian tới chúng ta cũng nên nâng chuẩn nghèo lên để cho từng bước sát với tiêu chuẩn chuẩn nghèo quốc tế để khi chúng ta công bố rằng Việt Nam chỉ còn 15% hộ nghèo, thì quốc tế cũng so sánh được chuẩn này tương đương với chuẩn chung”, ông mong muốn.
Còn nếu, vẫn đặt chuẩn nghèo khác nhau và bây giờ thành phố Hồ Chí Minh có một chuẩn nghèo cao hơn cả nước, Hà Nội có một chuẩn nghèo khác, các tỉnh, thành phố chuẩn nghèo khác, thì việc đó cũng là vấn đề bất cập.
“Việt Nam cần tiến tới chuẩn nghèo theo thông lệ quốc tế và có cân nhắc đến điều kiện của Việt Nam và Bộ Lao động sẽ phải xây dựng trong năm 2015 về chuẩn nghèo mới để áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020”, Bộ trưởng đề nghị.
Đồng tiền bỏ ra phải có động cơ và động lực
Bộ trưởng Vinh cũng chỉ rõ, việc tất cả mọi đối tượng nghèo được hỗ trợ như nhau chính là nguyên nhân làm cho hiệu quả đầu tư về giảm nghèo giảm đi rất nhiều, thậm chí phản tác dụng.
Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, cần có điều kiện kèm theo chính sách hỗ trợ, điều kiện đó có thể nhân đạo.
“Ban đầu tôi cho anh 1-2 năm hưởng chế độ của người nghèo, cộng lại các chế độ này rất nhiều, anh phải cam kết vươn lên như thế nào và tiêu chuẩn như thế nào mới được hưởng hộ nghèo, không phải cứ thu nhập dưới 400.000 đồng là hộ nghèo. Phải cam kết vươn lên, nỗ lực hết mình. Trong bình xét thì không được nghiện hút, nếu nghiện hút, thì không cho, phải như vậy mới có giá trị. Đồng bào nghèo khắp nơi mong muốn điều này và chúng ta làm chính sách cũng phải thấy điều này, nếu như vậy thì tác động tốt. Vì chúng ta không làm nên bây giờ tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi đã giảm nhưng mọi người đều mong muốn ở lại làm hộ nghèo, không ai muốn vươn lên. Đó là điều rất vô lý, vì chính sách quá nhiều, thoát nghèo thì không được gì”, vị trưởng ngành chi rõ.
Điều quan trọng là cần có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước. Phải thấy xấu hổ khi có điều kiện, nhưng không vươn lên thoát nghèo, trừ trường hợp bệnh tật, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có công thì ta phải chăm lo.
Theo số liệu Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%, hộ cận nghèo là 6,57%, trong khi đó hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm gần 50% trong tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn ở mức cao hơn so với bình quân cả nước như miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo tới 28,55%, cao gấp 2,97 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước. Miền núi Đông Bắc 17,39% cao gấp 1,91 lần Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ 15%, cao gấp 1,56 lần. Chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất có xu hướng ngày càng tăng, cụ thể 8,1 lần vào năm 2002 lên 8,4 lần vào năm 2006, 8,9 lần năm 2008 và 9,4 lần năm 2012. |
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông