Kiến thức Tài chính kế toán Liên minh để tránh lệ thuộc

Liên minh để tránh lệ thuộc

10
Theo các chuyên gia kinh tế, để tránh phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường mới… Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đàm phán để sớm ký kết các Hiệp định FTA. Mặt khác, cần sớm mở rộng các đối tác chiến lược, hình thành các liên minh kinh tế mới.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đàm phán để sớm ký kết các Hiệp định FTA. Nguồn: internet
Trên thực tế, việc ký kết các Hiệp định FTA sẽ giúp việc lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác trở nên dễ dàng hơn, đồng thời là cơ hội bùng nổ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam trong thời gian tới, khi mà các lộ trình cắt giảm thuế quan trở nên mạnh mẽ hơn.
Tận dụng cơ hội từ FTA
Đến nay, hầu hết các Hiệp định FTA mà Việt Nam đang đàm phán như FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan, đặc biệt là Hiệp định TPP đều đang ở giai đoạn nước rút và dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2014.
Chẳng hạn, FTA với Hàn Quốc hiện nay đã bước vào phiên đàm phán thứ 5 và đã đạt được tiến bộ trên nhiều lĩnh vực như: Thuế quan, Quy tắc xuất xứ, Dịch vụ, Đầu tư, Pháp lý và Thể chế, Phòng vệ thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), các biện pháp kỹ thuật (TBT), Hợp tác kinh tế…. tiếp tục thảo luận một số nội dung như: Cạnh tranh, Thương mại điện tử và Sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhóm chuyên gia.
Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Hàn Quốc xem xét thoả đáng các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và lợi ích xuất khẩu như thuỷ sản, nông sản (gạo, rau quả nhiệt đới). Gắn liền với đó là nội dung Chương SPS trong Hiệp định. Đổi lại, Việt Nam có thể xem xét thỏa đáng các lợi ích xuất khẩu của Hàn Quốc và cải thiện cam kết so với Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).
Hay như FTA với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan dự kiến sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhstan tăng 8%. Việc ký kết sớm FTA cũng giúp Việt Nam có cơ hội thâm nhập các thị trường này sớm hơn với các ưu đãi hơn các đối tác khác như Trung Quốc và các nước láng giềng của Liên minh.
Tương tự, FTA với EU giúp XK của Việt Nam tăng thêm trung bình 4% (mức cao nhất có thể là 6% đối với những ngành mà hiện nay Việt Nam đang phải chịu đựng mức thuế nhập khẩu cao). Bởi khi FTA với EU được ký kết, dự kiến 90% hàng hóa của Việt Nam vào khu vực này được hưởng mức thuế suất bằng 0%. Đặc biệt là với 5 nhóm hàng chính, chiếm 70% kim ngạch XK sang thị trường này, gồm giày da, may mặc, cà phê, thủy sản, đồ gỗ…
Riêng với Hiệp định TPP, việc tham gia TPP sẽ giúp cho Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực và một số thị trường quan trọng. Chẳng hạn, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 từ Trung Quốc là 36,95 tỷ USD, Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 9,42 tỷ USD, Thái Lan 6,31 tỷ USD, Singapore 5,7 tỷ USD. Chỉ riêng với 5 thị trường này đã đạt 79,1 tỷ USD, chiếm 59,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Đối tác kinh tế chiến lược nào?
Bên cạnh các Hiệp định FTA, Việt Nam cần phải liên minh với các đối tác chiến lược nào để cân bằng và tránh phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc? Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Theo TS. Nguyễn Đức Thành – Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trước tiên cần phải đẩy mạnh thay đổi mô hình kinh tế, thay đổi tư duy để điều hành nền kinh tế. Đặc biệt, qua việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, và những dự báo về những khả năng nền kinh tế có thể bị suy giảm do tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc thì nhu cầu cải cách kinh tế và giảm phụ thuộc càng quan trọng. Đặc biệt, cần xác định đối tác kinh tế chiến lược với một số nước, chẳng hạn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN. Cần phải xây dựng cơ sở hợp tác lâu dài tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
 DN chưa chủ động trong việc phân tích thị trường, chủ động tạo lập ra một phân khúc cạnh tranh mới cho riêng mình.

Ngoài ra, cần quan tâm đến nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng năng xuất kinh tế theo hướng trung hạn – dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu. Đồng thời, phân bổ nguồn lực tạo cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển, chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi…, TS Thành cho biết.
Như vậy, để tránh sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, qua phân tích phần nào đã thấy rõ được lời giải cho “bài toán” này, song điều mà các chuyên gia lo lắng lúc này lại là tính chủ động và sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía các DN. Hiện tại, không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi thuế quan. Đây là những lợi thế cạnh tranh về thuế nhưng DN đang tự đánh mất. DN cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam.
Hay trong lĩnh vực XK, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có và chuyển dịch từ thị trường này sang thị trường khác cùng nhu cầu. Trong khi đó, DN chưa chủ động trong việc phân tích thị trường, chủ động tạo lập ra một phân khúc cạnh tranh mới cho riêng mình. Một phần của nguyên nhân này xuất phát từ việc là chưa có ngành công nghiệp phụ trợ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà hiện nay phải nhập khẩu nhiều từ các thị trường không được tính giá trị xuất xứ ưu đãi, đặc biệt là Trung Quốc.
Vì vậy, bên cạnh việc các Bộ, ngành tìm các giải pháp tránh lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, cần sự đồng lòng của các DN bằng việc DN chủ động phân tích thị trường, có giải pháp cho việc tìm các nguồn nguyên liệu hợp lý, nghiên cứu kỹ các quy định trong các Hiệp định FTA… Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là tránh nhiệm của các DN trong bối cảnh hiện nay, một chuyên gia nhận xét.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không