Kiến thức Tài chính kế toán Cân đối giữa quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cân đối giữa quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng

14
Ngày 27/5, tại cuộc họp báo thông tin về việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi (gọi chung là sản phẩm sữa), Bộ Tài chính khẳng định, đã tính toán và lường trước những mánh “lách” trần giá sữa của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sữa. Chung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ý kiến với Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn.
Phóng viên: Thưa ông, quyết định sử dụng một biện pháp quản lý hành chính ở mức cao nhất – áp giá trần – đã được áp dụng đối với mặt hàng sữa. Biện pháp quản lý này có thể gây phản ứng đối với doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang cố gắng tháo gỡ khó khăn cho DN hiện nay. Vậy tại sao Bộ Tài chính vẫn quyết định áp dụng biện pháp này?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn.
Cục trưởng Quản lý giá
Nguyễn Anh Tuấn
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Các kết luận thanh tra, kiểm tra DN sản xuất kinh doanh sữa thời gian qua đều cho thấy, các mặt hàng sữa chỉ tăng giá, chưa bao giờ giảm giá là một bất hợp lý. Dù cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) đã nhắc nhở nhưng vẫn không có nhiều chuyển biến. Vì vậy, quyết định áp dụng biện pháp mạnh tối đa này xuất phát từ diễn biến thị trường và quyết định này còn có sự đồng thuận của người tiêu dùng trong xã hội, thông qua cơ quan đại diện là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là quyết định của Chính phủ (thông qua Nghị quyết của Chính phủ).
Liên quan tới việc DN có thể phản ứng, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng và thấy rằng, việc áp dụng giá trần hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế. Việc hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn thì chúng ta có nhiều biện pháp, hình thức khác nhau, không nhất thiết phải nhân nhượng trong công tác quản lý giá mới là hỗ trợ DN. Thêm vào đó, chỉ có năm DN trong diện thanh tra, kiểm tra đã chiếm thị phần lớn rồi và họ đều có lãi lớn cả, không thuộc diện DN cần được ưu đãi đặc biệt.
Các chuyên gia về giá cho rằng, trong công tác quản lý, để DN và người tiêu dùng có thể “tâm phục, khẩu phục” thì điều quan trọng là cần minh bạch cách tính giá sữa. Bộ Tài chính đã áp dụng phương pháp tính giá nào để có thể đưa ra mức giá chuẩn mực nhất?
Cần phải nhắc lại là qua công tác thanh tra, chúng tôi thấy rằng, các DN đã thu được khoản lợi nhuận khá lớn mà không có động thái chia sẻ với người tiêu dùng trong hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu kỹ lưỡng các khoản chi phí, xem xét lợi nhuận đó có hợp lý không. Và chúng tôi đã xử lý theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế, quản lý giá; đồng thời, yêu cầu DN phải tiến hành rà soát, tiết giảm chi phí để bảo đảm giá bán thấp đi, đặc biệt là các chi phí chưa hợp lý, hợp lệ.
Là một mặt hàng rất thông dụng, có thị phần cao và có tính đặc thù, rõ ràng việc định giá mặt hàng sữa cũng không đơn giản. Chính vì vậy, việc làm thế nào để mức giá trần đưa ra được thị trường công nhận là hợp lý là một bài toán khó đối với Bộ Tài chính, nhất là trong điều kiện lần đầu thực hiện biện pháp quản lý đặc biệt này đối với mặt hàng sữa. Việc quyết định về công bố giá trần đều phải có căn cứ tính giá và cơ quan quản lý giá kiểm tra theo phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
Cũng chính vì đây là lần đầu áp dụng biện pháp này nên Bộ Tài chính sẽ phải tiếp tục theo dõi sát thị trường, DN để từng bước điều chỉnh. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ công nhận giá trên cơ sở khung giá hợp lý.
Như vậy, cơ quan quản lý giá đã lường trước, có biện pháp đối phó với chuyện “lách” trần giá sữa (nếu có) của DN, thưa ông?
Sau khi ban hành quyết định áp trần giá sữa, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua kiểm tra thực tế, chúng tôi đã lường trước được các khả năng “lách” giá trần này của các DN. Vì vậy, ngày 27/5, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn việc áp trần giá sữa, trong đó đã tính toán đến các khả năng có thể xảy ra như DN giảm trọng lượng, thay đổi mẫu mã sản phẩm… Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi phải tính toán làm sao để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trên. Theo đó, về cơ bản, những mặt hàng bị áp giá trần nếu có thay đổi về trọng lượng, mẫu mã… thì đương nhiên DN phải tính toán lại giá đúng theo sự thay đổi thì mới được phép bán trên thị trường.
Để kiểm tra, giám sát việc này, trong quyết định và các văn bản hướng dẫn đều quy định rõ trách nhiệm của các bên, của UBND các cấp, đặc biệt là các cơ quan chức năng của địa phương. Trong quá trình quản lý giá sữa theo biện pháp áp giá trần này, điều chúng tôi mong muốn là DN và cả cơ quan quản lý đều phải được đặt trong sự giám sát cẩn trọng của người tiêu dùng, của các phương tiện thông tin đại chúng. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã xác định đây là hoạt động cần kiên trì, vừa truyền thông, vừa đối thoại, vừa phát hiện, vừa xử lý. Đây là một chính sách quản lý có tính “mở” nhằm lập lại trật tự rõ ràng hơn trong công tác quản lý, lưu thông và tiêu dùng trên thị trường sữa. Còn đương nhiên, khi giá sữa đã đi vào trật tự, ổn định, thì các biện pháp bình ổn này sẽ lần lượt được bãi bỏ, bởi chính sách là để tạo hành lang cho hàng hóa lưu thông, ổn định, thị trường minh bạch, phát triển, chứ không phải là hạn chế sự phát triển của thị trường, DN.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không