Trước tình trạng nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện cơ cấu lại thị trường theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường bằng cách tập trung phát triển thị trường nội địa, tìm kiếm các thị trường khác tương đương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong năm 2013, kinh tế nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu từ quốc gia này ước tính đạt 36,8 tỷ USD. Kết quả, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là lớn nhất, với mức 23,7 tỷ USD. Con số thống kê 5 tháng đầu năm 2014 cho thấy, nhập siêu của chúng ta từ Trung Quốc xấp xỉ 10 tỷ USD. Nhập siêu chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày, linh phụ kiện điện tử và thiết bị tiêu dùng.
Theo ĐBQH, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, từ vật tư nhiên liệu đến thị trường, đặc biệt là các dự án Trung Quốc trúng thầu. Về trung và dài hạn, nền kinh tế cần giảm lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Dù mối quan hệ kinh tế lúc hữu hảo hay khi sóng gió, cũng cần phải đặt vấn đề giảm sự phụ thuộc này, và trong bối cảnh khó khăn hiện nay càng cho chúng ta thấy rõ những nguy cơ và thêm quyết tâm để cơ cấu lại thị trường.
Trước hết và quan trọng, cần tập trung vào thị trường trong nước, những lĩnh vực, ngành nghề nào chúng ta có thế mạnh, có thể phát triển được thì tập trung chính sách đầu tư.
Cũng theo ĐBQH Trần Du Lịch, quá trình này cần nhìn ở tầm trung và dài hạn, cần gấp rút xây dựng đạo luật về công nghiệp hỗ trợ làm cơ sở pháp lý và các chính sách để công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển. Thứ hai, cần phải tính toán lại toàn bộ hệ thống cơ cấu về nền nông nghiệp. Thay vì chỉ sản xuất lương thực cho con người, cần quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt may, da giày với một phương thức sản xuất phù hợp, áp dụng tối đa thành tựu của công nghệ sinh học và kỹ thuật. Thật vô lý là ở một nước có hàng triệu ki lô mét vuông biển mà hàng năm phải bỏ hàng tỷ USD để nhập nguyên liệu bột cá về. Cần phải rà roát lại, sản phẩm nào, nguyên liệu nào trong phần nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc mà chúng ta có thể làm được, phải đẩy mạnh sản xuất trong nước. Có thể ban đầu, doanh nghiệp chúng ta chấp nhận chi phí cao hơn, cần phải có sự hỗ trợ từ chính sách, về dài hạn sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu cho nền kinh tế.
Thứ hai, cần đẩy mạnh phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Để thúc đẩy phong trào này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh, đưa những sản phẩm tốt đến với người tiêu dùng nội địa chứ không chỉ để xuất khẩu. Doanh nghiệp lâu nay mải mê ưu tiên xuất khẩu mà quên mất thị trường 90 triệu dân trong nước, chưa kể hàng chục triệu khách du lịch, nếu chất lượng tốt , giá hợp lý thì họ sẽ sẵn sàng mua. Tư duy của doanh nghiệp cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của mình ngay chính thị trường trong nước trước, đó chính là tái cấu trúc thị trường. Doanh nghiệp cần tạo ra thực tiễn để cùng giáo dục, truyền thông chứng minh rằng không phải cứ hàng ngoại là tốt hơn hàng nội. Về phía Chính phủ, chi tiêu công cũng cần ưu tiên hàng hóa trong nước.
Cho rằng cú “sốc” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế trong nước, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, nền kinh tế cần có sự chuyển hướng theo hướng tăng cường nội lực của nền kinh tế thông qua khả năng sản xuất, cung ứng nguyên liệu, vật liệu, đồng thời tìm các đối tác tương đương hoặc có chất lượng tốt hơn Trung Quốc như các thành viên trong ASEAN, Hàn Quốc. Để làm được điều này, về mặt nội bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phải linh hoạt hơn, đặc biệt là cần một sự phát triển nhiều hơn và tự tìm kiếm những nguồn thay thế. Khu vực DNNN cũng như khu vực đầu tư công cần có những kế hoạch hỗ trợ, không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu cũng như các nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đức Thành nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô nhỏ nên chúng ta có thể linh hoạt để tìm những đối tác, bạn hàng tương ứng, để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Doanh nghiệp trong nước phải nhìn nhận lại vấn đề để có thể hướng tới tái cơ cấu chu trình sản xuất của mình; nhập khẩu hàng hóa có vốn đắt hơn từ Hàn Quốc, các nước ASEAN, thậm chí từ châu Âu, châu Mỹ và đồng thời cũng kéo dài chu trình sản xuất của mình ra, không quay vòng vốn nhanh như trước đây.
Kinh tế nước ta đã có những giai đoạn khó khăn và khủng hoảng lớn, đó là vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước khi thị trường của chúng ta ở các nước XHCN sụp đổ. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã từng bước thay đổi và phát triển thành công thị trường của mình. Điều này cho chúng ta niềm tin để cơ cấu lại thị trường cho nền kinh tế trước những tình huống mới. Mặt khác, có thể thấy rằng, trong mối quan hệ thương mại hiện nay, mỗi nền kinh tế là một mắt xích trong nền kinh tế toàn cầu. Thị trường Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường khác, vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các nền kinh tế. Trong các mối quan hệ thương mại hiện nay, cần có chiến lược chủ động tránh những thách thức và nguy cơ, đồng thời tận dụng và khai thác tối đa cơ hội trong quan hệ kinh tế, trong đó có quan hệ với thị trường Trung Quốc.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông