Bộ Xây dựng vừa cho biết, sắp tới Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân.
Trong thời gian tới người dân sẽ tăng khả năng được tiếp cận nguồn vốn có sự hỗ trợ của nhà nước để mua, thuê nhà ở
Theo báo cáo kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng của Bộ Xây dựng, tính đến 31/5/2014, tổng số tiền 05 ngân hàng đã cam kết giải ngân là 3.954,4 tỷ đồng, tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng. Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân: Ký hợp đồng cam kết cho vay 5.378 hộ với số tiền là 2.060 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 5.368 hộ với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng. Đối với tổ chức: Cam kết cho vay 23 dự án với số tiền là 1.894,4 tỷ đồng.
Như vậy gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong 5 tháng đầu năm 2014. Nếu như tại thời điểm 31/12/2013 tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.
Theo Bộ Xây dựng, vấn đề lớn khiến người dân vẫn ngại khi tiếp cận gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đó là lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân.
Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường…) thực hiện các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm. Vừa qua, Bộ cũng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đã tạo điều kiện tối đa để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở.
Bộ Xây dựng đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở; mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng; bổ sung đối tượng được vay vốn là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị có khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, giải pháp quan trọng hiện nay đó là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, tháo gỡ các thủ tục, vướng mắc, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Với những giải pháp này chắc chắn trong thời gian tới người dân sẽ tăng khả năng được tiếp cận nguồn vốn có sự hỗ trợ của Nhà nước để mua, thuê nhà ở.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông