VNPT mới sẽ bao gồm công ty mẹ VNPT với 66 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 3 công ty con và 18 doanh nghiệp do VNPT nắm giữ dưới 50% vốn.
Mobifone chính thức tách ra khỏi VNPT.
Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng đề án tái cơ cấu VNPT đã được thông qua. Mobifone sẽ tách ra thành một doanh nghiệp độc lập với VNPT mà không phải “gánh” theo bất kỳ tài sản xấu nào cũng như không phải “thoái vốn hộ” VNPT.
Sắp xếp lại bộ máy
Sau khi điều chuyển Mobifone về cho Bộ Thông tin & Truyền thông, cơ cấu tổ chức của VNPT cũng được sắp xếp lại. Theo đó:
* Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý kinh doanh dịch vụ viễn thông được tổ chức lại thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ Viễn thông (VNPT – Vinaphone). Nòng cốt của công ty này là công ty Vinaphone hiện tại.
* Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, truyền thông, dịch vụ giá trị gia tăng được tổ chức thành Công ty TNHH MTV Truyền thông (VNPT – Media).
* Các công ty đơn vị, bộ phận đang quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông được tổ chức thành Công ty Hạ tầng mạng (VNPT – NET); đây là đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ VNPT. VNPT – NET được hình thành từ Công ty viễn thông liên tỉnh VTN, Công ty viễn thông quốc tế VNPT International và hạ tầng mạng lưới của Vinaphone, các viễn thông tỉnh, thành phố.
* Tổ chức lại công ty cáp quang FOCAL và Công ty VNPT – Technology thành một công ty
* Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Công ty Tài chính bưu điện.
* 63 viễn thông tỉnh, thành phố là các chi nhánh của VNPT.
* Thoái vốn tại 63 doanh nghiệp
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại như kế hoạch trên, bộ máy tổ chức của VNPT sẽ bao gồm công ty mẹ VNPT với 66 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 3 công ty con và 18 doanh nghiệp do VNPT nắm giữ dưới 50% vốn.
Ba công ty con gồm VNPT – Vinaphone, VNPT – Media và VNPT – Technology.
Trong số những doanh nghiệp nắm dưới 50% vốn mà VNPT giữ lại thì CTCP Viễn thông tin học Bưu điện (CT-IN) và CTCP Truyền thông VMG có kết quả kinh doanh khá nổi bật.
Ẩn số lợi nhuận khi không còn Mobifone
Theo dự thảo ban đầu, VNPT muốn chuyển giao cho Mobifone 2 vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 cũng như Công ty Tài chính Bưu điện – PTFinance. Đây đều là những khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ lớn.
Hai vệ tinh Vinasat đang có những khoản lỗ lên đến hàng nghìn tỷ. Còn Công ty Tài chính Bưu điện có vốn điều lệ 500 tỷ nhưng đến cuối năm 2012 đã lỗ tới 635 tỷ, âm vốn chủ sở hữu.
Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán tình hình tài chính của VNPT năm 2012 đã đánh giá: ngoài VMS (đơn vị chủ quản của Mobifone) hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, còn lại các đơn vị trong tập đoàn hoạt động kinh doanh có hiệu quả thấp.
Theo kết quả kiểm toán, năm 2012, lợi nhuận của Mobifone đạt 6.717 tỷ trong khi lợi nhuận hợp nhất (bao gồm Mobifone) của VNPT chỉ có 5.458 tỷ. Còn công ty mẹ VNPT lãi 1.095 tỷ sau nhờ có khoản lợi nhuận 3.130 tỷ đồng từ Mobifone chuyển về. Như vậy nếu như không có lợi nhuận từ Mobifone, VNPT có thể đã lỗ tới hàng nghìn tỷ trong năm 2012.
Theo Tri thức trẻ
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông