Đang là sinh viên bỏ học, ra trường thất nghiệp, trượt tốt nghiệp…để ngụy biện họ bỏ ra vài triệu đến vài chục triệu đồng học một khóa học kinh doanh để mua công thức thành công.
Thành công chưa thấy đâu, rất nhiều bạn trẻ đã mất cả chục triệu đồng tham gia các khóa học làm giàu chỉ để mua vui?
Tràn lan các khóa học làm giàu
Mỗi khóa học chỉ vỏn vẹn 1- 2 ngày, mới mức học phí tiền triệu thậm chí chục triệu đồng nhưng đang có sức thu hút đặc biệt với giới trẻ. Bằng chứng là, các khóa học làm giàu đang nhản nhản trên internet, gửi email cá nhân với những lời mời gọi hấp dẫn: “kiếm 100 triệu tháng”, “Học xong không thành công trả lại tiền”, “kiếm tiền khi đang ngủ”,…
Sau nhiều ngày chờ đợi, PV đã chính thức đăng kí tham dự một khóa học làm giàu đang gây sốt tên Boot Camp với quảng cáo học xong kiếm 100 triệu/ tháng. Khóa học diễn ra trong vòng hai ngày, mỗi tháng tổ chức một lần. Khóa học có gần 150 học viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên, người trẻ… Giá vé là 3.290.000 đồng, ngoài ra còn nhiều các vé ưu đãi giá từ 350.000 đồng- 1,5 triệu đồng.
Trong hai ngày liền tham dự, chúng tôi được giảng viên RichadLoc hướng dẫn các kĩ năng kiếm tiền trên internet nhanh chóng với các ví dụ hấp dẫn về những người đã thành công kiếm cả triệu đô từ khóa học để lên dây cót tinh thần. Theo đó anh giảng viên được quảng bá là nhà đào tạo maketing hàng đầu của VN này hướng dẫn các nguyên tắc, công cụ hữu hiệu, thủ thuật để kinh doanh với số vốn bằng 0…
Trong quá trình học, các học viên còn liên tục được mời mua các sản phẩm, đĩa CD, tài liệu mật…về các bí quyết làm giàu với những giá không tưởng từ 1- 3 triệu đồng/sản phẩm. Hầu hết các học viên đến với khóa học đều mong muốn được làm giàu nhanh, kiếm thật nhiều tiền, thậm chí “kiếm tiền cả khi đang ngủ” như khóa học quảng cáo. Mỗi năm, boot Camp huấn luyện cho hơn 1000 học viên.
Tương tự, một khóa học khác được quảng cáo là kiếm 150 triệu đồng/ tháng đang thu hút rất đông giới trẻ tham gia. Tuy nhiên, học phí cũng có giá trên trời gần 20 triệu đồng/2 ngày.. Trên internet, gmail, youtube, facebook…hàng trăm các khóa học được quảng cáo nói quá, chiêu sinh rộng rãi và các học viên tìm đến chủ yếu muốn mua các công thức làm giàu.
Mất tiền…nhận quả đắng
Cuối năm thứ 2 đại học, Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1991, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tự ý xin nghỉ học tại trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội trong khi kết quả học, thi vẫn hoàn toàn tốt. Bố mẹ biết chuyện ngất lên, ngất xuống vì cậu con trai có quyết định dại dột vì sợ rằng tương lai từ đây sẽ khép lại nhưng Đức vẫn nhởn nhơ và khẳng định chắc chắn sẽ thành công.
Mặc dù bận rộn với việc kinh doanh ở quê, nhưng bố mẹ Đức ngay lập tức bắt xe xuống Hà Nội hỏi cho ra nhẽ thì Đức hùng hồn: “Con quyết đi con đường riêng rồi bố mẹ đừng lo, giờ có nhiều cách để làm giàu, thành đạt lắm mà không cần học”. Hơn tháng sau, Đức quay về quê và xin bố mẹ 10 triệu đồng để đi học lớp kinh doanh trên mạng, kiếm tiền tự lập với lời tuyên bố học xong sẽ kiếm được trên 100 triệu/ tháng.
Dù không tin nhưng nghĩ con lêu lổng nay nghĩ đến kiếm tiền nên cũng cắn răng chi. Theo lời quảng cáo, khóa học kéo dài 2 ngày và hứa hẹn rằng học xong sẽ kiếm được từ 30- 100 triệu đồng/tháng. Thấm nhuần công thức làm giàu, sau khi học xong, Đức xin mẹ hơn 50 triệu đồng mở một cửa hàng nhỏ bán phụ kiện điện thoại, máy tính. Áp dụng đúng các công thức làm giàu Đức chăm chỉ kinh doanh, thành lập các trang web, fanpage, rao vặt trên mạng để bán hàng, tuy nhiên gặp cạnh tranh lớn nên hai tháng sau hàng vẫn không bán được, chi phí thuê mặt bằng dồn lại, cuối cùng thất bại.
Sau hơn 2 năm bỏ học đại học, vật lộn với công việc kinh doanh chứng minh “đại học không phải con đường duy nhất”, Đức thua lỗ chồng chất, nợ nần bạn bè, và phải đi làm bốc vác thuê cho gia đình nhà bác họ để trả nợ.
Đang đi học đại học nhưng không chú trọng học hành, trau dồi kiến thức, kĩ năng mềm…nhiều sinh viên bỏ ngang vì muốn thành công sớm. Đang học năm thứ 3 tại ĐH Công Nghiệp nhưng Huyền My luôn không chú trọng, thậm chí nghỉ học thường xuyên vì cô nghĩ ra trường sẽ kinh doanh riêng chứ không dùng đến bằng đại học. Năm thứ 3, Huyền My tập tọe kinh doanh quần áo qua facebook đầu tư gần 30 triệu đồng nhưng thất bại vì không sang Quảng Châu lấy hàng trực tiếp được mà phải lấy sỉ lại.
Không cam chịu thất bại, Huyền My bỏ gần 3 triệu đồng mua công thức làm giàu từ một khóa học diễn ra chỉ hai ngày với lời hứa kiếm được 15 triệu đồng/tháng ngay nếu không sẽ trả lại học phí. Học xong cô áp dụng công thức ngay, liên tục thực nghiệm từ bán đồ ăn đêm, làm hoa nhựa, rồi bán bít tất, mỹ phẩm Hàn Quốc nhưng vẫn lao đao.
“Đằng sau mỗi doanh nhân thành đạt luôn có bóng dáng của những thất bại đầu tiên”,
Huyền My giải thích về những thất bại của mình. Không rõ sau này Huyền My có thể trở thành “doanh nhân thời đại” nhưng mình mong muốn không nhưng hiện tại thì My đang bị học lại triền miên, nợ tiền bố mẹ và tốt nghiệp chậm 1 năm!
Sinh viên chưa có việc làm, người thất nghiệp…vì muốn thoát khỏi tình trạng khốn khổ, nhiều người vay mượn tiền, cầm cố tài sản để làm giàu cấp tốc. Liệu có không công thức làm giàu chuẩn chung ai áp dụng cũng thành công hay đó chỉ là sự hão huyền nẩy sinh từ lối sống ảo tưởng?
Công thức làm giàu cho cả triệu người?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, viện Xã hội học cho rằng không có bất cứ một công thức làm giàu nào có thể áp dụng cho cả triệu người. “Đừng ảo tưởng, kinh doanh cần có sáng tạo, kiến thức và phải dựa trên sự tích lũy kiến thức của bản thân qua nhiều năm chứ không phải là bỏ ra vài triệu đồng để mua công thức làm giàu trong 1 ngày rồi kiếm được tiền cả khi ngủ.
Nếu dễ dàng nhự vậy thì cả tỉ người đi học rồi.Tuy nhiên, tôi không phủ nhận trong ngay thời điểm đó các diễn viên thao giảng họ khơi gợi được sự sôi sục, cuồng nhiệt của tuổi trẻ”, tiến sĩ nói. Ông cho rằng, việc các khóa học dạy làm giàu đang tràn lan hốt tiền của những người trẻ cũng là một quy luật cung cầu tất yếu.
Theo đó có nhu cầu tức là học viên, giới trẻ mong muốn thì các khóa học đó mới tồn tại được, tức là một bộ phận giới trẻ đang sống ảo tưởng, lười lao động, nhầm lẫn về các giá trị cuộc sống, coi tiền là quan trọng nhất. Họ quen ỉ lại, chỉ muốn ăn sẵn, nghĩ cái gì cũng dễ dàng nên bỏ cả chục triệu đi học 1,2 ngày mà không suy nghĩ gì.
Tiến sĩ nhấn mạnh muốn làm giàu phải tích lũy kiến thức vững vàng, nghiên cứu thị trường, học hỏi kinh nghiệm, luôn sáng tạo. Đó là con đường thành công vững vàng nhất chứ đừng hủy hoại chính mình bằng việc bỏ tiền của nuôi các diễn viên thao giảng rồi nhận quả đắng, bởi họ có đào tạo cả triệu người nhưng mấy người được thành công. Bất cứ một sự thành công nào cũng đều được xây từ những viên gạch tri thức thì mới bền vững.
Theo Pháp Luật VN
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông