“Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển DN tư nhân và coi đây là một động lực chủ yếu để phát triển nền kinh tế VN” – một trong những thông điệp Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra tại Diễn đàn DN VN giữa kỳ năm 2014 về phát triển DN tư nhân đang thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng DN, nhất là trong bối cảnh VN đang tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại, năng động và hiệu quả hơn.
Tháo bỏ toàn bộ rào cản
Ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư:
Thời gian vừa qua chúng ta chú ý nhiều đến mảng FDI, nhưng nay, khối DN dân doanh (DN tư nhân) cần được quan tâm đầy đủ hơn, bởi đây là lực lượng đông đảo nhất, cũng như quan trọng nhất của nền kinh tế VN.
Thống kê cho thấy, hiện nay khối DN tư nhân, nhất là DNNVV đang trong trạng thái vận động không tốt. Kết quả cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh của hơn 8.000 DN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê, trường Đại học Copenhagen và Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch thực hiện và công bố cuối năm 2013 cho thấy, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vốn là số 1, tiếp đến là thiết bị, lao động có kỹ năng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin.
Về đầu tư nghiên cứu – phát triển (R&D), trong số hơn 8.000 DN, chỉ có 826 DN (hơn 10%) cho biết có tiến hành, nhưng phần lớn (55%) để ứng dụng công nghệ thích ứng với thị trường mà không phải nghiên cứu công nghệ mới so với thế giới. Những tư liệu của cuộc điều tra này đã bộc lộ nhược điểm lớn về vốn, máy móc, thiết bị, công nghệ và R&D của DN tư nhân.
Từ những thực tiễn trên cho thấy, cần phải quan tâm đúng mức đến khối DN tư nhân trong nước vì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu, kinh tế VN vẫn không phát triển được, và sẽ bị lệ thuộc. Khi hội nhập các DN trong nước buộc phải mạnh lên, tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, và họ phải là những người xây dựng được những thương hiệu của VN. Đây là một lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất và là lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, vừa qua khối DN tư nhân lại chưa được quan tâm đầy đủ. Trong soạn thảo về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đưa ra một trong những mục tiêu là phải tập trung mọi nguồn lực, có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thế về DN tư nhân trong nước. Theo đó, DN tư nhân sẽ là động lực quan trọng số 1 đóng góp vào tăng trưởng của VN.
Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa Luật DN và Luật Đầu tư theo hướng tháo bỏ toàn bộ những rào cản đang cản trở sự tham gia vào thị trường cũng như thành lập và phát triển DN của khối dân doanh.
Giải pháp cụ thể cho từng đối tượng DN
Ông Nguyễn Văn Cảnh – Chủ tịch HĐQT Cty CP Quốc Thắng, Đại biểu QH Khóa XIII
Để giải quyết khó khăn cho các DN, đặc biệt là DN tư nhân, theo tôi Chính phủ cần một lần nữa có những giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho cho các DN. Các chính sách trước đây, chủ yếu là các giải pháp ở tầm vĩ mô, đối tượng áp dụng là hầu hết các loại hình DN ở hầu hết các quy mô. Với chính sách áp dụng rộng rãi như vậy thì phần nào hiệu quả của chính sách bị hạn chế đối với từng nhóm đối tượng đặc thù.
Tôi nghĩ nếu các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế không có một khảo sát riêng, lắng nghe hết tiếng nói từ phía họ thì sẽ khó có thể tham mưu cho Chính phủ để có những giải pháp tối ưu. Bởi chính bản thân của DN mới thực sự biết rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của mình, thị trường mình cần hướng tới, cách xử lý hàng tồn kho, họ cũng tính toán chi tiết được chính sách thuế, lãi suất ngân hàng, chính sách giãn nợ ở mức độ nào là phù hợp, các chính sách khác cần điều chỉnh như thế nào để tạo điều kiện cho họ hoạt động có hiệu quả.
Tôi ví dụ, về hỗ trợ thị trường, địa phương không thể xúc tiến thương mại tại một thị trường chung cho nhiều DN khác nhau có nhiều nhóm hàng khác nhau hay chính sách giãn khoản nợ không thể áp dụng một khung thời gian cho nhiều loại hình hàng tồn kho khác nhau.
Vừa qua có một số chính sách không phát huy hết tính hiệu quả, phần lớn là do chưa đáp ứng đủ nguyện vọng của các đối tượng được hưởng chính sách. Vì vậy, tôi nghĩ Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương sớm đánh giá lại tình hình sản xuất, kinh doanh đối với các DN thuộc nhóm này, tổng hợp tất cả các đề xuất của các DN có nhu cầu hỗ trợ về thị trường, xử lý hàng tồn kho, chính sách thuế, giảm mức lãi suất ngân hàng, giảm khoản nợ cho các DN và những chính sách cần điều chỉnh để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp các DN sớm vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Sau khi các địa phương tổng hợp các đề xuất của các DN thì sẽ đánh giá lại tình hình thực tế của các DN đó. Căn cứ trên các đề xuất hợp lý sẽ phân thành từng nhóm giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng xem xét có chủ trương phù hợp giao các bộ, ngành phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Cần một cơ quan ngang bộ điều phối vấn đề DN dân doanh
Ông Nguyễn Mạnh Hà – TGĐ Cty CP Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến
Thời gian vừa qua, rất nhiều chủ trương, chính sách hướng đến sự công bằng giữa các khu vực DN dân doanh, DNNN và DN FDI. Tuy nhiên, các chính sách đều không đi vào thực chất. Có hai dạng thiên lệch giữa khu vực DN tư nhân và các khu vực khác. Thứ nhất, thiên lệch mang tính “vô tình”. Các khu vực khác như khu vực DNNN vốn dĩ đã được hưởng những chính sách, nguồn lực do lịch sử để lại như vốn, đất đai, tài nguyên… Tiếp đến, sự thiên lệch mang tính “cưỡng ép”. Nhiều địa phương, để chạy theo thành tích hoặc thu hút những DN lớn, nhà đầu tư tiềm năng đã có những chính sách khuyến khích, ưu ái rất mạnh mẽ với những DN lớn là DNNN, DN FDI. Bởi vì, các DN lớn có thể nhìn thấy ngay những đóng góp cho ngân sách địa phương. Còn DN tư nhân thường ít được “để ý”…
Chính vì vậy, một cơ quan ngang tầm bộ để điều phối các vấn đề hỗ trợ DN tư nhân nói riêng, DNNVV nói chung là điều rất cần thiết. Nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng mô hình cơ quan đầu mối điều phối các chính sách hỗ trợ DNNVV, DN dân doanh. Cơ quan này sẽ nằm trong Chính phủ và là nơi để DN tư nhân, DNVVN cung cấp thông tin, gửi kiến nghị. Qua đó, Chính phủ có thể nhanh chóng kịp thời lắng nghe và ban hành các chính sách hỗ trợ một cách thiết thực nhất, nhanh chóng nhất.
Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, họ có một ngân sách cho các DNVVN khu vực tư nhân khởi sự. DN không cần thế chấp, hay tín chấp. Nhà nước sẵn sàng nhận phần rủi ro về mình. Tuy nhiên, nguồn vốn này đã tạo một nguồn lực rất đáng kể cho việc hình thành và phát triển một khu vực DN tư nhân nhỏ khởi sự.
Ngoài ra, DN tư nhân, đặc biệt DNVVN thường được các quốc gia ban hành chính sách ưu đãi hơn các khu vực khác. Điều này VN chưa làm được. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói DN tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển thì khu vực này cần được hưởng những chính sách đúng với vai trò động lực của mình. Nếu không được, ít nhất DN tư nhân cũng cần được hưởng sự công bằng thực sự như các khu vực khác.
Cần Bình đẳng hơn với DN tư nhân
Ông Tomaso Andreatta – Phó Chủ tịch EuroCham
Chúng tôi đánh giá rất cao những cam kết của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc tạo thuận lợi để phát triển khu vực DN tư nhân tại VBF. Những cam kết này cũng như những Hiệp định FTA mà VN đang đàm phán, trong đó có FTA VN – EU sẽ là bước tiến quan trọng và tạo ra những “lực đẩy” tạo niềm tin ngày càng mạnh mẽ của các DN nước ngoài nói chung và DN Châu Âu nói riêng vào thị trường VN.
Có thể nói, kể từ khi đổi mới, DN tư nhân VN luôn đóng vai trò quan trọng và đóng góp lớn vào thành công của kinh tế VN. Chính vì vậy, để cho khối DN tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế VN, VN cần đổi mới khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ chính sách cần phải rõ ràng để DN và các bên tham gia một cách nhất quán, công bằng, minh bạch, đặc biệt là cần đơn giản thủ tục hành chính để hạn chế những rào cản từ thủ tục phức tạp và sự quan liêu.
Thực tế, các DN tư nhân ở VN chủ yếu là DNNVV. Vì thế cần tìm mọi cách để DNNVV thật sự phát huy vai trò mà cơ chế, chính sách cho điều này là rất quan trọng. Đồng thời, VN cần bình đẳng hơn nữa đối với DN tư nhân trong việc tiếp cận các nguồn lực từ tài chính, đất đai…
Tuy nhiên, các tiềm năng của DN tư nhân có thể bị suy yếu nếu VN không cam kết thực hiện toàn diện các điều khoản thương mại quốc tế và đảm bảo việc thi hành hiệu quả các điều khoản này. Chẳng hạn, VN phải đảm bảo việc ký kết và thi hành các Hiệp định FTA, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015. Trong khuôn khổ đó, VN cần đảm bảo các DN của mình có sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà cả quốc tế. Do đó, các chính sách bảo hộ cần được lược bỏ nhanh chóng để các DNVN có thể thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, giá cả, thương hiệu… VN cũng cần tạo điều kiện ưu đãi các DN nước ngoài mong muốn tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường VN. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển giao tri thức mà VN đang rất cần để thoát khỏi bẫy lao động giá rẻ.
VN đang bước vào một giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi lẽ những thành tựu của các năm tới sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong sự thành công lâu dài của VN.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông