Công ty kiểm toán đa quốc gia, PricewaterhouseCoopers (PwC), gần đây đã công bố bảng xếp hạng 30 thành phố tạo nhiều cơ hội nhất cho doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Báo cáo này xếp hạng tính cạnh tranh của các thành phố dựa trên các tiêu chí: năng lực sáng tạo của người lao động; nền tảng công nghệ; khả năng giao thương với các nước khác trên thế giới; cơ sở hạ tầng giao thông; môi trường sống an toàn, an ninh và tốt cho sức khỏe; tính bền vững và mức độ bảo vệ môi trường; nhân khẩu học; tiềm lực kinh tế; khả năng tiết kiệm chi phí trong các hoạt động kinh doanh.
Ảnh minh họa
Từ 10 tiêu chí này, PwC đã chọn ra được 11 thành phố là điểm đến tốt nhất để đầu tư năm 2014 trên toàn thế giới như sau:
11. Berlin
Thành phố Berlin được mệnh danh là trung tâm nghệ thuật của nước Đức đã đạt được những yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, môi trường sống khỏe mạnh, an toàn và an ninh. Cụ thể, thành phố lớn nhất nước Đức này đứng thứ 3 về mặt phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đứng thứ 4 về mật độ dân số và chất lượng sống.
Những ai đã từng đến Berlin đều biết về hệ thống giao thông ngầm U-Bahn nổi tiếng sạch sẽ và hiệu quả. Ngày càng nhiều doanh nhân bị Berlin quyến rũ trong những năm gần đây.
Năm 2013, tờ New York Times đánh giá Berlin đang bước vào thời điểm vàng cho kinh doanh. Tạp chí Times nhận định, nỗ lực phát triển thành phố được cụ thể hóa thành những chính sách hỗ trợ của chính phủ cho ngành công nghiệp phát triển bền vững. Những công ty như Google, Atsy đã mở văn phòng đại diện tại đây, tham gia cùng những đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như SoundCloud, ResearchGate, biến Berlin trở thành thung lũng Silicon của Châu Âu.
10. Chicago
“
“Thành phố Gió” với gần 3 triệu dân là một trong những thành phố lớn nhất nước Mỹ. Chicago đạt điểm cao ở hạng mục về chi phí đầu tư, chất lượng cuộc sống và chất lượng không khí của PwC.
Những tập đoàn lớn đều bị thu hút đến thành phố Trung Tây nước Mỹ này. Cụ thể, có 30 công ty thuộc danh sách 500 của Fortune đặt trụ sở tại Chicago, bao gồm cả hãng sản xuất máy bay khổng lồ Boeing.
Phục hồi từ cuộc khủng bố đẫm máu mùa hè năm 2012, Chicago rất nỗ lực để thay đổi hình ảnh của mình. Trong khoảng đầu năm 2014, tờ New York Times đã xuất bản một bản hướng dẫn cho 36 giờ lưu lại tại Chicago cho những du khách đến tham quan thành phố.
“Chicago là vùng đất hứa cho các hoạt động văn hóa – một nơi với thức ăn ngon và đa dạng, những nhà hát sáng tạo và là một trong những phong cảnh tuyệt vời nhất cho trình diễn nhạc sống” – tờ Time nhận định.
Song, Chiacago lại đã rơi khỏi danh sách 10 thành phố đứng đầu về giao thông và cơ sở hạ tầng. Giao thông ở Chicago được đánh giá khá tệ. Năm ngoái, thành phố đã gặp thất bại trong việc áp dụng mô hình giá rẻ dành cho xe lửa và xe buýt thuộc hệ thống Chicago Transit Authorit.
Về mặt cơ sở hạ tầng, Chicago đã chi mạnh ngân sách năm 2012 để đầu tư hàng triệu USD vào việc chỉnh sửa đường dẫn nước sinh hoạt, các trường học và cao ốc trong thành phố. Tuy nhiên, dự án lớn này cần thời gian để phát huy hiệu quả.
9. Sydney
Syney được đánh giá cao về độ an toàn, thân thiện và chất lượng cuộc sống. Theo bảng xếp hạng của PwC, Sydney đứng đầu về các chất lượng cuộc sống lẫn phát triển bền vững. Là trung tâm tài chính, sản xuất và văn hóa của Úc, Sydney có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài
Tuy nhiên, Sydney hiện là 1 trong 12 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với giá thuê một căn hộ một giường ngủ khoảng 2.100 USD một tháng. Và chi phí sống một ngày tại Sydney hiện cao hơn 16% so với mức trung bình của thế giới.
8. Hong Kong
Bất chấp mật độ dân số đông đúc, Hong Kong vẫn giữ thứ hạng cao về chất lượng cuộc sống và đứng thứ 5 trong danh sách những thành phố triển vọng về cuộc sống trên thế giới. Thành phố này có một hệ thống giao thông công cộng phát triển mạnh khi hơn 90% nhu cầu di chuyển hằng ngày của người dân là dùng phương tiện công cộng.
Tổ chức Chỉ số Tự do Kinh tế xếp hạng nền kinh tế Hong Kong đứng nhất thế giới, do chính sách thuế thấp và thị trường tài chính bắt kịp xu hướng toàn cầu. PwC cũng xếp Hong Kong thứ 2 về yếu tố thuận tiện cho kinh doanh.
Vấn đề lớn nhất của Hong Kong là ô nhiễm môi trường. Chất lượng không khí thở tại thành phố này đang có dấu hiệu tệ hơn rất nhiều so với 20 năm trước.
7. Stockholm
Stockholm là một trong những thành phố phát triển kinh tế nhanh nhất ở Châu Âu với dân số và những ngành nghề kinh doanh mới liên tục gia tăng trong vòng 15 năm qua.
Một trong thành tựu lớn nhất của thành phố này là thiết lập được mạng lưới băng thông rộng phục vụ nhu cầu công cộng vào giữa thập niên 90. Điều này đã tạo cú hích đẩy mạnh ngành công nghiệp công nghệ sản sinh ra những Spotify và DICE Games.
Phát triển bền vững là trọng tâm phát triển của thành phố trong hơn 60 năm qua, vì vậy, chính quyền thành phố tập trung vào phát triển giao thông công cộng, cung cấp nước sạch và hệ thống sưởi xanh, tránh thải khí bẩn ra môi trường cho các hộ gia đình.
Thách thức lớn nhất của Stockholm cũng như là Thụy Điển chính là vấn đề nhập cư. Dòng chảy của dân tị nạn suốt thập kỷ qua đã kéo theo số lượng tội phạm của thành phố gia tăng.
6. Paris
Paris được đánh giá cao bởi sự tự do, tôn trọng các quy tắc quốc tế và được đánh giá cao bởi trình độ lao động và chất lượng nền giáo dục. Paris đứng thứ nhất ở tiêu chí chất lượng sáng tạo của lực lượng lao động trong bảng xếp hạng.
Hệ thống giao thông công cộng của thành phố được xây dựng với 14 tuyến metro, một mạng lưới của những chuyến tàu lửa nội ô kết nối thành phố với các vùng ngoại ô, và những làn xe riêng dành cho xe bus nhanh di chuyển.
Tuy nhiên nhược điểm của Paris là giá nhà cao, chất lượng giao thông khu trung tâm đô thị kém và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những yếu tố này đã kéo chỉ số cạnh tranh của Paris xuống trong những năm gần đây.
5. San Francisco
Không ngạc nhiên khi trái tim của Thung lũng Silicon đã từng là một trong ba thành phố dẫn đầu chất lượng sáng tạo của người lao động với những công ty lớn như Google. Dân số San Francisco vào khoảng 825 ngàn người. Một vài công ty lớn nhất thế giới đang đặt trụ sở bên trong hoặc xung quanh thành phố San Francisco.
Hiện tại, San Francisco đứng hạng 6 về mức độ hợp lý trong chi phí, song chí phí tại thành phố này đang trở nên đắt đỏ hơn. Điều này dần tạo ra xu hướng chuyển dịch sang ngoại ô của những gia đình trung lưu để tiết kiệm chi phí. Xu hướng này cũng đang diễn ra tại Seattle, Berlin.
4. Toronto
Trong báo cáo của PwC, thành phố Toronto tại Canada nằm trong ba hạng đầu về sức khỏe, an toàn, an ninh và cơ sở hạ tầng giao thông. Toronto cũng được xếp thứ 4 về môi trường kinh doanh tốt.
Một trong những thành phố an toàn nhất ở Bắc Mỹ này đứng nhất trong các báo cáo của PwC về hệ thống giao thông công cộng.
3. Singapore
Ưu điểm lớn nhất của Singapore là hệ thống giao thông công cộng. Từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, Chính phủ Singapore đã đẩy mạnh đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông vận chuyển xuyên suốt quốc đảo.
Trong báo cáo mới nhất của PwC, Singapore đã rơi ra khỏi top 10 ở tiêu chí phát triển bền vững và môi trường tự nhiên. Song các chuyên gia dự báo Singapore sẽ sớm tăng hạng ở chỉ tiêu này khi thành phố vừa xây dựng xong một công viên cây xanh lớn ở khu vực trung tâm. Công viên này lấy cảm hứng từ High Line ở New York nhưng có diện tích lớn hơn.
2. New York
Quả táo lớn của nước Mỹ là một trong ba thành phố đứng đầu về môi trường kinh doanh và tiềm lực kinh tế. Ngoài sự hiện diện của hai thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, New York còn là trung tâm của các ngành công nghiệp từ tài chính, thời trang đến công nghệ, xuất bản.
Song đây không phải là thành phố dễ dàng để sinh sống. Theo CNN, New York hiện là thành phố đắt đỏ thứ ba của thế giới. Mức phí giao thông công cộng và sự khó khăn trong việc bắt taxi cũng gia tăng gần đây.
1. London
Và vị trí đầu bảng xếp hạng của PwC đã thuộc về London. Thành phố này đã vươn lên dẫn đầu về nền tảng công nghệ từ vị trí thứ 8 năm ngoái sau quyết định phủ sóng internet cho nhiều trường học trong thành phố. Thủ đô của Anh đang phát triển lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ y tế.
Với 6 sân bay quốc tế, London là cửa ngõ giao thương thuận lợi nhất nước Anh. Bên cạnh đó, tàu cao tốc Eurostar cũng có thể đưa người dân từ London đến Paris chỉ trong vài giờ.
Theo nghiên cứu mới nhất của PwC, London là thành phố có nhiều tỷ phú sinh sống nhất trên thế giới hiện nay. Điều này dẫn đến chi phí sinh hoạt tại London ngày càng tăng. Và thành phố này đang trở nên quá đắt đối với người dân London nghèo.
Theo INC/DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông