Kiến thức Chiến lược “Ông lớn” cắt giảm lãi suất huy động, tín hiệu tốt?

“Ông lớn” cắt giảm lãi suất huy động, tín hiệu tốt?

6
Thị trường vừa chứng kiến một số “ông lớn” ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động như: Vietcombank, VietinBank… Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, đây là động thái thăm dò phản ứng của các nhà băng để giảm dần lãi suất huy động và cho vay trong thời gian tới.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Lãi suất huy động kỳ hạn ngắn chỉ còn 5%/năm.
Ngân hàng thừa vốn hay sụt giảm lợi nhuận?
Hai “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng là Vietcombank và VietinBank vừa giảm thêm lãi suất huy động ( với mức giảm từ 0,1 – 0,5%/năm) ở một số kỳ hạn.
Theo biểu lãi suất tính đến ngày 18/6, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng – 2 tháng tại Vietcombank chỉ còn 5,1%/năm, kỳ hạn từ 3,6,9 tháng chỉ còn 5,9%/năm. Mức giảm khá mạnh là các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng, khi lãi suất lùi sâu về chỉ còn 7%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 2 tháng được ngân hàng này áp dụng ở mức 5%/năm; 2 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 5,5%; 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5,75%; 6,9, 12 tháng ở mức 6%/năm.
Với sự điều chỉnh lãi suất huy động của hai “ông lớn” trên cho thấy, các kỳ hạn ngắn đều ở dưới mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm.
Trước đó, các ngân hàng trong khối thương mại cổ phần như: Tại Eximbank, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 – 3 tháng cũng chỉ ở mức khoảng 5,7%/năm, từ 4 – 5 tháng là 5,98%/năm; ở kỳ hạn dài, lãi suất tiền gửi cao nhất là kỳ hạn từ 24-60 tháng cũng chỉ 7,5% – 7,8%/năm.
Một số ý kiến cho rằng, việc ngân hàng cắt giảm mạnh lãi suất đầu vào hiện nay là do dư thừa vốn trong bối cảnh tín dụng tăng chậm. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 23/5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm ngoái và tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm 2013.
Tuy nhiên, theo báo cáo do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố, việc Vietcombank, VietinBank cắt giảm lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng giảm về ngưỡng 5% – 5,1%/năm vào đầu tháng 6 (từ mức hơn 5,3%/năm) chỉ mang tính giảm chi phí nguồn vốn cục bộ và không tác động nhiều lên mặt bằng lãi suất chung.
“Tính đến thời điểm hiện tại, mức trần lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên và mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, trên cơ sở dự báo chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2014 chỉ ở quanh mức 5%”, nhóm nghiên cứu của VCBS nhận định.
Đặc biệt, theo VCBS, tỷ lệ lãi cận biên của ngân hàng (NIM) sụt giảm mới là nguyên nhân chính khiến một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động nhằm đối phó với nỗi lo không đạt mục tiêu lợi nhuận.
“Tỷ lệ NIM của nhiều ngân hàng tiếp tục sụt giảm. Với lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, việc giảm tỷ lệ này là khó tránh khỏi. Tỷ lệ NIM giảm, một phần cũng do lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu giảm”, các chuyên gia phân tích của VCBS cho hay.
Tín hiệu tốt cho nền kinh tế
Việc ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động do thừa vốn, hay lợi nhuận giảm, dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TPHCM), đồng thời là chuyên gia tài chính ngân hàng, đều là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “Đây là động thái thăm dò thị trường của các ngân hàng để giảm dần lãi suất. Thứ nhất là lãi suất kỳ vọng thấp, khi huy động lãi suất hơn 5% thì họ tính ra người gửi tiền cũng không bị âm. Thứ hai là đầu ra của ngân hàng không có, nền kinh tế không hấp thụ được tín dụng. Vì vậy các ngân hàng không có cách nào khác. Nếu với mức lãi suất này mà vẫn duy trì được mức huy động bình thường thì là tốt. Tuy nhiên, hướng sắp tới, tôi tin rằng, nếu kinh tế vĩ mô ổn định mà lãi suất giảm dần được thì đó là tín hiệu tốt của nền kinh tế”.
Trước lo ngại dòng vốn ngân hàng sẽ chảy sang các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán…, ông Lịch cho rằng: “Phần lớn tiền gửi ngân hàng là vốn lưu động. Còn tiền gửi tiết kiệm của công chúng, do không có một kênh đầu tư nào khác nên người dân mới thích gửi tiết kiệm. Chủ yếu tiền của các ngân hàng là tiền nhàn rỗi trong các chu kỳ kinh doanh. Hiện nay ngân hàng đang huy động của dân rồi đem tiền mua trái phiếu Chính phủ, thực chất là Chính phủ đang gián tiếp huy động từ dân”.
Đánh giá về xu hướng giảm lãi suất hiện nay, theo ông Lịch, “việc giảm lãi suất hiện nay giữa các ngân hàng là không giống nhau, tuỳ theo uy tín và độ thanh khoản của từng ngân hàng. Lãi suất ngân hàng nào càng giảm thì càng cho thấy ngân hàng đó tương đối tốt về mặt thanh khoản”.
Dự báo về khả năng bỏ trần lãi suất trong thời gian tới, đại biểu Lịch cho rằng, trần lãi suất huy động hiện là để “cho vui”, mang ý nghĩa gác cửa. “Trần này không có nhiều ý nghĩa nhưng để lại cũng không sao, coi như một sự cảnh báo”, ông Lịch nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Nếu lạm phát đạt mục tiêu cả năm 6 – 7%, thì các tổ chức tín dụng có thể hạ lãi suất cho vay thêm 1 – 2%/năm. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương hạ thêm trần lãi suất huy động”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo dân trí

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không