Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, tính đến 31/5 dư nợ cho vay trung dài hạn tăng 3,16% trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, chỉ tăng 1,27% so với cuối năm 2013.
Ảnh minh họa
Vốn tăng trở lại
Lãnh đạo các ngân hàng (NH) ở TP.HCM cho biết, nhu cầu vốn đầu tư thời gian qua bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Theo đánh giá của NHNN, vốn tín dụng trung dài hạn có mức tăng cao hơn hẳn vốn ngắn hạn có nguyên nhân là một số lĩnh vực đang trở lại sản xuất.
Điển hình như lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo dư nợ chiếm đến 19,99% tổng dư nợ. Đánh giá cũng đưa ra một con số rất quan trọng trong cơ cấu tín dụng là dư nợ trung dài hạn tăng nhanh hơn hẳn dư nợ ngắn hạn và chiếm 45,97% trong tổng dư nợ.
Tín dụng tăng trưởng ở các NH từ đầu năm đến nay chủ yếu nằm ở khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 chi nhánh NH lớn, tổng dư nợ đến cuối tháng 5 đã ở mức 270.000 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các TCTD trên địa bàn vào khoảng 965.000 tỷ đồng.
Trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh Vietcombank TP.HCM, tính đến cuối tháng 5, tăng khoảng 6% so với cuối năm 2013. Đây là chi nhánh luôn có tổng dư nợ và tốc độ tăng trưởng cho vay luôn cao hơn bình quân chung. Chẳng hạn năm ngoái, dư nợ của chi nhánh NH này tăng 14,5% tương đương với mức vốn khoảng 43.473 tỷ đồng. Trong khi tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ các TCTD địa bàn TP.HCM chỉ có mức tăng trưởng dư nợ hơn 9%.
Theo một đại diện Vietcombank, thời gian qua, NH này tập trung tiếp cận các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Theo đó những khoản vay lớn đạt được thỏa thuận làm dư nợ tăng lên rất nhanh, trong khi đó việc bán chéo các sản phẩm dịch vụ thẻ, thanh toán, bán ngoại tệ giá thấp hơn là những chiến lược kéo doanh nghiệp (DN) trở lại NH vay vốn.
Rõ ràng, sự tăng trưởng nhanh của tín dụng trung dài hạn được nhìn nhận là đảm bảo tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn vẫn đảm bảo theo quy định (sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn). Trong đó riêng tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên cho DN đã có mức dư nợ tăng 8,4%, tương đương 10.611 tỷ đồng. Theo NHNN, một phần ba trong số này là dư nợ cho vay dài hạn để DN đối mới máy móc, thiết bị, nên chất lượng tín dụng vẫn được đảm bảo.
Mới chỉ giải quyết một phần
Việc giải ngân vốn dài hạn trong thời gian qua được xem là điểm tích cực của thị trường. Tuy nhiên, nếu quan sát dễ thấy nguồn vốn giải ngân chủ yếu vẫn thuộc về các dự án đầu tư của nhà nước. Trong khi đó, nhu cầu vốn dài hạn của các DN sản xuất, kinh doanh tư nhân cũng luôn ở mức cao nhưng đến nay khối này phần lớn chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn ngắn hạn.
Trước tình hình đó, các DN đành phải tận dụng nguồn vốn tối đa có được, hầu hết các phương án kinh doanh đưa ra gần đây của DN đều mang tính ngắn hạn, thu vốn nhanh. Thừa nhận điều này, tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho biết, nếu trước đây các NH vay tối thiểu 6 tháng, thì hiện nay tỷ lệ món vay dưới 3 tháng rất nhiều.
Điều này giải thích vì sao trong báo cáo của NHNN, dù thể hiện con số vay vốn ngắn hạn có giảm so với năm ngoái nhưng cũng duy trì ở mức cao. Đơn cử dư nợ theo lĩnh vực ngành nghề, trong một phân tích NHNN, trên địa bàn TP.HCM các việc mua bán, sửa chữa ô tô, xe máy… tỷ trọng dư nợ chiếm đến 17,54% so với tổng dư nợ.
Trong khi kinh doanh bất động sản dư nợ chiếm khoảng 11,61%, lĩnh vực xây dựng có tỷ trọng thấp nhất 10,22% trên tổng dư nợ tín dụng của các TCTD tại TP.HCM. Nói như TS. Vũ Đình Ánh, hiện DN cần vốn dài hạn thuộc về ngành bất động sản, DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…
Song, nguồn vốn này chịu áp lực bởi các quy định cho vay bất động sản, về cho vay thế chấp và xử lý tài sản thế chấp bằng bất động sản cũng như những hạn chế trong khả năng huy động vốn trung dài hạn của các NHTM và các định chế tài chính của Việt Nam.
Mặt khác, đối với những DN sản xuất hoặc đầu tư vào nông nghiệp, quy mô vốn của nhiều DN vẫn ở mức vừa và nhỏ nên khả năng tham gia thị trường bị hạn chế. Trong khi đó, các NH cần kiểm soát chặt rủi ro nên việc giải ngân vốn dài hạn mới chỉ tập trung vào những dự án của nhà nước là điều dễ hiểu.
Trên thực tế, hiện có rất nhiều DN chia sẻ rằng việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Đơn cử, dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” của TH Milk có tổng mức đầu tư khi hoàn thành lên tới 1,2 tỷ USD và hiện đang được triển khai trên quy mô rộng lớn với khoảng 4.000 ha.
Dù có NH Bắc Á chống lưng, nhưng với những dự án như thế này, TH Milk cần rất nhiều NH hỗ trợ vốn vay. Cũng trong tình trạng khát vốn đầu tư dài hạn, ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Rừng hoa Đà Lạt nói rằng, công ty của ông hiện chỉ được vay vốn ngắn hạn, với lãi suất 9 – 10%/năm, nên chỉ đủ sức đầu tư từng phần…
Theo DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông