Không quá quan ngại về vấn đề biển Đông, nhiều đại diện cho các tổ chức đầu tư quốc tế tiếp tục đánh giá cao sự ổn định về chính trị, xã hội, kinh tế của Việt Nam và cho rằng, đây chính là điểm đến hấp dẫn nhất trong số các thị trường mới nổi đã và đang trỗi dậy.
Ảnh minh họa
Nhận định này được các nhà đầu tư đưa ra tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014, do báo Đầu tư phối hợp với Chứng khoán HVS Việt Nam và quỹ đầu tư Asia Frontier Capital (AFC) tổ chức ngày 19/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Marc Faber, nhà đầu tư với những dự báo “huyền thoại” với các tiên đoán lập dị nhưng chính xác về tình hình thị trường toàn cầu từ thập niên 80’s cho đến nay, đang xuất hiện nhiều yếu tố khẳng định sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, và dần dần xác lập vị thế của một “Tân thế giới” – đối trọng của các nền kinh tế phát triển.
Ông Marc Faber phân tích rằng các nền kinh tế phát triển (các quốc gia phương Tây), đang đối mặt với nhiều vấn đề như: Nợ quá mức, lãi suất thấp một cách giả tạo, thiếu tiếu kiệm và phát triển bằng chi tiêu vốn nội địa, nghĩa vụ nợ chưa có nguồn thanh toán, yếu tố nhân khẩu học kém, tiền lương thực tế giảm và mức sống giảm, thực phẩm biến đổi gen và nền dân chủ trục trặc vì có quá nhiều can thiệp của chính phủ. Trong khi đó các nền kinh tế mới nổi lại cũng gặp những vấn đề riêng như nợ tăng quá mức trong những năm gần đây, kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng chậm lại, đói nghèo và vấn đề giáo dục, thiếu nước sinh hoạt, sự can thiệp của các quyền lực bên ngoài, chủ nghĩa dân tộc gia tăng. Cả hai vấn đề của hai khối thị trường đã dẫn đến những câu chuyện toàn cầu như căng thẳng địa chính trị và đấu tranh xã hội gia tăng, bất công bằng về của cải và thu nhập tăng, các vấn đề tiềm ẩn về chăm sóc sức khỏe và thiếu lương thực. Hệ quả là tình trạng các thị trường tài sản bị thổi phồng và kinh tế bong bóng. Tuy nhiên, một điều thấy rõ chính là sự chuyển dịch rất mạnh về kinh tế giữa các vùng địa lí, sự thay đổi cơ bản đã diễn ra khi từ những thập niên 60’s của thế kỉ 20, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào các nước phương Tây và Mỹ; nhưng trong vòng 20-30 năm qua, các nền kinh tế phát triển đã có dấu hiệu suy thoái so với các nền kinh tế mới nổi.
Một trong những tín hiệu quan trọng thể hiện sức mạnh, vị thế của “Tân thế giới” – các thị trường mới nổi là: Tỷ trọng xuất khẩu của các nước kinh tế phát triển hiện chỉ chiếm 20-30% tổng xuất khẩu của toàn thế giới; và tỷ trọng này của các quốc gia mới nổi là 50-70%. “Ở các quốc gia mới nổi, Việt Nam lại là nước có kết quả xuất khẩu tốt nhất, với mức tăng tỷ trọng xuất khẩu gấp đôi các thị trường mới nổi khác. Việt Nam thực sự đã làm rất tốt trong những năm qua, không ngừng gia tăng cạnh tranh và tham gia mạnh mẽ vào nền công nghệ xuất khẩu trên toàn thế giới”, nhà đầu tư được mệnh danh “Ngài U ám” – Tiến sĩ Marc Faber đến từ Thụy Sĩ nhấn mạnh.
Với các chia sẻ lạc quan về Việt Nam, ông cũng dự đoán rằng chứng khoán Việt Nam (cùng với vàng và cổ phiếu vàng) chính là địa chỉ đầu tư dài hạn tốt nhất trên toàn thế giới cho năm 2014. Với tư cách Chủ tịch của Indochina Capital, Vietnam Growth Fund và là cổ đông của AFC, ông cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam như một cách chứng minh cho dự đoán táo bạo của mình.
Đồng quan điểm nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các thị trường mới nổi và của toàn cầu, ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital – tổ chức đầu tư quản lí 3 quỹ với khối tài sản 1,5 tỷ USD tại Việt Nam – cho biết thị trường Việt Nam hiện vẫn rất khả quan. “Các lĩnh vực hoạt động tốt nhất theo chu kì là cơ sở hạ tầng, bất động sản, xây dựng, môi giới chứng khoán, dầu khí, giao thông vận tải và may mặc. Và với bối cảnh nhân khẩu học tại Việt Nam, các lĩnh vực phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng về tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai ngắn và dài hạn bao gồm: nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, tài chính ngân hàng. Đây cũng chính là những lĩnh vực được lựa chọn cho xu hướng đầu tư của năm nay” – ông Don Lam nói.
Bên cạnh các phân tích và dự báo xu hướng thị trường, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 đã tạo cơ kết kết nối kinh doanh – đầu tư giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp thuộc nhóm bluechips, có giá trị vốn hóa thị trường lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cũng trong Diễn đàn, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hé lộ thông tin mới về việc đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước hiện đang thực thi rà soát, phân loại để có thể tiến đến đề xuất nới room ở một số doanh nghiệp niêm yết hoặc tổng thể, cũng như đưa ra danh mục các ngành nghề, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế tỷ lệ cổ phần sở hữu.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông