Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2014, tương tự như năm 2013, nền kinh tế tiếp tục có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, nhưng các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại nhất.
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, là những nhân tố cản trở sự phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2014 xuất hiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách nước nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc và dịch vụ xây dựng nhiều công trình năng lượng và hạ tầng. Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, gạo, hoa quả sang Trung Quốc. Nếu quan hệ hai nước xấu đi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Trước đó, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2013 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ thực thi các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng đến hết năm vẫn chưa xuất hiện các cách thức khả dĩ để gỡ bỏ những ràng buộc đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là hợp lý để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp, song điều đó là chưa đủ khi vẫn thiếu các biện pháp xử lý các vấn đề nền tảng. Môi trường kinh doanh kém thân thiện và không cải thiện sẽ còn hạn chế đầu tư, kéo dài trì trệ và gây cản trở đến quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và thay đổi mô hình tăng trưởng.
Hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong năm 2014 do VEPR xây dựng, cho thấy, tăng trưởng của năm 2014 có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013 và chịu ảnh hưởng về quan hệ kinh tế-chính trị với Trung Quốc.
Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88%, theo giá cố định năm 2010. Lạm phát cả năm 2014 dự báo tiếp tục hạ thấp hơn so với năm trước, tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,76% đến 5,51%.
Một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định nền kinh tế. Trong đó ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.
Do kỳ vọng lạm phát có thể thấp dưới 6%, cùng với sự dư thừa thanh khoản trong ngân hàng, sức ép hạ lãi suất huy động vốn vẫn còn mạnh, cần chú ý để không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động sang trạng thái âm. Đối với thị trường bất động sản, không nên kéo dài thời gian điều chỉnh bằng những gói hỗ trợ hoặc các giải pháp trên giấy, tạo kỳ vọng sai lạc về thị trường này. Cách tốt nhất là để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh.
Định hướng của chính sách tỷ giá, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2 – 3%) mà còn là tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất. Sau giai đoạn căng thẳng trên biển với Trung Quốc, nên có sự điều chỉnh tỷ giá vì điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện nay không có nhiều. Việc giải quyết nợ xấu, cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Giới hoạch định chính sách cần xác định những nguy cơ về quỹ đạo phát triển khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các liên kết quốc tế có mức độ tự do cao (ACFTA, TPP, các FTAs khác), nhấn mạnh cải cách thể chế và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh là chìa khóa hội nhập thành công.
Đặc biệt, trước sự “bành trướng” ngày càng nhanh của chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách, Việt Nam cần có lộ trình tinh giản biên chế cả ở cấp trung ương và địa phương nhằm kiểm soát quy mô của khoản chi này. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cần duy trì tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thông điệp đầu năm của Thủ tướng để vừa cải thiện ngân sách, vừa thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Đứng trước thử thách khó khăn với Trung Quốc, Việt Nam càng cần có quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, thay đổi tư duy điều hành nền kinh tế. Giai đoạn kinh tế suy giảm vừa qua cho thấy nhiều bài học lớn, cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc càng rõ ràng hơn. Song song với quá trình này, cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính phủ cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn, chủ động định hướng thị trường lao động theo hướng nâng cao chất lượng, khuyến khích lao động kỹ năng cao. Chính phủ cũng cần chú trọng phân bổ nguồn lực, tạo dựng cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, đóng tàu thuyền, nguyên liệu) để người dân bám biển.
Theo TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách/DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông