Kiến thức Tài chính kế toán Tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu khi nhà ga T2 Nội Bài...

Tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu khi nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động

15
Lâu nay cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài luôn là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại. Nguy cơ này càng trở nên hiện hữu hơn khi tới đây Nhà ga T2 đi vào hoạt động với lượng chuyến bay, hành khách xuất nhập cảnh (XNC), hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) sẽ tăng đột biến. Cùng với đó là những kẽ hở do đặc thù địa bàn sẽ là cơ hội để các đối tượng tìm cách buôn lậu, gian lận thương mại.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Công chức Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài giám sát hoạt động khai thác hàng hóa. Ảnh: N.LINH.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ gian lận
Công tác chuẩn bị cho việc triển khai hoạt động Nhà ga T2 đang được các đơn vị quản lý trên địa bàn gấp rút hoàn thiện ở những khâu cuối cùng. Cùng với đó, cơ quan Hải quan cũng đang tích cực chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý của Ngành. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, điều đang khiến lực lượng Hải quan đau đầu là nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại có thể xảy ra khi T2 đi vào hoạt động gần 6 tháng nữa. Đây đang là bài toán khó đặt ra trong công tác quản lý hải quan.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài Nguyễn Văn Chiến cho biết, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong 6 tháng đầu năm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2013. Số vụ việc vi phạm bị lực lượng Hải quan lập biên bản xử lý là 157 vụ, tăng 53 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó 16 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua cửa khẩu. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là điện thoại di động cũ, thuốc lá, xương động vật, hàng điện tử, súng… Riêng mặt hàng điện thoại di động đã qua sử dụng nhập không có giấy phép qua Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài có chiều hướng gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi. Đối với hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, chúng thường để trong hành lý ký gửi và xếp lẫn vào những hàng hóa khác trong hành lý, do đó lực lượng kiểm soát Hải quan rất khó phát hiện. Đối với mặt hàng điện thoại di động đã qua sử dụng các đối tượng thường vận chuyển hàng theo đường xách tay. Để qua mặt lực lượng chức năng tại sân bay, khi vào đến khu vực cách ly của Công an để kiểm tra hộ chiếu, các đối tượng vào khu vệ sinh để giấu hàng, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển ra ngoài. Để có thể vận chuyển trót lọt những chiếc điện thoại qua “cửa” kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng cũng dùng thủ đoạn xé lẻ hàng, nhờ người xách ra ngoài khu vực sân bay sau đó gom lại. Thuốc lá nhập lậu thường vận chuyển từ Nga về, do giá tại đây tương đối rẻ. Để có thể vận chuyển được mặt hàng cồng kềnh và khó qua máy soi, các đầu nậu thường lợi dụng những người lao động không biết quy định về tiêu chuẩn khi mang thuốc lá về Việt Nam nhờ xách hộ.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Giám sát hàng hóa qua camera tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.LINH
Thêm áp lực
Bên cạnh những khó khăn trong việc đối phó với những thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, điều kiện làm việc cộng với sự quá tải tại sân bay quốc tế Nội Bài càng gia tăng thêm áp lực làm việc với những cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ tại đây. Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, trong những năm qua, lực lượng Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã rất nỗ lực trong công tác kiểm soát chống buôn lậu nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của các đối tượng. Tuy nhiên, khi gần 6 tháng nữa nhà ga T2 hoạt động, lực lượng Hải quan sẽ còn gặp áp lực hơn nữa trong hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK, hàng khách XNC.
Theo kế hoạch, nhà ga T2 Nội Bài sẽ đi vào hoạt động từ 00 giờ ngày 31-12-2014. Công suất thiết kế giai đoạn 1 (2015-2020) là 10 triệu khách/năm, đến giai đoạn 2 (2020-2030) công suất 15 triệu khách/năm. Lượng hành khách giờ cao điểm có thể lên tới 3.000 khách/giờ. Số chuyến bay 75.400 chuyến bay/năm, vào giờ cao điểm có thể có 23 chuyến bay/giờ. Với lượng hành khách và chuyến bay sẽ gia tăng đột biến tiềm ẩn những nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà các lực lượng chức năng hoạt động trên địa bàn này phải đối mặt. Cùng với đó, địa bàn hoạt động hải quan dài hơn 3 km; mặt bằng sử dụng cho các khu vực quản lý hải quan rất lớn đặt ra vấn đề khó khăn trong quan lý hải quan.
Làm rõ hơn những khó khăn trong công tác chống buôn lậu của lực lượng Hải quan Nội Bài trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, cái khó nhất hiện nay là xác định ranh giới nhà ga quốc tế và nhà ga nội địa; bởi, nhà ga T2 được xây dựng cạnh nhà ga T1 (nhà ga quốc tế hiện nay, tới đây sẽ là nhà ga nội địa). Cơ quan quản lý sẽ phải cùng với bên Hàng không xác định ranh giới giữa nhà ga quốc tế và nhà ga nội địa, các điểm gọi là quốc tế. “Đến ranh giới nào của nhà ga T2 (điểm đỗ) gọi là quốc tế, nếu không xác định được sẽ không biết được sự xâm phạm vào địa bàn quản lý hải quan”-ông Minh nói.
Cùng với đó, theo ông Minh, khi nhà ga T2 đi vào hoạt động việc khai thác hàng hóa từ bùng máy bay sẽ phải vận chuyển qua nhà ga T1 (ga nội địa) đến kho hàng. Vì vậy nếu hàng hóa vận chuyển qua nhà ga T1 được quản lý không tốt sẽ là nguy cơ các đối tượng có thể đưa hàng vào nội địa. Đây là cái khó trong công tác quản lý hải quan. Yêu cầu đặt ra lúc này là lực lượng Hải quan phải kiểm tra, giám sát được hàng hóa đi từ máy bay đến kho hàng. Để khắc phục điều này, hiện nay, đơn vị đang xây dựng quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa đi từ máy bay đến kho hàng, với yêu cầu đặt ra là hàng hóa phải được niêm phong hải quan, kẹp chì ngay từ khi khai thác hàng từ máy bay.
Ngoài ra, việc khai thác thông tin hành khách trên chuyến bay trước khi nhập cảnh qua đường hàng không theo Nghị định 27/2011/NĐ-CP cần phải được thực hiện triệt để. Ông Minh cho biết, mặc dù việc triển khai hệ thống trang thiết bị đầu cuối và phần mềm đã được triển khai xong từ tháng 2-2014, cơ quan Hải quan đã nhận được thông tin hành khách trước khi nhập cảnh của 18/32 hãng hàng không, tuy nhiên việc cung cấp thông tin này mới dừng ở địa bàn sân bay quốc tế Nội Bài chưa truyền về Cục Giám sát quản lý về hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan để khai thác thông tin phát hiện sớm những dấu hiệu rủi ro. Các thông tin về hành khách rất cần thiết đối với công tác điều tra chống buôn lậu, ma túy hay động vật hoặc sản phẩm động vật quý hiếm. Đây là thông tin rất hữu ích đối với công tác quản lý rủi ro của ngành Hải quan. Chính vì vậy phải có chế tài xử lý đối với các hành vi của các hãng hàng không vi phạm như chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai lệch, không cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc khai thác, lưu trữ thông tin được chính xác và hiệu quả cần tiếp tục xây dựng thêm phần mềm chuyển đổi và lưu trữ dữ liệu chuẩn do các hãng hàng không cung cấp.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không