Kiến thức Tài chính kế toán Việt Nam sẽ là điểm đến của dòng vốn quốc tế

Việt Nam sẽ là điểm đến của dòng vốn quốc tế

10
Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 được tổ chức tại TP.HCM ngày 19-6 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?”.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: N.Hiền.

Điểm đầu tư nhiều tiềm năng
Theo đánh giá của Tiến sĩ Marc Faber, nhà tư vấn đầu tư nổi tiếng trên toàn thế giới và là diễn giả chính của diễn đàn, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhất trong vòng 10 năm tới, với điều kiện Chính phủ Việt Nam phải giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với nền kinh tế. Đồng thời, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng cần được đẩy mạnh nhằm đa dạng hóa hàng hóa cho thị trường.
Bàn về những vấn đề căng thẳng trên biển Đông, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang xử lý khá tốt các vấn đề với thái độ đúng mực. Dù có vài sự việc đáng tiếc xảy ra tại một số địa phương, nhưng tình hình đã được kiểm soát và khả năng tái diễn là rất thấp.
Ông Don Lam đánh giá, giá trị thị trường của Việt Nam đã tăng lên nhưng vẫn thấp hơn 32% so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập) tiếp tục tăng lên do dòng vốn ngoại tăng trưởng mạnh. Sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng giúp kích cầu được tín dụng của ngân hàng vào lĩnh vực này. Từ đó, có thể thúc đẩy tăng trưởng của các lĩnh vực, ngành nghề khác và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế (GDP).
Theo ông Don Lam, năm 2014, GDP kỳ vọng tăng trưởng 5,5%, lạm phát kiểm soát ở mức kỳ vọng 6%, điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng của các kênh đầu tư. Trong đó, VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt 640 điểm, 27% so với tháng 12-2013. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo ngại nhất hiện nay, do đó cần thiết phải mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ.
Tổng giám đốc Asia Frontier Capital Thomas Hugger cũng chỉ ra những lý do để đầu tư vào Việt Nam. Đó là môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang chảy mạnh vào sản xuất (riêng Samsung đã đầu tư 5 tỷ USD). Bên cạnh đó, tình hình chính trị ổn định, việc đẩy nhanh quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, TPP và ASEAN 2015 cũng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn.
Đẩy mạnh hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, Tiến sĩ Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc mở room đối với doanh nghiệp nói chung và khối ngân hàng nói riêng sẽ là động lực thúc đẩy khối ngoại rót vốn vào Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa để đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Theo Tiến sĩ Vũ Bằng, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam và tạo môi trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn. 
Để làm được điều này, cần khuyến khích tổ chức đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn vào Việt Nam phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài chính ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư; tăng cường quản lý, giám sát, tăng cường tính công khai, minh bạch chế độ báo cáo, thống kê các hoạt động lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thực hiện rà soát, phân loại để nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực ngành nghề mà nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, trước mắt, thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo lộ trình cam kết WTO, trong đó đặc biệt khuyến khích các tổ chức tài chính lớn có uy tín, chuyên nghiệp tham gia sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước. Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý, giám sát; đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá tình hình triển khai hệ thống văn bản luật về chứng khoán.
Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển với các công cụ từ đơn giản đến phức tạp, trước mắt sẽ triển khai áp dụng chứng khoán phái sinh trên cơ sở chỉ số chứng khoán và trái phiếu. Về dài hạn, cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ.
Nghiên cứu triển khai các sản phẩm khác như ETF, Covered Warrants, NVDR, một vài sản phẩm hedging đối với trái phiếu… Xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn thị trường chứng khoán, xây dựng tiêu chí thống nhất tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán để phân loại cổ phiếu vào các nhóm ngành theo thông lệ quốc tế, xây dựng bộ chỉ số trái phiếu…
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về kế hoạch kinh doanh và kêu gọi sự hợp tác, đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, FPT đang rất cần sự hỗ trợ về công nghệ từ các nhà đầu tư và các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cao cấp. Ông Lê Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cũng chia sẻ room tín dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tại MB là 30%, nhưng hiện mới chỉ có 10%. Do đó, MB muốn tìm kiếm đối tác đầu tư để tăng cường thêm nguồn vốn. Tương tư, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng cần kêu gọi thêm nguồn vốn cho các dự án đầu tư. Công ty Gemadept đang tìm kiếm đối tác để tạo ra hệ thống chuỗi dịch vụ khai thác cảng và dịch vụ logistics từ Bắc vào Nam, nhằm cung cấp giải pháp trọn gói cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không