Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tham gia Hiệp định TPP, với những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ, giải pháp để chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may trong nước là mối quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp dệt may hiện nay. Đây cũng là chủ để chính được đưa ra bàn luận tại một tọa đàm do Hội Dệt may thêu đan TP.HCM tổ chức mới đây.
Các doanh nghiệp cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh nhằm chủ động nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh: N.Huế
Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Gia Định chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước đang tiến hành xây dựng nhà máy sợi, dệt nhằm giảm áp lực nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa. Theo ông Triều, nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng nhà máy, nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất và sớm chủ động được nguồn nguyên liệu từ trong nước.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Thịnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam lại đặt vấn đề, giá trị gia tăng của ngành dệt may trong nước chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất sợi và may. Còn các nguyên phụ liệu khác như vải, thuốc nhuộm… đều phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc giảm sự lệ thuộc này cần phải có quá trình lâu dài và tiến hành từng bước.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, các mặt hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc như dệt may, da giày đang chiếm tỷ trọng 36% trong kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM. Trong trường hợp doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu ở thị trường khác (thị trường trung gian), chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ tăng 10% và theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm khoảng 10% trên từng mặt hàng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này chỉ tác động trực tiếp lên 30% sản phẩm xuất khẩu của những mặt hàng có nguyên liệu phụ thuộc. Nguyên nhân là do 70% sản phẩm còn lại đã chủ động được nguồn nguyên liệu.
Theo đó, Sở Công thương TP.HCM dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2014, kim ngạch xuất khẩu chung của TP.HCM sẽ giảm khoảng 0,52%, tức khoảng 160 triệu USD (dự kiến kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM năm 2014 trong điều kiện bình thường sẽ đạt gần 30 tỷ USD).
Đại diện của Công ty May Sài Gòn lại đưa ra phân tích, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không chỉ có lợi thế về giá mà còn rất phong phú về mẫu mã và chủng loại. Nhiều loại nguyên liệu chỉ có thể nhập từ Trung Quốc mà không có tại các thị trường khác. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần phải có chiến lược cụ thể và lâu dài cho việc giảm sự phụ thuộc này. Không thể trong ngày một ngày hai là chuyển đổi được.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, để giảm sự phụ thuộc nguyên phụ liệu vào Trung Quốc, các doanh nghiệp cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh, chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa bạn hàng theo tinh thần cam kết WTO, tăng cường hợp tác với các đối tác ở các nước mà Việt Nam có tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do hoặc Hiệp định TPP sẽ ký trong thời gian tới để tận dụng thuế suất ưu đãi trong hoạt động xuất nhập khẩu từ các thị trường này.
Về phía nhà nước, theo ông Khoa, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến theo hướng xúc tiến đa dạng hóa thị trường nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu. Trong đó ưu tiên xúc tiến nhập khẩu ở các thị trường có tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ví dụ như nhập khẩu xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, nhập sợi từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, nhập vải từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… Bên cạnh đó, ông Khoa cũng cho rằng TP.HCM cần kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày để xuất khẩu và cung ứng cho thị trường trong nước.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông