Kiến thức Tài chính kế toán Luật Đầu tư (sửa đổi) phải là đòn bẩy kích thích các...

Luật Đầu tư (sửa đổi) phải là đòn bẩy kích thích các nhà đầu tư

8
Từ thực tiễn điều hành doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (Nghệ An)- Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương cho biết, DN rất mong mỏi Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá về lĩnh vực này.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
ĐBQH Phan Văn Quý.

Ông có góp ý gì cho dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội lần này?
Đây là thời cơ, không dám nói là cuối cùng nhưng cũng gần như thế. Nếu chúng ta không có những đột phá trong bước triển khai Luật mang tính sát với thị trường, đổi mới với khu vực, thì cơ hội để phát triển còn rất ít. Nên tôi rất mong mỏi với dự luật lần này, vì đây là luật trung tâm của nhiều luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật DN, Luật Dạy nghề… , là nền tảng để các luật khác phát triển.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Luật Đầu tư (sửa đổi) phải làm rõ những ưu đãi về đầu tư như địa bàn, ngành nghề… thành một đòn bẩy để kích thích các nhà đầu tư. Chẳng hạn muốn thúc đẩy đầu tư nông thôn phải có các chính sách khuyến khích như thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Vừa qua, Tập đoàn (TĐ) Hoàng Anh Gia Lai đầu tư và thu lợi rất cao từ nông nghiệp. Tại Nghệ An, TĐ TH cũng đầu tư rất bài bản và bước đầu hiệu quả…. Đó là những mô hình rất thực tế và bổ ích cho Nhà nước nghiên cứu để đưa vào chính sách, hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi tái cơ cấu nền kinh tế.
Luật Đầu tư mở ra cả cơ chế đầu tư ra nước ngoài, nhưng việc đầu tư ra nước ngoài hiện còn rất khó khăn, thưa ông?
Việc đầu tư ra nước ngoài, tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, sang Myanmar, gặp những DN đã thành công ở đó như FPT, Hoàng Anh Gia Lai… được đánh giá cao. Tại Myanmar, xã hội, người dân rất thân thiện, chính quyền thích DN Việt Nam, tôi thấy đây là “môi trường đầu tư sạch”.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải học tập người Nhật và người Hàn Quốc ở đây. Nhà nước phải hỗ trợ có tổ chức bằng mô hình Tổ chức xúc tiến đầu tư đi trước, sau đó làm việc với Chính phủ các nước đó, làm các dự án, rồi cùng với họ để kêu gọi, phổ biến cho DN. Còn để DN Việt Nam tự đi thì rất tốn kém, thiếu thông tin. Nhà nước lại một lần nữa phải làm “bà đỡ” để hướng dẫn DN, phổ biến cho DN, tạo ra bàn đạp cho DN…
Cụ thể như DN của ông khi đầu tư ra nước ngoài thì cần những thủ tục gì, hình như rất rườm rà?
Điều đầu tiên là tôi cần phải hiểu rõ luật pháp của nước đó như thế nào. Thứ hai là phải biết dự án đó có phù hợp với tôi hay không, hiệu quả hay không…
Có phải là khi DN mang tiền ra nước ngoài để đầu tư thì rất khó khăn, vì phải căn cứ theo Luật Tổ chức tín dụng, Pháp lệnh ngoại hối… Rõ ràng Luật Đầu tư đang vẫn khó trong việc xử lý, chuyển tiền ra nước ngoài?
Tôi nghĩ điều này không có vấn đề gì, sẽ tháo gỡ được. Vấn đề là anh có làm thật hay không, có hiểu được nhu cầu thị trường bên kia hay không.
Vấn đề là anh phải có dự án, dự án phải khả thi. Sau đó sẽ giải ngân từng bước một. Nếu chúng ta không thận trọng với việc chuyển tiền ra nước ngoài thì sẽ dễ tạo kẽ hở, bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài, dẫn đến quản lý ngoại hối sẽ phức tạp.
Chính vì ý tưởng đấy mà nhiều ĐB cũng lo ngại và cho rằng nên thắt chặt đầu tư ra nước ngoài. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi cho rằng nên thận trọng, phải có bước đi, nhưng cũng không nên mở quá, sau này siết lại sẽ khó. Bởi vì mở quá, thực ra tôi biết trong dư luận DN, người ta cũng muốn chuyển tiền đi đây đó, mua nhà, đầu tư, mang tính chất cá nhân… Chúng ta đang “đói” ngoại tệ mà giờ lại để ngoại tệ chạy đi nữa thì rất khó.
Nhưng Hiến pháp 2013 cũng đã quy định về quyền tự do kinh doanh. Thực tế một số DN đầu tư ra nước ngoài đã mang về lợi nhuận lớn cho đất nước. Vậy sao chúng ta không khuyến khích thay vì thắt chặt, để dòng đầu tư chỉ quẩn quanh trong nước?
Thực ra ở một số nước phát triển, việc giao lưu chuyển đổi ngoại tệ rất thoải mái, họ quản lý ngoại tệ rất đơn giản. Cũng có những nước, ngay cạnh ta như Thái Lan, họ quản lý ngoại tệ rất chặt. Không dễ gì mang ra ngoại tệ ra khỏi nước. Đó là một điều cần tính toán, vì đất nước ta chưa cân đối được ngoại tệ. Thậm chí, các dự án BOT, chúng ta làm với nước ngoài mà chúng ta cũng chưa cam kết để trả họ được những khoản lãi của họ để mang ra. Chúng ta chỉ mở với những người làm thật, còn với những người lợi dụng, ta phải có những rào cản kỹ thuật nhất định để giữ được ổn định ngoại tệ.
Từ thực tế hoạt động điều hành DN, ông thường gặp những vướng mắc gì trong quá trình đầu tư?
Vướng mắc thì còn nhiều nên chúng tôi muốn qua lần này, Luật Đầu tư (sửa đổi) có những đột phá, để sau này, thủ tục thông thoáng. Để trên ủng hộ rồi, Luật ủng hộ rồi, trong trường hợp ở cấp dưới, nếu có những ai đó không tốt, “làm luật”, “đánh võng” với DN sẽ bị xử nghiêm.
Về Luật Đầu tư (sửa đổi), chúng tôi hy vọng có đột phá về mặt chủ trương, để những DN nào làm thật thì tạo thuận lợi hết mức cho họ. Chẳng hạn như mô hình Samsung, đầu tư theo chuỗi, đầu tư không những hàng tỷ USD về điện tử, mà cả nhà máy điện, dự kiến cả sân bay… Như vậy tạo ra không những hiệu quả về kinh tế, mà còn ở các khía cạnh khác nữa. Đó là khi đất nước mình có mối nguy, thì họ cũng sẽ có động thái bảo vệ quyền lợi của họ trên chính đất nước mình. Tôi cho rằng, kéo được càng nhiều tập đoàn lớn như Samsung, hay tập đoàn của các nước G7, để họ có tiếng nói, để cùng với mình bảo vệ đất nước mình khi có vấn đề.
Ngoài ra, tôi cho rằng Nhà nước phải thực sự là một “bà đỡ”, để rồi tạo thuận lợi cho DN, không những về luật, về thủ tục, mà còn phải đi trước một bước, trải thảm đỏ cho DN. Còn về phía DN, cũng phải thừa nhận rằng tính cộng đồng của người Việt Nam nói chung và DN nói riêng chưa cao, so với một số nước khác. Cái đó chúng ta phải điều chỉnh, không chỉ điều chỉnh từ DN mà kể cả trong sách giáo khoa mà các cháu học bây giờ, cũng phải điều chỉnh, không phải chỉ trong chiến tranh chúng ta mới tập trung lực lượng còn hoà bình thì phân tán, sẽ không tạo được sức mạnh.
Có phải ý ông cho rằng mở cửa cho DN đầu tư không chỉ mang lại ý nghĩa kinh tế mà còn ý nghĩa an ninh quốc phòng, ông có thể nói rõ hơn?
Như tôi biết, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không nhiều, khoảng 7 tỷ USD, mà chưa giải ngân hết, mới được 2/3. Mình vay vốn họ mình phải trả lãi, con cháu mình phải trả, còn lời họ lấy, việc làm họ lấy. Mặc dù Trung Quốc đầu tư vào các nước rất mạnh, nhưng riêng Việt Nam thì họ chỉ bỏ vốn thực sự trên dưới 5 tỷ USD. Vì họ tính kế lâu dài, nham hiểm. Tiền tươi thóc thật họ ăn ngay. Đầu tư một đồng thì họ có việc làm, thu lời một vài chục %. Còn sản phẩm tạo ra thì công nghệ ở mức rất trung bình, cuối cùng chúng ta và con cái chúng ta phải chịu hậu quả.
Tôi cho rằng mình phải theo dõi các nhà đầu tư, nếu họ gắn kết với mình, thậm chí đôi lúc mình hoà cái này, nhưng được cái khác. Nếu những nơi đầu sóng ngọn gió như Quảng Ninh, Phú Quốc, chúng ta cho DN nước ngoài lớn đầu tư vào đó, thì tự nhiên đụng vào DN họ là đụng vào đất nước họ thì sẽ có tiếng nói ở Hội đồng Bảo an LHQ ngay. Đó là thế cài răng lược vừa kinh tế, vừa an ninh quốc phòng mà tôi rất hứng thú với lĩnh vực này. Bởi trước đây là người lính, nên tôi luôn muốn làm điều gì đó chắc chắn.
Xin cảm ơn ông!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không