Kiến thức Đãi ngộ Một số chiêu đòi sếp tăng lương

Một số chiêu đòi sếp tăng lương

7
Ngồi chờ sếp ra quyết định tăng lương chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó, cách tốt nhất là bản thân nhân viên phải chủ động tạo ra cơ hội cho mình.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Dưới đây là một số chiêu đòi tăng lương được nhiều người rỉ tai.

1. Nắm chắc “giá” của mình
500 USD hay 10 triệu đồng… là mức lương bạn muốn nhưng chưa hẳn là mức sếp muốn trả nếu cái giá của bạn chưa đúng tầm. “Khảo giá mình” là điều tối cần thiết trước khi bạn có ý định gõ cửa phòng sếp nói chuyện lương bổng. Hãy chuyện trò với các đối thủ ngang sức ngang tài, “chờn vờn” với các công ty tìm kiếm nhân lực, liên lạc với các head hunter hay tìm kiếm số liệu trên các báo, tạp chí… để biết “mình là ai”.
Khi đã biết mức lương tối thiểu cho một người như bạn, hãy tự tin ngỏ lời với sếp. Nếu cần, hãy nêu cho sếp vài ví dụ cụ thể ở các công ty cùng ngành để làm bằng chứng.

2. Khẳng định vị trí
Nếu trước kia bộ phận sản xuất mang lợi nhuận về cho công ty thì bây giờ, bạn và những nhân viên phòng marketing mới là “nguồn thu” chính.
Có lý gì mức lương của bạn không bằng một nhân viên phòng kiểm tra chất lượng? Liên tục đẩy mình vào hàng top trong công ty, kiêm thêm một số trách nhiệm mới hoặc thậm chí vận dụng óc sáng tạo để lập dự án mới hay phát hiện những vấn đề hay ho để khẳng định tầm quan trọng của bạn với sếp. Chắc chắn, sếp không thể không tăng lương cho những người năng động như bạn.

3. Tự tin đề nghị
Hãy quẳng gánh lo bị sa thải để tinh thần thật thoải mái khi đề nghị tăng lương. Nói chung sếp có khó đến đâu cũng hiểu rằng chi phí tìm người, thuê người và đào tạo để thay thế vị trí của bạn còn tốn hơn nhiều so với việc trả thêm lương. Đừng vội làm yếu mình bởi cái ý nghĩ sẽ mất việc vì chót đòi hỏi “thái quá”.

4. Phòng đường lui
Trình bày đề nghị của bạn một cách quả quyết chứ không phải thách thức hay dọa dẫm sếp. Điều này sẽ giúp bạn được thể diện nếu có lỡ bị từ chối để những ngày sau đó vẫn thoải mái đi làm và tiếp tục “săn” bằng được mức lương mong muốn, ở công ty hiện tại hoặc thậm chí là một công ty mới.

5. Dự đoán phản ứng
Chuẩn bị trước những khó chịu của sếp trước đề nghị của bạn. Nếu có thể, cùng lúc rủ hai, ba người có “máu mặt” trong công ty cùng đề nghị tăng lương. Đây là cách “mượn gió bẻ măng” khiến sếp khó bề từ chối yêu cầu của bạn. Tuy nhiên, nếu lý do của bạn chưa đủ mạnh thì bạn sẽ khó lòng đối phó với các lập luận của sếp và còn bị nghi ngờ “kéo bè kéo phái” nữa.

6. Nên biết giới hạn
Đừng đòi hỏi tăng lương một cách chung chung mà hãy đưa ra một con số cụ thể như tăng gấp đôi hay chỉ thêm 1/3 số lương cũ. Cũng chẳng dại gì để sếp quyết định thời gian trả lời mà nên khẳng định thời điểm cần biết kết quả là hai, ba tuần hay chỉ bốn ngày… Nếu không, bạn sẽ phải chờ thêm ít nhất nửa năm để biết câu trả lời. Lúc đó thì giá cả có lẽ đã tăng gấp mấy lần rồi. Cũng nên đưa cho sếp một cái hẹn tăng lương lần sau nếu lần này thất bại.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không