Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc của Luật thuế TNCN hiện hành
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, ngày 08/03/2012, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo về “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế TNCN” để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ và Quốc hội. Theo đó, một số quan điểm của các chuyên gia xây dựng Dự thảo Luật thuế TNCN thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc của Luật thuế TNCN hiện hành như: Mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên tương ứng với mức tăng trưởng GDP cho phù hợp thực tế hiện nay bằng cách điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4.000.000 đồng/tháng hiện nay lên 6.000.000 đồng/tháng; nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1.600.000 đồng/tháng lên 2.400.000 đồng/tháng; Biểu thuế áp dụng đối thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có mức thuế suất cao nhất 35% chưa đảm bảo tính cạnh tranh và chưa khuyến khích, thu hút chuyên gia, lao động giỏi có thu nhập cao vào Việt Nam làm việc; Một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế chưa phù hợp với thực tế, cụ thể như: Quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính trong thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công chưa bao quát các trường hợp mới phát sinh theo quy định của pháp luật liên quan (pháp luật về lao động, về bảo hiểm xã hội,…) mới sửa đổi, bổ sung vừa qua; Quy định về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản chưa bao quát được các trường hợp uỷ quyền chuyển nhượng nhà, đất mà người uỷ quyền có đầy đủ các quyền về nhà, đất, trường hợp đổi nhà, đổi đất có phát sinh thu nhập nên thiếu cơ sở để thu thuế; Một số quy định về kê khai, quyết toán thuế quy định tại Luật thuế TNCN còn chưa phù hợp với thực tế, nhất là đối với hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế khoán. Mặt khác, dự thảo Luật sửa đổi lần này phải đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế, tạo điều kiện cho việc hiện đại hoá quản lý thuế.
Để thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Quan điểm xây dựng Dự thảo Luật thuế TNCN lần này phải đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu sau:
– Thứ nhất: Kiên trì mục tiêu dài hạn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, Đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư công bằng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng.
– Thứ hai: Chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với thực tế. Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung không gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến số thu NSNN.
– Thứ ba: Phải đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
– Thứ tư: Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.
Để thuận lợi cho người nộp thuế và đơn giản các thủ tục hành chính thuế, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN đã xây dựng theo hướng: Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào NSNN và quyết toán thuế theo quy định. Theo đó, các quy định về quyết toán thuế, thủ tục quyết toán thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán sẽ được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tại các văn bản của Chính phủ.
Để có thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính); đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN từ ngày 01/01/2014. Việc sửa đổi Luật thuế TNCN lần này sẽ góp phần làm cho chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế cũng như công tác quản lý thuế được tốt hơn; Đồng thời giảm bớt mức điều tiết thuế đối với Người nộp thuế, nâng cao thu nhập cho người lao động; đảm bảo tính cạnh tranh với các nước trên thế giới góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Theo gdt.gov.vn