Ngày nay, việc gửi và nhận CV xin việc giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng đã trở nên phổ biến và chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Các ứng viên không mất nhiều thời gian, chi phí để gửi hoặc mang bộ hồ sơ đến tận công ty có nhu cầu tuyển dụng. Nhà tuyển dụng cũng có thể nhận CV vào mọi thời điểm, dễ dàng kiểm tra thông tin về ứng viên trước khi tổ chức buổi phỏng vấn. Bên cạnh điện thoại, email trở thành công cụ quan trọng và cần thiết để hai bên trao đổi trước khi thực sự gặp gỡ và thương lượng trực tiếp. Đã có nhiều bài viết đề cập đến cách viết email, cách trả lời thư mời phỏng vấn… dành cho các ứng viên, và chỉ với ứng viên mà thôi. Vậy với nhà tuyển dụng thì sao?
Cách trả lời email của nhà tuyển dụng cũng tạo nên những ấn tượng ban đầu về doanh nghiệp trong mắt ứng viên
Có những email, người xin việc viết rất cẩn thận, thưa gửi lịch sự, trình bày cụ thể yêu cầu và nguyện vọng của mình đối với công việc, nhưng nhà tuyển dụng lại trả lời cụt ngủn, điều này có thể khiến ứng viên cảm thấy bị thiếu tôn trọng.
Nếu công ty có quyền lựa chọn giữa hàng chục, hàng trăm ứng viên cho một vị trí thì người lao động cũng có vô vàn sự lựa chọn công việc cho mình. Đôi khi họ chọn công việc, nhưng đôi khi họ lại chọn người chủ, môi trường làm việc.
Cách trả lời email của nhà tuyển dụng cũng tạo nên những ấn tượng ban đầu về doanh nghiệp trong mắt ứng viên. Suy rộng ra, dưới nhận định chủ quan, cả văn hóa doanh nghiệp cũng có thể được đánh giá thông qua đó. Qua email trả lời, thái độ của người ứng tuyển với công việc cũng dễ thay đổi, hoặc hy vọng và tiếp tục cố gắng để nắm lấy, hoặc thiếu tin tưởng và muốn từ bỏ.
Lấy lý do có quá nhiều email được gửi tới để bao biện việc không thể trả lời sớm, trả lời tất cả thật khó được chấp nhận. Trong rất nhiều hồ sơ ứng tuyển, có thể nhà tuyển dụng chỉ tìm ra một số CV thực sự phù hợp và chỉ trao đổi cụ thể hơn với chủ nhân của chúng, nhưng việc thiết lập một email trả lời tự động dành cho tất cả các thư khác là cách mang lại sự an tâm cho mọi người gửi, rằng thư của họ đã đến được đúng nơi. Không nên để ứng viên cứ mãi phải băn khoăn khi thông tin tuyển dụng của công ty cứ đều đều được làm mới trên các phương tiện truyền thông, trong khi CV họ gửi đi vẫn “bặt vô âm tín”.
Không hiếm trường hợp, ứng viên xin ứng tuyển vào một công việc nào đó, nhưng vị trí này đã đủ nhân sự, vì thấy lý lịch và kinh nghiệm làm việc của ứng viên rất tốt, phù hợp với một công việc khác mà doanh nghiệp đang thiếu người, nhà tuyển dụng bèn gợi ý ứng viên tới tham dự phỏng vấn cho vị trí thay thế kia. Trong tình huống này, ứng viên rất có thể sẽ yêu cầu nhà tuyển dụng cho biết trước qua email đôi chút thông tin về công việc ấy. Nhưng vì một lý do nào đó, công ty từ chối, nói rằng chỉ có thể trao đổi cụ thể khi phỏng vấn. Điều này dễ làm ứng viên thiếu hứng thú, bởi họ không biết công việc mà mình ứng tuyển là gì, cần phải chuẩn bị như thế nào cho buổi phỏng vấn. Chắc hẳn phía doanh nghiệp cũng không muốn phỏng vấn một ứng viên hoàn toàn mơ hồ về công việc mà họ ứng tuyển.
Người ứng tuyển cần việc làm, doanh nghiệp cũng cần nhân lực. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ứng viên cũng là cách nhà tuyển dụng tạo điều kiện tốt cho mình, để có những buổi phỏng vấn thành công, những nhân viên mới hội đủ các yếu tố cần cho công việc.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông