Kevin Daum, tác giả của cuốn sách thuộc hàng best-seller Video Marketing for Dummies (tạm dịch: Bí quyết tiếp thị bằng video cho doanh nghiệp nhỏ) cho rằng các nhân viên giỏi thường có chung các điểm mạnh sau.
Ảnh minh họa
1. Nhiệt tình học hỏi tất cả các khía cạnh của công việc
Nhân viên giỏi nhận thức rằng bản thân mình chỉ là một phần tử nhỏ của tổ chức, của công việc và đâu đó vẫn còn nhiều công việc khác quan trọng hơn công việc của họ. Chính vì vậy, họ luôn tìm cách học hỏi những khía cạnh khác trong hoạt động của doanh nghiệp. Họ cũng nhận thức được tầm quan trọng của hai lĩnh vực tài chính và quản trị, từ đó họ có thể tạo ra những tác động tích cực lên nhiều hoạt động của công ty. Daum khuyên doanh nghiệp nên trang bị tài liệu và tổ chức chương trình hội thảo về các mảng kiến thức cơ bản trong kinh doanh cho nhân viên, chẳng hạn như kế toán, tiếp thị và quản lý để họ có điều kiện học hỏi và phát triển.
2. Xem công ty như của mình
Các nhân viên giỏi thường rất cẩn trọng khi ra các quyết định về chi phí, cơ hội và nghĩ đến tương lai lâu dài của công ty. Họ có thể dễ dàng đánh giá các rủi ro, lợi ích và đặt quyền lợi của cá nhân dưới lợi ích công ty. Để nhân viên giỏi phát huy phẩm chất này, doanh nghiệp cần phải minh bạch trong mọi hoạt động. Khi doanh nghiệp minh bạch và chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về tài chính, triết lý kinh doanh với nhân viên thì nhân viên mới có thể ra những quyết định đúng.
3. Tạo ra những cơ hội chắc chắn
Các nhân viên giỏi không nhất thiết phải làm việc ở phòng kinh doanh hay tiếp thị mới có thể giúp công ty tăng trưởng. Nhưng điểm chung của họ là rất năng động, cởi mở và luôn đánh giá cao các mối quan hệ cũng như sức mạnh của tập thể, để từ đó đưa ra các giải pháp, các cơ hội chắc chắn cho công ty. Nên tạo điều kiện để tất cả nhân viên hiểu được giá trị của doanh nghiệp trong cạnh tranh, từ đó có thể dễ dàng nhận diện các cơ hội. Doanh nghiệp cũng cần khen thưởng kịp thời cho những nhân viên có nhiều nỗ lực trong việc nhận diện và theo đuổi các cơ hội.
4. Giải quyết vấn đề trước khi chúng phát sinh
Các nhân viên giỏi luôn chủ động tìm cách thay đổi những cách làm hiện tại để tránh các nguy cơ tiềm ẩn. Để nhân viên phát huy điểm mạnh này, nên truyền thông rõ ràng về tầm nhìn, sứ mệnh của công ty đến họ và khuyến khích họ đưa ra các đề xuất, ý tưởng để cải thiện công việc.
5. Trung thực
Nhân viên giỏi hiểu rằng việc bưng bít những tin xấu sẽ không có lợi cho ai. Họ luôn tìm những cách tích cực để truyền đạt những thông tin xấu đến mọi người trong tổ chức nhằm ngăn chặn vấn đề có thể diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Vì vậy, doanh nghiệp nên tạo một môi trường mở để nhân viên được nói lên sự thật.
6. Tự giác hướng đến những chuẩn mực cao
Các nhân viên giỏi luôn chủ động thực hiện các công việc với những tiêu chuẩn rất cao, đáp ứng được mong đợi, kỳ vọng của sếp mà không cần sếp nhắc nhở. Doanh nghiệp nên theo dõi và khen thưởng kịp thời những nhân viên có ý thức tự giác như thế khi họ thể hiện được các chuẩn mực cao qua kết quả, chất lượng công việc mà họ mang lại cho tổ chức.
7. Phát triển bản thân và những người xung quanh
Các nhân viên giỏi không chỉ nỗ lực vì sự phát triển nghề nghiệp của bản thân mà còn tạo niềm cảm hứng cho các đồng nghiệp xung quanh và giúp đỡ họ phát triển như mình. Nhân viên giỏi luôn thể hiện là một tấm gương cầu tiến mà không ganh tỵ.
8. Không ngừng nghiên cứu và đổi mới để thích nghi với thay đổi
Những nhân viên giỏi nhất luôn chủ động khám phá những cách làm mới, bắt tay thử nghiệm những cái mới và hoàn thiện những cách làm mới ấy mà không cần phải có sự chỉ đạo của cấp trên. Doanh nghiệp nên đầu tư thời gian và chi phí cho các hoạt động nghiên cứu của nhân viên, khuyến khích họ khám phá những dự án mới và khen thưởng cho những nhân viên đưa ra được các phát hiện hữu ích.
9. Chia sẻ hạnh phúc với những người xung quanh
Nhân viên giỏi hiểu được các động cơ, khó khăn của con người và các mối quan hệ trong công việc, cuộc sống. Họ luôn biết cách tự khơi dậy niềm vui, cảm hứng cho bản thân trong công việc, cuộc sống và chia sẻ niềm vui ấy với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh. Doanh nghiệp nên tạo ra một môi trường để nhân viên có thể cởi mở thể hiện và chia sẻ những cảm xúc cá nhân của mình, đồng thời khuyến khích nhân viên làm việc tích cực để thực hiện những ước mơ chính đáng của bản thân họ.
10. Giúp sếp tỏa sáng
Những nhân viên giỏi là những người luôn biết giữ hình ảnh của sếp trước mọi người xung quanh, giúp sếp khẳng định giá trị của mình. Dĩ nhiên, họ cũng là những người biết thể hiện điều này một cách tế nhị và khéo léo. Sếp nên bày tỏ sự cảm ơn nhân viên vì những hành động như thế để họ cảm nhận được giá trị, tầm quan trọng của bản thân và phát huy hơn nữa các năng lực của mình.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông