Rất nhiều hãng sữa hiện đã thay đổi tên họ cho các nhãn hàng khiến người tiêu dùng tìm mỏi mắt sữa bột nhưng toàn đụng phải sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm công thức.
Vô tình hay hữu ý, có rất nhiều hãng sữa hiện đã thay đổi tên họ cho các nhãn hàng của mình khiến người tiêu dùng tìm mỏi mắt sữa bột nhưng toàn đụng phải sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm công thức và sản phẩm bổ sung vi chất ở ngay những mặt hàng trước đây họ từng quen gọi là sữa.
Nhiều sản phẩm sữa bột đang được thay tên đổi họ sang sản phẩm dinh dưỡng công thức cho “thức thời” nhằm tránh “vòng kim cô” trần giá sữa. (ảnh minh họa)
Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng bán sữa tại Hà Nội rất nhiều sản phẩm sữa trước đây đã được thay tên đổi họ, sữa không còn được gọi là sữa khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được. Các hãng đổi tên các sữa sang sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm công thức, sản phẩm bổ sung vi chất cho trẻ. Sữa bột Friso dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên được đổi thành sản phẩm công thức cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi; sữa bột tăng trưởng Growth của Abbort cũng được đổi thành thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Ngoài ra còn rất nhiều mặt hàng nhập khẩu khác cũng được thay tên nhanh chóng như Pediasure của Abbott do Công ty TNHH 3A phân phối; Physiolac 3 dành cho trẻ từ 1-3 tuổi do VNA-Pharm phân phối đến Dielac Pedia 1+ HT loại hộp 400gr và 900gr… Vậy vì lý do gì mà các hãng thay đổi tên họ sản phẩm của mình nhanh đến vây?
Lý giải cho thực tế ấy, phải nhắc đến trong quy định về áp dụng trần giá sữa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Liên bộ Tài Chính – Y Tế. Theo quy định về trần giá sữa áp dụng cho sản phẩm sữa thì sản phẩm sữa bột phải có hàm lượng từ trên 34% protein mới nằm trong danh mục quản lý giá, tức là khi sản phẩm dưới 34% protein, sản phẩm này sẽ không được gọi là sữa và không bị áp trần giá. Chính vì thế mà các hãng đã phải thay tên cho sản phẩm của mình, thêm bớt cách ghi hàm lượng chất đạm xuống dưới mức áp trần giá để qua mặt cơ quan chức năng. Theo ghi nhận, các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của các hãng sữa trên hầu hết đều ghi hàm lượng chất đạm từ 14% – 18%.
Đặc biệt, trong cùng 1 sản phẩm, các hãng sữa cũng có sự thiếu bất nhất khi hộp thiếc đề là sản phẩm dinh dưỡng nhưng cũng cùng tên sản phẩm ấy, cũng thành phần ấy tương tự ở hộp giấy lại đề là sữa bột pha sẵn dành cho trẻ em 1 – 3 tuổi. Ví dụ điển hình là sản phẩm Grow Plus + cho trẻ 1 – 3 tuổi ở hộp thiếc đề là sản phẩm dinh dưỡng nhưng ở hộp giấy lại đề là sữa bột pha sẵn cho trẻ. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sữa, đâu là dinh dưỡng, chỉ khi chủ cửa hàng cho biết: Họ mới thay tên sản phẩm, còn thành phần giống nhau cả, trong hóa đơn chứng từ cũng ghi là sữa. Theo TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài Chính) : “Việc áp giá trần theo từng mặt hàng cụ thể như vậy đang có nhiều kẽ hở. Trong 6 tháng tới, doanh nghiệp ra một mặt hàng mới, mà kỳ thực, chỉ là thay đổi mẫu mã, bao bì, thậm chí đổi tên, nằm ngoài 25 mặt hàng trên sẽ khỏi phải tuân thủ giá trần này”.
Nếu tiếp tục quản lý trần giá sữa trên cơ sở 25 mặt hàng như hiện nay thì DN có thể sẽ tiếp tục ra sản phẩm mới lách luật và người tiêu dùng vẫn phải mua sữa dưới cái tên “thực phẩm dinh dưỡng”
Để chống các hãng sữa tung chiêu lách luật, mới đây Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã cùng đi đến một giải pháp và kết luận 30 sản phẩm có tên là thực phẩm dinh dưỡng, công thức hay sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đều nằm trong danh mục quản lý giá, diện bắt buộc áp giá bán theo trần giá sữa.
Tuy nhiên việc người tiêu dùng quan tâm lớn nhất hiện nay vẫn là khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý khi mà các Công ty sữa nhìn ra kẽ hở và nhăm nhăm lách luật và che mắt người tiêu dùng. Đã đến lúc cần có biện pháp cứng rắn xử phạt, nêu tên và cảnh cáo các DN làm ăn gian dối, không thể để người tiêu dùng mãi ở trong ma trận được nữa.
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông