Kiến thức Tài chính kế toán Dự kiến sửa đổi một số nội dung về thuế Thu nhập...

Dự kiến sửa đổi một số nội dung về thuế Thu nhập doanh nghiệp

240
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thời gian qua đã đi vào cuộc sống. Theo đó, chính sách thuế TNDN đã phát huy tác động tích cực đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện và góp phần thúc đẩy việc nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nền kinh tế gặp không ít khó khăn, thách thức, quá trình thực hiện chính sách thuế TNDN cũng nảy sinh một số vấn đề mới từ thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước trong môi trường cạnh tranh gay gắt, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung chính sách thuế TNDN cho phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển SXKD, có thêm nhiều cơ hội để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vừa qua, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đã Dự thảo: “Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN” để lấy ý kiến của các địa phương trong cả nước và các Bộ, Ngành có liên quan trước khi trình Bộ Tài chính ban hành chính thức. Trong Dự thảo Thông tư lần này làm rõ việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, quy định về thuế suất đối với một số dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vào Việt Nam. Trong đó cũng làm rõ hơn ranh giới xác định thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động SXKD và các khoản thu nhập khác, vì Luật thuế TNDN quy định nghĩa vụ thuế khác nhau giữa những nguồn thu nhập chịu thuế. Ví dụ, doanh nghiệp đang trong giai đoạn được hưởng ưu đãi đầu tư thì thu nhập từ hoạt động SXKD sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất và thời gian được miễn, giảm thuế trong khi thu nhập khác thì phải nộp thuế TNDN với thuế suất 25%. Căn cứ vào bản chất của từng hoạt động kinh tế, nguồn gốc hình thành của thu nhập trên cơ sở số liệu hạch toán kế toán phù hợp với chuẩn mực và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt trong việc phân định thu nhập từ SXKD và thu nhập khác của doanh nghiệp trong mỗi kỳ tính thuế. Chẳng hạn như, các khoản dự phòng theo chế độ quy định nhằm bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp được ổn định mà trước đây khi trích lập doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ hoạt động SXKD, nay nếu được điều chỉnh lại thì cũng phải tính vào thu nhập từ SXKD của doanh nghiệp mà không tính vào thu nhập khác v.v… Trong dự thảo Thông tư về thuế TNDN có một số nội dung mới được bổ sung như sau:

Một là: Về doanh thu tính thuế, hướng dẫn rõ hơn đối với một số trường hợp cụ thể như:

– Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định phù hợp với việc xác định chi phí của doanh nghiệp.

– Đối với hoạt động kinh doanh sân gôn là tiền bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn và các khoản thu khác trong kỳ tính thuế.

– Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền thu được do cung ứng dịch vụ bảo hiểm và hàng hoá, dịch vụ khác, kể cả phụ thu và phí thu thêm mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng.

Hai là: Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cũng quy định rõ hơn để doanh nghiệp dễ thực hiện như:

– Đối với tài sản, hàng hoá bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn được tính vào chi phí được trừ doanh nghiệp phải có đủ hồ sơ theo quy đinh.

– Đối với hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên không được bồi thường và nằm trong định mức do doanh nghiệp xây dựng thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên vượt quá định mức do doanh nghiệp xây dựng thì phần vượt định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

– Chi khấu hao TSCĐ được trừ bổ sung thêm một số trường hợp sau:

+ Trường hợp TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho SXKD nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 9 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động SXKD thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

+ Quyền sử dụng đất lâu dài không được trích khấu hao vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; quyền sử dụng đất có thời hạn nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật, có tham gia vào hoạt động SXKD thì được phân bổ dần vào chi phí được trừ theo thời hạn được phép sử dụng đất theo quy định.

+ Chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá phần vượt mức tiêu hao hợp lý.

– Các khoản tiền thưởng, tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

– Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hoá đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 5 triệu đồng/người/năm.

Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm.

Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.

– Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động; Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và nước ngoài vượt quá 2 lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

– Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

– Phần trích nộp các quĩ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động vượt mức quy định, phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động vượt mức quy định.

– Khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (trừ trường hợp doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật).

– Phần chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên vượt quá mức quy định của cơ quan quản lý cấp trên; chi đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội (các Hiệp hội này được thành lập theo quy định của pháp luật) vượt quá mức quy định của hiệp hội.

– Các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn mà đến kỳ hạn chưa chi hoặc chi không hết.

– Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ; lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành TSCĐ mà TSCĐ này chưa đưa vào SXKD (không phân biệt doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động SXKD hay đã đi vào hoạt động SXKD).

– Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế.

– Thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn; thuế TNDN; thuế TNCN

Ba là: Về thu nhập khác Dự thảo Thông tư bổ sung thêm một số nội dung về:

– Thu nhập từ chuyển nhượng dự án, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật.

– Thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn hoặc thấp hơn khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định.

– Đối với khoản chênh lệch tỷ giá của doanh nghiệp phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại khi xác định thu nhập chịu thuế.

– Hoàn nhập các khoản dự phòng trừ: Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ khó đòi; Hoàn nhập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp đã trích nhưng hết thời gian trích lập không sử dụng hoặc sử dụng không hết; Hoàn nhập trích lập quỹ dự phòng tiền lương.

– Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng phát sinh cao hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác.

– Thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm sau khi đã trừ chi phí thu hồi và chi phí tiêu thụ.

Bốn là: Cách xác định lỗ và chuyển lỗ.

– Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập chịu thuế.

– Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì phải chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Năm là: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bổ sung các trường hợp sau:

– Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN.

– Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng. Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng.

– Trường hợp Công ty cổ phần thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn thì phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá không tính thuế TNDN.

– Trường hợp Công ty cổ phần tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập mà thực hiện hoán đổi cổ phiếu tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập nếu phát sinh thu nhập thì phần thu nhập này phải chịu thuế TNDN.

– Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN.

* Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thuộc diện nộp thuế gồm:

– Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi ngành nghề có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thu nhập từ cho thuê lại đất thuộc diện phải nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay không có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất; thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ chuyển nhượng các tài sản gắn liền với đất đai.

Sáu là
: Về ưu đãi thuế TNDN.

– Bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

– Trường hợp trong năm doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, thu nhập khác của các hoạt động kinh doanh (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản) có thu nhập (hoặc ngược lại) thì doanh nghiệp bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập do doanh nghiệp lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất thuế TNDN theo mức thuế suất của hoạt động còn thu nhập.

Sau khi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, Ngành, địa phương, Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN sẽ được hoàn thiện để trình Bộ Tài chính ban hành và thực hiện từ kỳ tính thuế năm 2012./.

Theo gdt.gov.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không