Không đơn thuần là chiếc “ áo” cho sản phẩm, bao bì là câu chuyện về thương hiệu và những gửi gắm của nhà sản xuất. Thời điểm đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về xu hướng truyền thông, việc thay đổi bao bì như một phương thức làm mới tạo sự hứng khởi cho khách hàng.
Nếu để một sản phẩm riêng lẻ, người tiêu dùng sẽ ít chú ý đến bao bì nhưng đặt sản phẩm đó trên một quầy hàng bán lẻ với hàng chục sản phẩm cùng loại thì sự khốc liệt về mặt thương hiệu chẳng khác nào một cuộc thi “hoa hậu”. Đây cũng chính là lý do để nhiều nhãn hàng không ngại thay đổi bao bì sản phẩm của mình.
Trên thế giới, Unilever được xem là doanh nghiệp rất chịu khó thay đổi bao bì các sản phẩm “con cưng” nhằm mang lại sự thích thú, tươi mới. Đơn cử như OMO, khi doanh nghiệp này quyết định thay đổi mẫu mã, biểu tượng “splat” – biểu tượng của những vết bẩn chơi mà học với năm cánh xòe màu cam và xanh lá cây in trên nền đỏ đã ngay lập tức tạo ấn tượng mạnh với đông đảo khách hàng. Sự thay đổi này mang lại hiệu quả đến mức, “splat” nhanh chóng trở thành điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi nhắc tới OMO.
Không chỉ Unilever, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng không ngừng thay đổi bao bì sản phẩm và đạt được nhiều thành công vang dội. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như Dermalogica với các sản phẩm kem chống nắng, Cadillac với logo mới cho tất cả các dòng xe, L’Oréal với việc điều chỉnh bao bì cho phù hợp với các châu lục mà nhãn hàng này hướng đến…
Theo một chuyên gia về marketing, việc thay đổi bao bì cho sản phẩm cũng như một lần “thay áo mới”, khiến cho khách hàng bị thu hút, chú ý và trong nhiều trường hợp, đẳng cấp của sản phẩm vì thế mà cũng được nâng lên rất nhiều.
Ở Việt Nam, việc các thương hiệu thay đổi bao bì, nhãn hiệu cho sản phẩm không còn là khái niệm xa lạ. Thị trường càng phát triển năng động, mạnh mẽ, việc “thay áo mới” cho các sản phẩm càng được tập trung chú ý. Từ sữa, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống…mới ra đời hay những nhãn hàng đã tạo nên thương hiệu hàng chục năm đều có sự “lột xác” để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến là nhãn hiệu bia lâu đời nhất của Hà Nội, bia Trúc Bạch. Thương hiệu uy tín này cũng vừa quyết định thay đổi diện mạo sản phẩm của mình bằng việc cho ra đời chai bia Trúc Bạch với nhãn bạc ánh kim. Gắn bó với Hà Nội từ khi thành phố còn ở trong giai đoạn bao cấp, Bia Trúc Bạch không chỉ là một thương hiệu, mà còn là nỗi nhớ, là hoài hiệm của một bộ phận người dân Thủ đô. Chính vì vậy, sự thay đổi về bao bì đã gây bất ngờ và thích thú cho những người yêu mến dòng bia cao cấp này.
Nhận diện thương hiệu mới của bia Trúc Bạch
Nhãn mới của bia chai Trúc Bạch được thiết kế tinh xảo, đơn giản nhưng trang nhã với màu ánh bạc có logo quen thuộc của thương hiệu thay cho nhãn giấy trước đây. Theo lãnh đạo HABECO, việc thay đổi bao bì cho bia Trúc Bạch vừa để mang lại diện mạo mới sang trọng, hiện đại, hấp dẫn hơn cho dòng bia chai nổi tiếng này, vừa khẳng định sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cả về hương vị bia lẫn mẫu mã để đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng.
Với những những nguyên liệu thượng hạng, công nghệ hàng đầu và sự tinh tế của những người sản xuất, trong những năm qua, bia chai Trúc Bạch đã tạo dấu ấn đậm đà bằng chất lượng hảo hạng, được nhiều người sành uống xếp vào diện tuyệt tác. Với sự thay đổi lớn về diện mạo này, thương hiệu bia Trúc Bạch càng tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng, xứng đáng là đẳng cấp bia hàng đầu của Hà Nội.
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông