Mấy ngày nay, các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa thông tin về việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Tờ trình số 1818/BGTVT-TC gửi Chính phủ đề nghị đổi tên phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân thành “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” và tên gọi phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn được giữ nguyên.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, “việc đổi tên gọi như vậy là để sát với mục tiêu và nội dung của phí như góp ý của Bộ Tài chính”. Trước đó, Bộ Tài chính có ý kiến cho rằng theo kinh nghiệm trên thế giới, nếu đã thu phí lưu hành phương tiện thì không thu phí đi vào trung tâm giờ cao điểm và ngược lại, tức là trong hai loại phí trên chỉ được thu một.
Có lẽ chính vì vậy mà Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị đổi tên phí lưu hành xe thành phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân với mục đích là để thu được cả 2 loại phí này?
Không những thế về mức thu, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu thêm 5% phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau mỗi năm. Đặc biệt, một số đối tượng được miễn thu gồm ôtô thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an; xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài.
Sau khi đã đưa ra đối tượng được miễn giảm, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, số lượng ôtô chịu sự tác động của chính sách thu phí phương tiện cá nhân là 612.691 xe (tương ứng với 612.691 chủ phương tiện, chiếm 0,77% dân số cả nước). Các xe này phần lớn được sử dụng cho các mục đích cá nhân, vì vậy, cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành sản xuất kinh doanh.
Lần này thì trong Tờ trình có vẻ đã có thêm thông tin về số lượng xe cá nhân và ý kiến chứng minh cho việc thu phí trên không ảnh hưởng đến thị trường, giá cả, giá thành sản xuất kinh doanh nhằm tăng tính thuyết phục và chứng tỏ đã được nghiên cứu xem xét kỹ các tác động chứ không phải là phiến diện.
Tuy nhiên khi đón nhận thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng nó thật là kỳ lạ. Ông Nguyễn Minh Đồng – một chuyên gia về thiết kế ôtô, đã từng làm việc tại tập đoàn Volkswagens (CHLB Đức) – cho rằng, các quốc gia trên thế giới thường chỉ áp dụng các chính sách hạn chế lưu thông ôtô đối với những thành phố lớn, khu đông dân cư, chứ không hạn chế tiêu dùng ôtô. Việt Nam thì ngược lại, chỉ ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn nhưng lại hạn chế tiêu dùng ôtô trên cả nước bằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao, thuế chồng lên thuế và nay là phí cao với những loại phí kỳ lạ có một không hai.
Tôi không lý giải nổi vì sao hiện nay Việt Nam mới có khoảng 1,6 triệu ôtô các loại trên tổng số gần 90 triệu dân với diện tích 330.000 km2 đất liền và kinh tế đang phát triển mạnh vậy mà lại ban hành các chính sách hạn chế sử dụng ôtô?”, ông Đồng nói.
Bộ Giao thông vận tải cho hay, cả nước chỉ có 612.691 xe cá nhân phần lớn sử dụng cho các mục đích cá nhân, vì vậy, cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành sản xuất kinh doanh cũng không đúng.
Trong số xe thuộc đối tượng được miễn phí, không thấy nói đến xe của các DN. Nếu các DN sử dụng xe mà bị tính phí cao thì đương nhiên, khoản phí đó sẽ đưa vào giá thành và làm cho giá cả nhiều mặt hàng đội lên.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khăn liệu có tạo kẽ hở để trốn phí khi khách hàng cá nhân mua xe sử dụng cho mục đích cá nhân nhưng đứng tên các cơ quan, đơn vị thuộc diện được miễn phí xe. Băn khoăn này không phải là không có cơ sở.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tính phí cao không chỉ đánh vào 612.691 xe cá nhân hiện có như Bộ Giao thông Vận tải liệt kê, mà lớn hơn, sẽ làm cho nhiều khách hàng cá nhân không thể mua được xe. Và như vậy, chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phá sản. Đây là lý do nhiều người lo lắng nhất. Hình như Bộ Giao thông Vận tải đang bằng tất cả ý chí để hạn chế tiêu dùng ôtô và nói không với công nghiệp ôtô?
Khoan nói đến một số quốc gia nhỏ bé, điển hình như Singapore không đủ điều kiện để phát triển công nghiệp ôtô, thì nhiều quốc gia trên thế giới đều mong muốn có ngành công nghiệp ôtô lớn mạnh. Một câu hỏi đặt ra, nếu Việt Nam có được ngành công nghiệp ôtô phát triển như Nhậ Bản hay Hàn Quốc thì có tốt hơn là không có ngành công nghiệp ôtô không? Câu trả lời chắc ai cũng rõ.
Theo các chuyên gia, công nghiệp ôtô vốn được coi là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp. Bởi công nghiệp ôtô hàm chứa rất nhiều những công nghệ cơ bản như chế tạo máy, luyện kim, đúc, khuôn mẫu, vật liệu và điện tử… Những công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng sang các lĩnh vực sản xuất khác và công nghiệp ôtô phát triển sẽ thúc đẩy những ngành công nghiệp như chế tạo động cơ, điện tử, luyện kim, hoá chất, nhựa… Khi sản xuất động cơ, luyện kim, điện tử… phát triển nó không chỉ tạo ra giá trị gia tăng lớn mà còn góp phần bảo đảm anh ninh đất nước.
Một chiếc xe du lịch hiện đại có từ 20.000-30.000 chi tiết và tính trên toàn thế giới thì ngành công nghiệp ôtô tiêu thụ 77% cao su thiên nhiên, 50% cao su tổng hợp, 67% chì, 40% máy công cụ, 25% thuỷ tinh, 64% gang rèn. Các linh kiện điện tử đã chiếm tới hơn 30% trong giá trị chiếc xe, cao hơn cả giá trị của thép trong ô tô. Thực tế cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô sẽ thúc đẩy và lôi kéo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác.
Tại những quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển như CHLB Đức, giá trị công nghiệp ôtô mang lại chiếm 30% tổng giá trị toàn ngành công nghiệp và là ngành công nghiệp quan trọng số một của nước này. Tại Nhật Bản, Mỹ, công nghiệp ôtô cũng là ngành quan trọng bởi những thế mạnh lâu dài và hiệu quả cao về kinh tế – xã hội, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ôtô phát triển sẽ tạo ra hàng triệu việc làm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Ông Kijimotor, Giám đốc Marketing Toyota Việt Nam, cho biết, ở những quốc gia đông dân như Indonesia, các nhà làm chính sách rất quan tâm đến tạo việc làm cho người dân. Với dân số đông, mỗi năm có thêm hàng triệu người bước vào tuổi lao động, vì vậy Chính phủ luôn quan tâm phát triển những ngành công nghiệp thu hút nhiều nhân lực. Công nghiệp ôtô là 1 ngành thu hút rất nhiều nhân lực bởi nó kéo theo sự phát triển của công nghiệp phụ trợ và các ngành sản xuất khác. Theo tính toán, ngành công nghiệp ôtô có quy mô 500.000 xe/ năm cũng thu hút trên 1 triệu lao động với hàng nghìn DN tham gia cung ứng.
Việt Nam cũng là quốc gia đông dân, mỗi năm cũng có cả triệu người bước vào tuổi lao động, trong khi ngành công nghiệp ôtô tạo ra việc làm lớn chẳng lẽ lại không cần được thúc đẩy phát triển?
Không có ngành CN ôtô sẽ như thế nào? Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, đến thời điểm 2020, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ôtô hoá nền kinh tế, nhu cầu ôtô trong nước sẽ tăng mạnh. Khi đó, quy hoạch đồng bộ về hạ tầng giao thông cả nước cơ bản hoàn thành, hệ thống đường cao tốc sẽ kết nối các trung tâm kinh tế lớn; các thành phố lớn đều được xây dựng đồng bộ cơ bản hiện đại. Thời điểm đó, thu nhập bình quân của người dân nhiều thành phố sẽ đạt mức từ 3.000-5.000 USD/năm, với mức thu nhập này nhu cầu ôtô sẽ tăng mạnh và thị trường ôtô sẽ bùng nổ.
Ước tính vào năm 2020, nhu cầu về ôtô các loại cả nước sẽ từ 400.000-600.000 xe/năm và đến 2030 sẽ từ 1-1,8 triệu xe/năm, trong đó chiếm trên 60% là xe con; xe tải, xe khách, xe chuyên dụng… chỉ chiếm khoảng 36%. Đây thực sự là thị trường có tiềm năng. Nếu Việt Nam không có ngành công nghiệp ôtô mạnh thì đến 2020 khi thị trường ôtô bùng nổ, chúng ta lại “dâng” cho các DN nước ngoài và hàng năm sẽ phải chi ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo nên thâm hụt lớn về cán cân thương mại.
Ở các quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển ngay từ ban đầu người ta đã thừa nhận có mối liên hệ giữa ngành công nghiệp ôtô với các gia đình. Nghĩa là ngành công nghiệp ôtô phát triển dựa trên số lượng xe cá nhân được tiêu thụ, từ đó xây dựng các chính sách khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sử dụng ôtô, thu hút đầu tư nhằm tạo ra sản lượng lớn, mở rộng quy mô thị trường để phát triển ngành công nghiệp này.
Việc đánh thuế, phí cao người dân không thể mua được ôtô sẽ làm cho thị trường nhỏ bé, không hấp dẫn các nhà đầu tư và ngành công nghiệp ôtô sẽ không phát triển được.
Theo vnf.vn