PV: Thưa Thứ trưởng, tình hình thu ngân sách quý I/2012 về tổng thể tuy có tăng trưởng so với quý I/2011, song, nhìn vào số thu nội địa thì giảm 2,4% so với cùng kỳ. Thứ trưởng nhận định sao về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Tổng thu NSNN quý I/2012 ước đạt 172.770 tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, thực tế là số thu tăng chủ yếu nhờ giá dầu thô tăng, trong khi số thu từ các hoạt động khác của nền kinh tế giảm nhẹ, trong đó, thu nội địa giảm 2,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới số thu nội địa sụt giảm chủ yếu là do tình trạng khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, tình hình cũng có những yếu tố tích cực, đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu quý I/2012 đạt trên 24,5 tỷ USD, tăng 23,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21,8%; lạm phát duy trì ở mức thấp; lãi suất tín dụng đang giảm dần góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp…Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nắm chắc tình hình, phân tích làm rõ thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất – kinh doanh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các donh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho. Dưới sự điều hành sát sao của Chính phủ, hoạt động kinh tế trong những tháng tới có thể sẽ sớm được cải thiện, theo đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến thu NSNN.
PV: Thưa Thứ trưởng, thu NS khó khăn liệu có ảnh hưởng nhiều đến việc đáp ứng các nhu cầu về chi NS? Bộ Tài chính đã thực hiện phương án gì trong quản lý, điều hành NS nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chi để đạt hiệu quả cao nhất?
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Mặc dù thu NS quý I có khó khăn, nhưng NSNN vẫn đảm bảo thực hiện thanh toán, chi trả kịp thời, đầy đủ theo dự toán và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
Quan điểm của Bộ Tài chính là trong bất kỳ tình huống nào cũng điều hành đảm bảo tổng mức dự toán chi NSNN năm 2012 đã được Quốc hội quyết định. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương rà soát lại dự toán NSNN được giao và sắp xếp các nhiệm vụ chi theo trật tự ưu tiên; Thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường hiệu quả chi đầu tư phát triển của nhà nước; rà soát cắt giảm các dự án chưa cần thiết để tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án có điều kiện hoàn thành trong năm 2012 và 2013 nhằm sớm đưa công trình vào hoạt động, phát huy hiệu quả; thực hiện chi thường xuyên trong phạm vi dự toán được giao và đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…; hạn chế việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách.
PV:Trước những khó khăn của quý I/2012 cho thấy, tình hình kinh tế xã hội những tháng tiếp theo sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy, để phấn đấu tăng thu NSNN vượt 5-8% so với dự toán Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ thực hiện những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Để đạt được mục tiêu phấn đấu tăng thu nêu trên Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương bám sát thực tế, tháo gỡ kịp thời khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các dự án hoạt động hiệu quả, có đầu ra của sản phẩm được tiếp cận vốn để phát triển, mở rộng sản xuất;… qua đó tạo nguồn thu cho NSNN. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng (phấn đấu số nợ thuế cuối năm 2012 không vượt quá 5% tổng số thu), trong đó tập trung vào sáu lĩnh vực chủ yếu: kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá; hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng; thu thuế với lĩnh vực bất động sản, thuế thuê và sử dụng đất; chống thất thu đối với kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch; khai thác mỏ; chống thất thu thuế với loại hình kinh doanh mới phát sinh như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Website Bộ tài chính