Kiến thức Tài chính kế toán Tăng mức phạt chậm nộp thuế để răn đe doanh nghiệp

Tăng mức phạt chậm nộp thuế để răn đe doanh nghiệp

550
Tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế (dự kiến áp dụng từ năm 2014), Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giữ mức phạt đối với hành vi chậm nộp thuế của cá nhân, doanh nghiệp ở mức 0,05% một ngày (tương đương lãi suất 18,25% một năm), tính trên số thuế chậm nộp.

Tuy vậy, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng mức phạt này thấp hơn lãi suất ngân hàng ở một số giai đoạn, đặc biệt là thời gian gần đây, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ì, chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban – Phùng Quốc Hiền, mức phạt tương đương lãi suất 18,25% một năm nói trên được thiết kế trong giai đoạn lãi vay tại Việt Nam chỉ khoảng 8,5% – 11% một năm, lạm phát cũng ổn định ở mức 4 – 5% một năm. “Như vậy thì mức phạt gấp đôi lãi suất ngân hàng, do đó có được tính răn đe, đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn”, ông Hiển nói.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Nhiều kiến nghị nâng mức phạt chậm nộp thuế đối với cá nhân, doanh nghiệp từ 0,05% hiện nay lên 0,1% mỗi ngày. Ảnh: Hoàng Hà
Do lạm phát tăng, ngân hàng siết tín dụng, có thời điểm doanh nghiệp phải vay ngân hàng lãi suất lên đến 24% một năm, thậm chí chấp nhận trả lãi cao cũng không thể vay vốn. Do đó, để giảm áp lực tài chính, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận nộp phạt chiếm dụng tiền thuế, giảm áp lực tài chính. Trước thực tế này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị nâng mức phạt chậm nộp lên 0,1% một ngày (tương đương 36,5% một năm).

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Nguyễn Văn Giàu cho rằng đưa ra mức phạt 0,05% một ngày như phương án của Bộ Tài chính hay nâng lên 0,1% như ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đều cần được tính toán kỹ. Tuy nhiên, thực tế quản lý cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức phạt chậm nộp nhất thiết phải cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thì mới đủ sức răn đe và động viên người nộp thuế.

Giải trình xung quanh những ý kiến này, Bộ trưởng Tài chính – Vương Đinh Huệ cho rằng tuy mức phạt theo đề xuất chỉ tương đương lãi suất 18,25% nhưng lại không được tính vào chi phí trước thuế của doanh nghiệp. Do vậy, nếu tính đầy đủ, mức phạt này phải tương đương lãi suất 23,5% một năm. Con số này theo Bộ trưởng là cao hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu (một con số) của giai đoạn tới cũng như lãi suất ngân hàng.

Mặt khác, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho rằng tuy phải đảm bảo tính răn đe nhưng mức phạt chậm nộp thuế cũng không nên để quá cao: “Nếu tiền phạt quá nhiều sẽ khiến các doanh nghiệp phải tìm cách luồn lách, tiêu cực với cán bộ thuế. Khi đó công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ rất khó khăn”, ông nhận định.

Chia sẻ với những khó khăn nói trên của ngành tài chính và doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách – Phùng Quốc Hiển cho rằng cơ quan soạn thảo có thể xem xét, tính toán lại mức phạt trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến. “Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng mức phạt 0,05% một ngày đã lạc hậu”, ông Hiển nói.

Một phương án khác cũng được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Nguyễn Hạnh Phúc là thiết kế khung phạt theo mô hình hệ số. Theo đó, mức phạt có thể tương đương 1,1 hoặc 1,2 lần lãi suất cho vay của ngân hàng. Tuy vậy, theo ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Thị Kim Ngân, các phương án được trình cần được cơ quan soạn thảo tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở thực tế, kinh nghiệm điều hành cũng như thông lệ quốc tế.

Cùng với mức phạt chậm nộp thuế, dự thảo của Bộ Tài chính cũng giữ nguyên khung phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng tiền hoàn thuế ở mức 10% giá trị. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị nâng con số này lên 20% để đảm bảo tính răn đe. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 năm nay và thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Câu chuyện nợ, chậm nộp thuế được chú ý thời gian gần đây, đặc biệt sau khi ngành thuế công bố hàng loạt doanh nghiệp lớn nợ hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp giải trình lý do là sản xuất kinh doanh khó khăn, do vướng chậm đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại mức phạt chậm nộp hiện nay quá thấp, khiến doanh nghiệp có thể lợi dụng để chiếm dụng vốn.

Theo báo điện tử Vnexpress

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không