10.350 doanh nghiệp đóng cửa
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua theo dõi và kiểm tra mã số thuế doanh nghiệp, quý 1/2012 có hơn 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,2% so với cùng kỳ 2011. Số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là gần 18.700. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là khoảng 10.350, tăng 14,8% so với cùng kỳ; trong số đó có 23,1% doanh nghiệp thành lập được một năm và 41,9% doanh nghiệp thành lập được hai năm.
Tính đến cuối quý 1/2012, cả nước có 445.500 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng kỳ và tăng 1,1% so với cuối năm 2011.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong quý 1/2012, doanh thu bán hàng hóa dịch vụ giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011 trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 14%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 21%, riêng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24%.
Tổng thu nội địa quý 1/2012 đạt thấp (140.813 tỷ đồng), chỉ bằng 96,9% so với cùng kỳ 2011. Đây là năm đầu tiên thu nội địa giảm so cùng kỳ trong các năm gần đây (quý 1/2011 tăng 40,9%, quý 1/2010 tăng 37,6% so với cùng kỳ).
Số thu thuế giá trị gia tăng trong quý 1/2012 (đạt 33.096 tỷ đồng), tăng 6% so với cùng kỳ 2011, nhưng là mức tăng thấp nhất trong các năm gần đây (quý 1/2011 tăng 26,2%, quý 1/2010 tăng 35,6%).
8/14 ngành có thuế giá trị gia tăng nộp ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ là bất động sản (giảm 29,8%); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (giảm 22,2%); vận tải, kho bãi (giảm 16,4%); nông nghiệp – lâm nghiệp – thuỷ sản (giảm 7,4%); xây dựng (giảm 4%)…
Số thu hải quan quý 1/2012 cũng sụt giảm, chỉ đạt 46.653 tỷ đồng, tương đương hơn 15 nghìn tỷ đồng/tháng, giảm 2,2% so với cùng kỳ 2011.
Ngoài ra, khoản nợ thuế của các doanh nghiệp tính đến hết tháng 2/2012 đã tăng 28,5% so với 31/12/2011; trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,7%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 13,9%, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4,3%. Một số ngành có số nợ thuế giá trị gia tăng tăng cao so với cùng kỳ 2011 như bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông – lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống khách sạn.
Tính đến giữa tháng 3, tổng số doanh nghiệp nợ thuế hải quan quá hạn là 8.465 doanh nghiệp (tăng 6,04% so với thời điểm 31/12/2011). Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 78,9%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tương ứng 10,6% và 10,5%.
Giảm và gia hạn nhiều loại thuế
Cùng với những dữ liệu trên, Bộ Tài chính chính thức công bố gói giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, với 5 nhóm cụ thể: nhóm giải pháp điều hành vĩ mô; nhóm giải pháp về chi tiêu công; nhóm giải pháp về thuế và phí; nhóm giải pháp điều hành giá và trợ cấp; nhóm cải cách thủ tục hành chính thuế.
Nhóm giải pháp điều hành vĩ mô tập trung ở việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; tùy theo tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng và chỉ số giá tiêu dùng để hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; cơ cấu lại tín dụng ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…
Đối với nhóm giải pháp về chi tiêu công, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng (nâng tổng mức năm 2012 lên 4.000 tỷ đồng) cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn (tổng mức cả năm 2012 là 4.000 tỷ đồng). Nhóm giải pháp này cũng cho phép sử dụng khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2011 đã chuyển nguồn sang năm 2012 để thực hiện mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm giải pháp về thuế và phí, Bộ Tài chính sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2012 của các doanh nghiệp, cũng như giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định. Gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày phải nộp theo thông báo của cơ quan thuế đối với số tiền sử dụng đất đến hạn phải nộp của các chủ đầu tư dự án do có khó khăn về tài chính nên chưa nộp tiền sử dụng đất.
Bộ cũng đề xuất gia hạn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn nợ chưa nộp ngân sách của năm 2011 trở về trước trong 9 tháng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thuỷ (bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng…
Thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đối với ôtô và xe máy sẽ được lùi đến hết 31/12/2012 nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (giảm chi phí đầu vào) và người dân.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 được đề xuất giảm 30%; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ…
Ở nhóm giải pháp điều hành giá và trợ cấp, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác quản lý điều hành giá, nhằm đảm bảo giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, phản ánh đúng giá trị thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng hoá nhằm thao túng thị trường giá cả…; rà soát và thực hiện trợ giá xăng dầu, điện đầu vào cho một số lĩnh vực sản xuất (đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo) nếu những mặt hàng này tiếp tục có biến động lớn về giá.
Nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, Bộ Tài chính nói rằng sẽ tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ tục tục hành chính thuế cho doanh nghiệp.
Theo vneconomy