Thị trường thực phẩm chức năng đã phát triển bùng nổ trong thời gian qua. Tuy nhiên, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều sai phạm ở hoạt động kinh doanh mặt hàng này. Đặc biệt, loại hình quảng cáo thực phẩm chức năng online đang bị thả nổi khâu kiểm soát.
ảnh minh họa
Mới đây, ngày 26/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt với một đơn vị có hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng.
Cụ thể, sau khi tiến hành rà soát trên một số trang mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện Công ty TNHH BZT USA, địa chỉ tại 48-50-52 Nguyễn Thế Truyện, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh quảng cáo các sản phẩm TPCN: BZT USA K1s; BZT USA Cell; BZT USA BETA GLUCAN và một số sản phẩm khác trên website bztusa.com của công ty nhưng không đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định.
Sai phẩm này của Công ty TNHH BZT USA đã bị xử phạt hành chính đối với mức phạt 15 triệu đồng; Buộc Công ty TNHH BZT USA chấm dứt hành vi vi phạm và phải tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo sai quy định trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.
Ngay sau đó, ngày 29/8, Cục ATTP cũng đã tiến hành thu hồi 03 giấy tiếp nhận đăng ký quảng cáo đã cấp cho 03 sản phẩm TPCN của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Nam Á do có nội dung quảng cáo không đúng với nội dung quảng cáo đã đăng ký.
Những sai phạm liên tiếp trong hoạt động quảng cáo của các đơn vị phân phối thực phẩm chức năng khiến cho nhiều người không khỏi lo lắng. Bởi người tiêu dùng rất khó có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm này và họ chỉ có thông tin từ những lời giới thiệu của đơn vị phân phối.
Qua thực tế mua sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo online, anh Nguyễn Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần phần mềm XSoft cho biết: “Tôi đã từng mua sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cao huyết áp cho mẹ tôi. Nhưng sau khi sử dụng tôi không thấy có thay đổi gì. Sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên mạng đã được thổi phồng công dụng lên.”
“Quảng cáo công dụng 10 phần thì tác dụng thực tế chỉ đạt khoảng 2 phần. Với việc quảng cáo online thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng, tôi nghĩ rằng nhiều người sau khi mua hàng online sẽ từ bỏ loại hình này”, chị Lan Giám đốc Công ty TNHH Gió Việt chia sẻ.
Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Linh, Cầu Giấy, Hà Nội khi mua hàng thực phẩm chức năng qua mạng, người tiêu dùng rất dễ gặp phải rủi ro như mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thành phần không đúng, quảng cáo hay, giá thành rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo.
“Có đến 70% hàng thực phẩm chức năng online chưa được kiểm tra và chưa có văn bản nào về hoạt động quản lý kiểm soát sản phẩm thực phẩm chức năng qua mạng”, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam chia sẻ với phóng viên Bizlive.
Ông Trần Đáng cho rằng, hoạt động quản lý loại hình quảng cáo thực phẩm chức năng online đang bị thả nổi.
Theo ông Đáng, một số sai phạm chủ yếu của hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng là nhiều sản phẩm chưa được xác nhận an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng, quảng cáo sai thành phần trong sản phẩm, quảng cáo các công dụng của thực phẩm chức năng một cách “thái quá”…
Khảo sát một số thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng như Sữa ong chúa, Collagen… cho thấy, những người bán hàng không ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có những khuyến cáo về tác dụng phụ khi dùng sản phẩm có thể gặp phải.
Như vậy, có thể thấy nguy cơ rủi ro khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng luôn tiềm ẩn từ hình thức này.
Sự phát triển bùng nổ của thị trường thực phẩm chức năng trong thời gian qua đã khiến cho nhiều người có tư tưởng “muốn giàu nhanh” từ hoạt động kinh doanh này. Đặc biệt là lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, sự tiếp cận khách hàng rộng lớn qua kênh mua sắm trực tuyến.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các đài truyền hình, đài phát thanh Trung ương, địa phương về việc rà soát chấn chỉnh, hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình.
Tuy nhiên, đối với hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể và biện pháp quản lý triệt để.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, đơn vị này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan như Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, A87 Bộ Công an liên tục rà soát nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm về quảng cáo thực phẩm, nhất là quảng cáo trên website.
Ngoài việc xử lý vi phạm đối với người quảng cáo (cơ sở có sản phẩm thực phẩm được quảng cáo), Cục An toàn thực phẩm sẽ chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định đối với người phát hành quảng cáo nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động quảng cáo thực phẩm, giúp người tiêu dùng có những thông tin đúng về sản phẩm để họ có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý.
Theo Bizlive
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông