Người tài không được hình thành từ giáo dục-đào tạo đơn thuần, họ hình thành từ nhu cầu thực tiễn của thời đại, của cuộc sống. Giáo dục-đào tạo nói chung chỉ tạo ra những người giỏi ở mức thừa hành mệnh lệnh. Tài năng thực sự không có trường lớp nào đào tạo được. ( Bài tham gia Diễn đàn Vì sao chiêu hiền đãi sĩ chưa là sức hút?)
Ảnh minh họa
Bàn về nhân tài, cầu nhân tài và sử dụng nhân tài.
Có lẽ mọi người ai cũng đã từng đọc qua Tam quốc diễn nghĩa, có thể thấy trong đó có rất nhiều ví dụ về cầu hiền và sử dụng nhân tài mà đỉnh cao là câu chuyện “ba lần đến lều tranh” cầu Gia Cát Lượng của Lưu Bị. Tôi thấy rằng chuyện tuy cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và có nhiều điều đáng bàn để rút ra bài học về việc cầu nhân tài và sử dụng nhân tài.
Vấn đề thứ nhất: Phải hiểu cho đúng thế nào là người tài trước khi chọn để cầu.
Gia Cát Lượng khi du thuyết Đông Ngô có cuộc khẩu chiến với quần nho, trong đó có nhắc đến học vấn và tài năng. Đại khái, nhà nho quân tử khác với nho tiểu nhân ở chỗ khi gặp việc có mưu sách để giải quyết chứ không chỉ đơn giản học được những sách gì hay văn chương bay bổng. Vậy người tài là người giải quyết được khó khăn cho người đi cầu hiền, chứ không phải cầu về để làm kiểng. Tức là người tài là người có thể bắt tay vào giải quyết việc lớn ngay được mà không phải qua đào tạo hay rút kinh nghiệm gì nữa. Người đi cầu phải có con mắt tinh đời để chọn đúng người mình cần cho công việc mình cần.
Hiện nay chính sách cầu nhân tài của ta không xác định được mục tiêu và yêu cầu cụ thể, do đó không xác định được người nào có thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta chỉ cầu Thạc sĩ và Tiến sĩ hay Giáo sư chung chung. Vậy phải chăng không có các bằng cấp đó thì không phải người tài. Thế thì Thủ tướng Anh Tony Blair hoặc Bill Gates hay Thomas Edison có bằng Tiến sĩ không, chắc chắn là không, vậy họ không có tài?
Vấn đề thứ hai: Người cầu nhân tài phải có nhu cầu cụ thể.
Lưu Bị phải đi cầu Gia Cát Lượng vì ông ta muốn khôi phục nhà Hán, cứu vớt dân đen ra khỏi bể loạn lạc. Như vậy có thể nói ông ta đã xác định cụ thể công việc cần làm và việc đó phù hợp với Gia Cát Lượng, vì dân gian đã có câu “Phục Long và Phượng Sồ được một trong hai người ấy sẽ bình được thiên hạ”, Phục Long chính là Gia Cát Lượng.
Trong khi đó hiện nay chúng ta nói là “trải thảm đỏ” để cầu người tài nhưng thực sự nhu cầu cụ thể không có, cho nên khi người tài đến thì không biết dùng vào việc gì. Kết quả là người tài có thể đến nhưng rồi sẽ đi hoặc sẽ mai một tài năng đi.
Vấn đề thứ ba: Nhu cầu đó phải đủ lớn để thỏa chí cho nhân tài mà mình muốn cầu.
Một ví dụ từ Tam quốc diễn nghĩa là việc sử dụng Phượng Sồ – Bàng Thống – làm tri huyện, công việc thì có nhưng không xứng tầm nên người tài chán nản bỏ bê, rượu chè be bét, may mà phát hiện sai lầm sớm và sửa chữa.
Chúng ta đôi khi cũng có nhu cầu, nhưng chỉ là để tạo bộ mặt tiếp khách hoặc chỉ để báo cáo thành tích là đã có trong tay bao nhiêu Tiến sĩ hay Giáo sư hoặc chỉ để làm những việc mà ai cũng làm được như giảng dạy hoặc cứ để đấy thử thách chán chê rồi mới cất nhắc vào vị trí quyết định. Như vậy thì người tài sẽ phải mòn mỏi trong đợi chờ và mất hết nhiệt huyết trước khi được thỏa chí, cuối cùng thành ra kẻ chán đời hay thất vọng. Chính sách qui hoạch cán bộ của chúng ta cũng vậy, qui hoạch từ lúc người ta chưa làm được gì cả hoặc chỉ có chút ít năng lực, rồi bồi dưỡng thử thách qua hàng chục năm mới được cơ cấu vào vị trí quyết định. Đến lúc đó thì quá mòn mỏi và mất hết sáng tạo, thế thì còn “đổi mới tư duy” gì được.
Vấn đề thứ tư: Người cầu hiền phải có thành tâm và tin tưởng ở người mình cầu.
Lưu Bị đi cầu Khổng Minh thành tâm đến thế nào thì tôi khỏi phải nhắc lại ở đây. Và sau khi cầu được ông ta đã bái Gia Cát Lượng làm Thầy, nói gì cũng nghe, giao phó trọng trách, tin tưởng tuyệt đối, trao cho bảo kiếm để trị nhân và thậm chí làm cho các em mình ganh tỵ.
Còn chúng ta cầu được vài Tiến sĩ, Giáo sư rồi phân về cơ sở, họ làm gì cũng không biết, chẳng hỏi han, chẳng lắng nghe, họ có gặp khó khăn gì cũng không quan tâm. Vậy thì họ chẳng thấy mình có tí giá trị nào trong mắt người đã cầu mình cả. Vậy thì làm sao mà họ đem hết sức “khuyển mã” để báo đáp ân tri ngộ. Thậm chí chúng ta còn để cho bọn công thần cũ chèn ép người tài, mà những công thần đó mình đã cho là không giải quyết được vấn đề nên mình mới đi cầu người. Vô tình làm cho người tài không có đất dụng võ, cảm thấy bất lực, hoặc phải thỏa hiệp với những người cũ, dẫn đến mất tính sáng tạo. Thế thì họ làm sao có thể phát huy được tài năng.
Vấn đề thứ năm: Người tài đích thực không cần tiền, họ cần được thỏa chí.
Gia Cát Lượng khi về Tân Dã với Lưu Bị, lương chạy từng bữa, tương lai mù mịt, vẫn là những người áo vải. Nhưng ông ta được kính trọng và điều quan trọng là có cơ hội thi triển tài năng kinh bang tế thế, gây dựng cơ đồ để khôi phục nhà Hán, mang lại ấm no cho nhân dân. Và ông ta được trao đầy đủ điều kiện và quyền hạn để thực hành điều ấy.
Chúng ta chiêu dụ nhân tài với 30 – 50 triệu đồng, hay một mảnh đất cắm dùi. Không lẽ hoài bão, tâm huyết, chí bình sinh của họ chỉ đến thế sao. Người nào vì 30 triệu mà nhận lời thì tôi e rằng họ không phải là người tài. Do vậy xin đừng dùng tiền để chiêu dụ nhân tài, mà nên dùng cái chí lớn, cái hoài bão của người cầu hiền mà thu dụng nhân tài, để họ thấy rằng về làm với mình thì có thể thỏa chí, được tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng và làm nên sự nghiệp lớn.
Tuy nhiên, nói vậy thì không đầy đủ, có một loại nhân tài cần tiền, thật nhiều tiền, đó là các doanh nhân, nhưng rõ ràng là những người này không đi làm trong cơ quan nhà nước, thậm chí họ cũng không làm cho ai cả, họ làm chủ, tự dựng nên sự nghiệp của mình. Nhưng thực sự là họ cũng chỉ muốn thỏa chí mà thôi, tuy nhiên chí hướng trong trường hợp này là làm giàu.
Vấn đề cuối cùng: Thời thế tạo anh hùng.
Thời nào cũng có anh hùng, chỉ có điều anh hùng mỗi thời mỗi khác, tùy theo thời thế mà anh hùng sẽ xuất hiện dưới dạng khác nhau. Ví dụ loạn 12 sứ quân đã sản sinh Đinh Bộ Lĩnh, có tài đánh dẹp. Thực dân đô hộ đã sản sinh ra Hồ Chủ Tịch để giải phóng dân tộc. Thời Đường thịnh trị sinh ra Thi tiên Lý Bạch. Chính sách không minh bạch đẻ ra Bùi Tiến Dũng có tài đục khoét, ăn chơi. Nước Mỹ coi trọng công nghệ nên mới có siêu tỷ phú Bill Gates. Thời bao cấp chúng ta ai cũng ngưỡng mộ cô mậu dịch viên hách dịch.
Người tài không được hình thành từ giáo dục-đào tạo đơn thuần, họ hình thành từ nhu cầu thực tiễn của thời đại, của cuộc sống. Giáo dục-đào tạo nói chung chỉ tạo ra những người giỏi ở mức thừa hành mệnh lệnh. Tài năng thực sự không có trường lớp nào đào tạo được. “Nothing worth learning that can be taught”, Oscar Wilde.
Vậy thì nếu chúng ta muốn có người tài để xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng và văn minh thì phải tạo ra các điều kiện thích hợp về chính trị, văn hóa, tư tưởng và pháp luật để nhân tài hình thành theo nhu cầu đó.
Phải chứng tỏ mình cần những tài năng thực sự để giải quyết các vấn đề cụ thể mà mình quan tâm và sẵn sàng trao quyền lực thực sự cho họ. Hay nói cách khác nếu bạn biết lắng nghe sẽ có người đến nói với bạn, nếu bạn là kẻ tham ô, người muốn tham ô sẽ đầu quân, còn nếu bạn cần người biết làm họ sẽ đến làm cho bạn.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông