Trong hơn 20 năm qua, đường lối Đổi mới và chính sách mở cửa của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước. Những thành tựu tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được rõ ràng có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, cũng như vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế – xã hội.
Hiện, một mô hình tổ chức mới hiện đang nổi lên như một sự lựa chọn thứ ba: DNXH Trên thế giới, DNXH đã trở thành một phong trào xã hội và có những chính sách khuyến khích, thúc đẩy DNXH trên quan điểm Nhà nước cần hợp tác và chia sẻ trách nhiệm cung cấp phúc lợi xã hội với các DNXH để đạt hiệu quả cao hơn. Cụ thể, Chính phủ Anh đưa ra khái niệm về DNXH và chiến lược phát triển DNXH từ năm 2002. Ở Châu Á, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật Phát triển DNXH từ năm 2007, trong đó, mối quan tâm lớn nhất của Hàn Quốc đối với DNXH là hiệu quả tạo việc làm đặc biệt trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Đối với Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, xu hướng tái cơ cấu, thắt chặt tài khóa, cắt giảm nợ công của Chính phủ, các vấn đề xã hội, môi trường ngày tăng và trở nên phức tạp. Việc phát triển các DNXH là rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Việt Nam. Có thể thấy, DNXH có nhiều ưu điểm tiềm năng, bắt nguồn từ bản chất không lợi nhuận và mục tiêu xã hội bền vững của mô hình này. DNXH thường được nhận diện như một mô hình lai giữa 2 loại hình tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận và doanh nghiệp.
Trong khi các nước đã có chiến lược phát triển DNXH, các DNXH Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh, cũng như một hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối. Thực tế, từ những năm 90, một số DNXH đã xuất hiện, tuy nhiên, nhận thức xã hội vẫn in đậm sự tách bạch giữa 2 loại hình doanh nghiệp vì lợi nhuận và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) không vì lợi nhuận, do đó, các DNXH chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô hạn chế. Thực tế, từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, dòng vốn tài trợ có xu hướng giảm, không ít tổ chức NGO đã chuyển đổi thành DNXH để tìm hướng đi mới cho mình.
Ông Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: “Ba năm qua đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của DNXH tại Việt Nam. Tuy nhiên, là một lĩnh vực mới, doanh nghiệp xã hội rất cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình tạo ra những ảnh hưởng tích cực, sâu rộng lên nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
Hiện nay, hiểu biết về DNXH ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình thành công. Ngoài ra, DNXH chưa được công nhận chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn…
Do đó, cần thiết phải phát triển DNXH như một mô hình kinh tế bền vững nhằm giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề xã hội và môi trường ngày một trở nên bức thiết. Đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc hợp tác thực hiện các mục tiêu xã hội và đồng thời hỗ trợ DNXH phát triển bằng việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận, và đề ra các chính sách cụ thể khuyến khích sự phát triển của mô hình này.
Cũng đánh giá cao mô hình này song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng: DN và Nhà nước không thể “bao sân” hết đến từng cá thể trong xã hội, đặc biệt là các nhóm nhỏ, do đó, việc ra đời DNXH là rất cần thiết, giúp bổ trợ, chia sẻ gánh nặng cho xã hội… chứ không thay thế được DNNVV.
Theo eFinance