Kiến thức Tài chính kế toán Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần đơn giản hóa thủ tục

Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần đơn giản hóa thủ tục

200
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamXung quanh gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng chính thức vừa được Chính phủ phê duyệt, bên cạnh những lo ngại về khó khăn cho ngân sách nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gói hỗ trợ, đặc biệt trong bối cảnh, nguồn ngân sách của Chính phủ có hạn đồng thời vẫn phải thực hiện những mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… thể hiện Chính phủ đã nắm bắt sát sao tình hình, sẵn sàng quan tâm chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, tạo dựng sự tin tưởng của các doanh nghiệp có thể trụ vững phát triển trong thời gian tới. Có nhiều ý kiến khác nhau từ phía doanh nghiệp như: có ý kiến về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ít ý nghĩa vì nhiều doanh nghiệp không có thu nhập, nhưng quan điểm hết sức quan trọng trong gói giải pháp này là gắn với việc giải quyết khó khăn nhất thời của doanh nghiệp với các giải pháp tiền tệ và yêu cầu về tái cấu trúc, việc hoãn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển, tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp vốn mạnh có thể mạnh hơn.

Đối tượng các doanh nghiệp được hưởng lợi không chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp được hưởng lợi ích trực tiếp mà các doanh nghiệp được hưởng lợi ích gián tiếp thông qua quan hệ mua bán đầu vào, đầu ra, do đó gói giải pháp này sẽ có tác động lan tỏa. Biện pháp lần này triển khai tương đối đồng bộ, trong đó có nhiều điểm liên quan đến giảm chi phí, hoãn giãn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Có thể nói, đây là thời điểm rất tốt đề rà soát lại, số lượng doanh nghiệp sẽ phải giảm xuống nhiều nhưng điều đó không hẳn lo ngại, quan trọng là nâng cao khả năng cạnh tranh thật sự của các doanh nghiệp.

Các giải pháp được đưa ra là đồng bộ, nhưng quá trình tổ chức thực hiện cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp sức kịp thời. Do đó, việc đẩy nhanh các giải pháp đề ra, đảm bảo công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục là vấn đề đặc biệt lưu tâm.

Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp gặp khó trong việc chi phí đầu vào cao và đầu ra gặp khó khăn, hàng tồn kho tăng mà nguyên nhân có thể do giá vốn cao, chi phí nguyên vật liệu cao, hoặc do quản trị doanh nghiệp yếu.

Về tạo đầu ra, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia…, nếu thực hiện tốt, thì áp lực về đầu ra của doanh nghiệp sẽ được giải tỏa.

doanh nghiệp cũng mong muốn được xem xét khả năng mở rộng phạm vi giảm, giãn hoặc hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt VAT, từ đó giảm giá, kích thích tiêu thụ, có thêm lực cầu, giải quyết hàng hóa tồn kho.

Tuy nhiên, dưới góc độ người đứng đầu cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc cũng cho rằng, điều quan trọng, doanh nghiệp cần phát huy nội lực của mình.

Bên cạnh đó, cần sớm thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa , để tạo ra nguồn vốn lớn hơn ủy thác các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vay, hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương cũng cần được mở rộng để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Việc Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ phát triển thị trường cho các doanh nghiệp cần triển khai tích cực hơn, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có công ăn việc làm, giải phóng tồn kho là hết sức đúng hướng.

Tuy nhiên, hiện nay, có hiện tượng nhiều dự án lớn đầu tư công, các đối tác nước ngoài là tổng thầu đưa nguyên vật liệu, lao động sang… Do đó, cần có các biện pháp có tính chất kỹ thuật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư công, mua sắm công.

Cần điều chỉnh lộ trình tăng các loại phí, các loại giá vật tư cơ bản đầu vào, giãn lộ trình tăng giá điện, than, xăng dầu…, tránh áp dụng thêm loại phí mới như phí để hạn chế phương tiện giao thông trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh những biện pháp với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Lộc cũng đề nghị cùng với quá trình cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện cho các dự án ảnh hưởng kinh tế xã hội, an sinh xã hộ tại các địa phương được đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hỗ trợ tín dụng. Cùng với hạ lãi suất, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đóng vai trò quan trọng. Kinh nghiệm trước đây, có nhiều lần áp dụng biện pháp trần lãi suất, hay hỗ trợ lãi suất nhưng không phải có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được.

Đề án 30 đã đưa ra những gói giải pháp, tuy nhiên doanh nghiệp trông đợi việc triển khai trên thực tế các giải pháp đó, để thực sự đảm bảo công khai minh bạch, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần sớm công bố sớm định hướng về tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là quá trình các doanh nghiệp định vị lại mình, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược đầu tư và quản trị. Khi có định hướng của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể xác định rõ hơn hướng đi, đảm bảo gắn kết những nỗ lực ngắn hạn để giảm chi phí, duy trì sản xuất với những nỗ lực dài hạn trong việc tái cấu trúc hướng tới cơ cấu kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo eFinance

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không