Kiến thức Marketing Franchise, giải pháp “mượn sức” cạnh tranh độc đáo

Franchise, giải pháp “mượn sức” cạnh tranh độc đáo

14
Nhiều chính phủ quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Anh, Singapore, Hàn Quốc tiếp tục dành những ưu tiên hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của khu vực tư nhân… Franchise (nhượng quyền thương mại) mang đến những lợi ích to lớn cho quốc gia với tư cách là nền kinh tế dịch vụ hướng xuất khẩu mang về ngoại tệ lớn và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội…
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa

Đây là một trong những chiến lược cạnh tranh “thông minh” dựa vào việc phát triển “tài sản vô hình”, giúp tạo ra sự khác biệt trong từng khâu của hệ thống kinh doanh, từ việc “đóng gói” các sản phẩm; nâng cấp thương hiệu; bảo vệ tài sản trí tuệ (IP), chuẩn hóa quy trình kinh doanh, “mượn sức” người khác để nhân rộng hệ thống và làm giàu.

Tham gia vào một hệ thống franchise có sẵn, đã thành công, giúp người mua franchise nhanh chóng làm chủ đơn vị kinh doanh với xác suất thành công cao hơn là tự họ thiết lập mô hình kinh doanh cho mình. Họ sẽ có cơ hội rút ngắn thời gian học hỏi bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh, thậm chí ngay cả khi họ chưa có kinh nghiệm kinh doanh trước đây.

Franchise, giải pháp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp SME trong nước

Hiện nay, nhiều hệ thống franchise quốc tế tiếp tục xâm nhập Việt Nam như một kênh xuất khẩu hiệu quả cùng với sự “tăng trưởng nóng” liên tục của hệ thống kinh doanh theo mô hình chuỗi “theo định hướng franchise” của doanh nghiệp trong nước, cho thấy ngành franchise đang trở thành xu hướng phát triển mới cho các SME như Phở 24, các chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opfood, Satrafoods, Shop & Go, Càphê Trung Nguyên, Highlands, Long Monaco, lẩu Kichi & Kichi, thời trang Foci, Unicol, Cơm tấm Thuận Kiều… Franchise đang thu hút sự xuất hiện của khá nhiều tên tuổi mới nổi do các bạn trẻ khởi nghiệp với điển hình các chuỗi các quán càphê như Urban Station, Effoc, Passio, Factory, Haki, Milano, Phúc Long, Buzz, La Fontaine, Trà sữa Tapiocup, Y5, A Lô Trà, Hoa Hướng Dương, Cơm tấm Mộc, Cơm tấm Cali, Bánh canh Bến Có, Bánh Mì Việt, Bánh mì Tuấn Mập… Một vài mô hình franchise nội địa đã được định giá và chuyển nhượng với giá trị rất cao, chẳng hạn mô hình Phở 24 đã được bán cho phía nước ngoài với giá trị 20 triệu USD.

Điều lý thú hơn là mô hình dịch vụ cao cấp mà các doanh nghiệp SME Việt Nam có thể “xuất khẩu” thương hiệu và hệ thống ra nước ngoài thành công mang ngoại tệ và tạo ra những thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp và quốc gia mà chúng ta đã từng chứng kiến như Phở 24, Càphê Trung Nguyên, Wrap & Roll… với cách làm tương tự như những tập đoàn và thương hiệu đa quốc gia lớn như KFC, McDonald’s, Starbucks… Chỉ riêng trong lãnh vực ăn uống, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển những chuỗi nhà hàng với nhiều phong cách ẩm thực đặc trưng khác nhau, sở hữu những ưu thế cạnh tranh riêng của cho nhiều món ăn đặc sản đa dạng và hấp dẫn của từng vùng miền tại Việt Nam. Hiệp định TTP sắp tới tiếp tục mở ra cánh cửa xuất khẩu dịch vụ “chất xám” dựa vào franchise – một ý định hoàn toàn khả thi cho các mô hình franchise “made in Vietnam”.

Các mô hình chuỗi của doanh nghiệp Việt Nam phát triển như thế nào?

Trong thực tế các doanh nghiệp trong nước hiện phát triển mô hình kinh doanh chuỗi mang tính tự phát, quy mô gia đình, quản lý theo kiểu tiện lợi, thiếu hiểu biết sâu sắc về quy trình phát triển hệ thống franchise, thiếu khả năng hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh, thiếu vốn, trình độ quản lý và kiểm soát hệ thống, thiếu kiến thức quản trị. Kết quả là số lượng hệ thống thực sự phát triển theo mô hình franchise toàn diện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi quy mô phát triển đến một mức độ nhất định từ trên 20, 30 điểm bán trở lên, đa số các mô hình đều dễ dàng “gãy đổ” hay tan rã, khó phát triển thành những hệ thống franchise lớn với tầm quốc tế như mong đợi ban đầu của các chủ thương hiệu.

Một đặc điểm quan trọng là các loại hình chuỗi như trên thường thiếu những ràng buộc chặt chẽ về cơ sở pháp lý, về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn quản trị, tính kiểm soát, tính nhất quán về thương hiệu, bên nhượng quyền cung cấp mức hỗ trợ hạn chế kể cả đào tạo nên các hệ thống phát triển với rủi ro cao, đặc biệt đầy bất lợi về bên nhận quyền trong khi pháp luật chưa đủ cơ sở và khả năng để bảo vệ quyền lợi của bên nhận quyền so với bên nhượng quyền.

Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ những gì để phát triển franchise

Thực tiễn hoạt động franchise tại các quốc gia phát triển và các quốc gia công nghiệp mới cho phép dự đoán rằng hoạt động này cũng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ các nước như Mỹ, Úc, Anh, Singapore, Hàn Quốc và gần đây là Thái Lan, Malaysia tiếp tục dành nhiều ưu tiên đặc biệt để phát triển ngành kinh tế dịch vụ này bằng việc xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ mạnh mẽ về khung pháp lý, về vốn, miễn giảm thuế, tư vấn phát triển, đào tạo và huấn luyện, chính sách ưu tiên hỗ trợ xuất khẩu.

Theo báo cáo nghiên cứu của hội đồng Nhượng quyền thương mại thế giới (WFC) Việt Nam hiện có khoảng 110 hệ thống franchise (hầu hết là quốc tế) đang hoạt động. Luật thương mại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1.2006 giúp thiết lập một khung pháp lý ban đầu cho việc quản lý các hoạt động nhượng quyền. Tuy nhiên, các hoạt động franchise của các công ty trong nước vẫn còn khá khiêm tốn về quy mô và tính chuyên nghiệp do chưa được định hướng, hỗ trợ và chuẩn bị các bước đi bài bản để phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, trước tiên các doanh nghiệp rất cần Chính phủ xây dựng chiến lược và chương trình hỗ trợ ngành franchise với định hướng phát triển lâu dài. Chương trình sẽ hỗ trợ nhu cầu tư vấn phát triển hệ thống franchise, đào tạo – huấn luyện. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý cần được định hướng ưu tiên hỗ trợ ngành franchise phát triển mạnh mẽ hơn từ việc tạo thuận lợi dễ dàng hơn trong việc thành lập doanh nghiệp, đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến việc hỗ trợ chính sách thuế cho mô hình phát triển franchise đối với các bên tham gia. Các doanh nghiệp cũng mong tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho khu vực tư nhân như quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vườn ươm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng doanh nhân trẻ khởi nghiệp… Việc hình thành các câu lạc bộ, hiệp hội ngành franchise cũng rất cần thiết để đáp ứng ngay nhu cầu tập hợp cộng đồng những người quan tâm hay đang tham gia kinh doanh theo hướng franchise từ đó kết nối, hợp tác và tạo những giá trị gia tăng khi liên kết nguồn lực với nhau.

Theo thế giới tiếp thị

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không