1.1 – Hàng năm các Doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt là các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đã đóng góp khoảng 35% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu). Hiện nay cả nước có 101 tập đoàn, Tổng công ty và 01 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con và đã cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp thành viên, hình thành tổ hợp doanh nghiệp đa sở hữu. Hiện tại, đã có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập, hầu hết dự trên nền tảng của các Tổng công ty 90, 91 có quy mô lớn về vốn điều lệ và tài sản, được thí điểm trong hầu hết các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
1.2 – Đối với khu vực tư nhân, hiện nay có một số nhóm doanh nghiệp tư nhân theo mô hình tập đoàn như: Công ty cổ phần FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Bitexco. Theo số liệu từ Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, tính đến nay đã có 673 doanh nghiệp sử dụng cụm từ “tập đoàn” và 241 doanh nghiệp sử dụng cụm từ “tổng công ty” trong đặt tên doanh nghiệp. Nhìn chung, quy mô của các doanh nghiệp này nhỏ hơn nhiều so với các doanh nghiệp khu vực nhà nước cả về vốn, lao động và doanh thu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này được đánh giá sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, năng động, sáng tạo, tạo nhiều việc làm mới, đổi mới khoa học công nghệ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
2. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động
2.1 – Quy định chung
Điều 149 Luật Doanh nghiệp số 60/205/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 quy định tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật Doanh nghiệp đã làm rõ hơn khái niệm về tập đoàn kinh tế như: tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có quy mô lớn, có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác, gắn bố lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con; tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty TNHH.
Các tập đoàn kinh tế thực hiện chế độ báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp, công ty mẹ lập báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty theo quy định của pháp luật về kết toán; Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hàng năm và Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của nhóm công ty (Bộ Tài chính có các quy định hướng dẫn cụ thể tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC và Thông tư số 23/2005/TT-BTC).
2.2 – Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước khung pháp luật về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước đã được hình thành theo phương thức thận trọng, từng bước, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” với việc ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh từng tập đoàn kinh tế nhà nước và thực hiện sơ kết sau 03 năm thực hiện thí điểm.
– Trong giai đoạn từ 2005 đến 2009, khung pháp lý cho tổ chức và hoạt động được ban hành dưới hình thức Quyết định Thủ tướng Chính phủ cho từng tập đoàn, bao gồm: Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế, Quyết định thành lập Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Quyết định phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động, Quyết định bổ nhiệm các thành viên HĐQT (sau này là Hội đồng thành viên khi các Công ty mẹ đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp) của Công ty mẹ. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với HĐQT các Tập đoàn kinh tế ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ.
– Ngày 05/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước quy định khá toàn diện các nguyên tắc, các quy định mang tính đặc thù từ mục tiêu thành lập, quy trình thành lập, quản lý điều hành đều quản lý giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước tạo tiền đè cho việc khắc phục nhiều tồn tạ, bất cập trong thời kỳ đầu thí điểm.
2.3 – Đối với khu vực tư nhân
– Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo nghiên cứu về tập đoàn kinh tế tư nhân; các Bộ, cơ quan liên quan đang nghiên cứu, có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các nhóm doanh nghiệp tư nhân theo mô hình tập đoàn. Tuy nhiên, các Tập đoàn kinh tế thuộc các thành phần kinh tế khác có thể vận dụng các quy định có liên quan của Nghị định số 101/2009/NĐ-CP để tổ chức và hoạt động.
– Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét về vấn đề quy định chung đối với việc đặt tên doanh nghiệp có cụm từ tập đoàn, tổng công ty gắn với một số tiêu chí nhằm thống nhất về vấn đề này với tất cả các thành phần kinh tế.
3. Đánh giá chung về thể chế, hành lang pháp lý cho các tập đoàn, tổng công ty
Việc thí điểm phát triển các Tập đoàn kinh tế Nhà nước có mục tiêu chính là “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân, có quy mô rất lớn về vốn, hoạt động cả trong nước và ngoài nước, có trình độ công nghệ cao và quản lý hiện đại, có sự gắn kết trực tiếp, chặt chẽ giữa khoa học công nghệ, đào tạo, nghiên cứu triển khải với sản phẩm kinh doanh.
Nghị định 101/2009/NĐ-NP đã quy định rõ hơn về xác định địa vị pháp lý và tên gọi của Tập đoàn kinh tế; Về tổ chức thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế; Về việc thực hiện kinh doanh đa ngành để bảo đảm các Tập đoàn kinh tế NN tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh chính đã được Nhà nước giao; Về việc tham gia của các thành phần kinh tế vào các Tập đoàn kinh tế NN; Việc các Tập đoàn kinh tế đầu tư thành lập và kiểm soát một số ngân hàng, sau đó sử dụng ngân hàng để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng của mình; Về việc đầu tư ngược trong Tập đoàn kinh tế.
Tuy nhiên, khung pháp lý về thí điểm thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý, giám sat Tập đoàn kinh tế NN có một số tồn tại:
3.1 – Chưa tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm, của Tập đoàn kinh tế NN: Khung pháp luật hiện hành liên quan đến Tập đoàn kinh tế NN gồm nhiều loại quy định khác nhau: (i) Quy định chung áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, bị chi phối bởi Luật Doanh nghiệp; (ii) Các quy định riêng về Tập đoàn kinh tế NN; (iii) quy định áp dụng chung cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
3.2 – Nhiều nội dung liên quan đến thành lập, quản lý điều hành, nguyên tắc quản lý giám sát của chủ sở hữu nhà nước chưa được quy định cụ thể, chi tiết hoặc chưa có hướng dẫn gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện cũng như tạo ra sự tùy tiện trong tổ chức thực hiện.
– Hầu hết quy định về điều kiện thành lập Tập đoàn kinh tế NN chưa được định lượng hóa, đồng thời vẫn có sự không rõ ràng giữa điều kiện để được thành lập và điều kiện để tồn tại là một Tập đoàn kinh tế NN trong quá trình hoạt động.
– Chưa có quy định về cơ chế tổ chức, phối hợp các đầu mối thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước, việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu và trách nhiệm của các cơ quan liên quan nên khó có thể phát hiện nhanh, kịp thời nhưng vấn đề của Tập đoàn kinh tế NN để điều chỉnh.
– Chưa có quy định về việc giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện.
3.3 – Một số quy định hiện hành chưa bao quát hết được phương thức thành lập Tập đoàn kinh tế NN, chưa phù hợp với thực tế và đặc thù của từng tập đoàn kinh tế nhà nước; quy định về mô hình tổ chức quản lý công ty mẹ Tập đoàn kinh tế NN chưa bao quát hết hình thức pháp lý của công ty mẹ (NĐ/101/2009/NĐ-CP chưa có quy định trong trường hợp công ty mẹ là công ty TNHH 1 TV do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối); quy định về cách đặt tên công ty mẹ cũng gây hiểu nhầm về địa vị pháp lý của tập đoàn.
4. Những kiến nghị, đề xuất
Hiện nay có 03 loại ý kiến về sự cần thiết phải ban hành quy định pháp luật riêng để điều chỉnh tổ chức và hoạt động đối với tập đoàn kinh tế là:
1. Không cần phải ban hành riêng quy định pháp luật để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động đối với các Tập đoàn kinh tế. Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan hiện hành đã đủ để điều chỉnh;
2. Cần thiết phải ban hành riêng quy định pháp luật để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động đối với các Tập đoàn kinh tế thuộc tất cả các thành phần kinh tế vì đây là một hình thức tổ chức liên kết doanh nghiệp mới so với các hình thức doanh nghiệp đã có từ trước đến nay;
3. Cần thiết phải ban hành riêng quy định pháp luật để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động đối với các Tập đoàn kinh tế nhưng chỉ đối với các Tập đoàn kinh tế NN để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn đầu tư tại các Tập đoàn kinh tế; còn đối với việc tổ chức và hoạt động của Tập đoàn kinh tế thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy dịnh pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, việc hình thành một khung pháp lý cho hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, không phân biệt thành phần kinh tế là thực sự cần thiết nhằm hỗ trợ các Tập đoàn kinh tế tổ chức và hoạt động ổn định, phát triển và lớn mạnh, phục vụ định hướng phát triển và chính sách tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước. Ngoài ra, do tính chất đặc thù thì cũng cần phải xem xét có các quy định riêng để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty cho phù hợp.
Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung thể chế, hành lang pháp lý cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty như sau:
4.1 – Sửa Luật doanh nghiệp theo hướng:
– Hoàn thiện khung khổ pháp luật về tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế và quản lý, giám sát của Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế;
– Bổ sung các quy định pháp lý liên quan đến cơ chế hoạt động tài chính, giao dịch thương mại nội bộ tập đoàn, Tổng công ty…
4.2 – Nghiên cứu ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP:
Những nội dung chủ yếu được sửa đổi, bổ sung bao gồm:
– Hoàn thiện các quy định về thành lập tập đoàn kinh tế nhằm hạn chế thành lập tràn lan và đảm bảo phương thức thành lập mang tính thị trường hơn.
– Hoàn thiện quy định về tổ chức, quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế.
– Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức quản lý công ty mẹ
– Cụ thể hóa các quy định về quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế.
– Xác định lĩnh vực, ngành nghề cần có tập đoàn cho phù hợp hơn
4.3 – Ban hành chuẩn mực kế toán, các biểu mẫu báo cáo, báo cáo tài chính hợp nhất, quy định minh bạch hóa và công khai giao dịch tài chính giữa doanh nghiệp thành viên. Ban hành nguyên tắc quản trị, minh bạch hóa thông tin trong tập đoàn.
4.4 – Có quy định về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển các nhóm doanh nghiệp tư nhân theo mô hình tập đoàn.
4.5 – Ban hành quy định về tiêu chí sử dụng cụm từ “tập đoàn”, “tổng công ty” trong đặt tên doanh nghiệp để tương xứng với quy mô của doanh nghiệp, góp phần làm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp.
“12 tập đoàn kinh tế hiện nay, gồm:
– Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam
– Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam
– Tập đoàn công ty tàu thủy Việt Nam
– Tập đoàn công nghiệp than và khoán sản Việt Nam
– Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam
– Tập đoàn dệt may Việt Nam
– Tập đoàn điện lực Việt Nam
– Tập đoàn tài chính Bảo Việt
– Tập đoàn viễn thông quân đội
– Tập đoàn hóa chất Việt Nam
– Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam
– Tập đoàn công ty xây dựng Việt Nam.
Theo Kinh tế tập đoàn