Kiến thức Tài chính kế toán Kiểm toán niêm yết, còn nhiều thách thức

Kiểm toán niêm yết, còn nhiều thách thức

417
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTrong thị trường chứng khoán việc minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp niêm yết , công ty đại chúng có vai trò quan trọng đến việc quyết định của nhà đầu tư. Nhà đầu tư không thể tự mình kiểm tra, đánh giá báo cáo tài chính của doanh nghiệp nên họ tự đặt trọng niềm tin vào các kiểm toán viên và công ty kiểm toán. Bởi vậy việc các Công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính cho các Doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc kiểm toán Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng năm 2012 có những thuận lợi và khó khăn sau:

1. Thuận lợi

Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 quy định các nội dung chặt chẽ hơn về điều kiện của kiểm toán viên hành nghề, điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Các quy định này hạn chế việc thành lập ồ ạt các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ và những trường hợp như kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề kiểm toán nhưng thực tế không hành nghề, không ký báo cáo kiểm toán… Từ đó, chất lượng dịch vụ kiểm toán sẽ được cải thiện.

Để được niên yết chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất – kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức… Do đó, những Doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thường là những công ty có kết quả hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp tốt. Ngoài ra, trước đây quy chế và quản trị công ty và điều lệ mẫu chỉ áp dụng cho Doanh nghiệp niêm yết, từ ngày 01/07/2011 được cho tất cả công ty đại chúng.

Các Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng là khách hàng thường xuyên của Công ty kiểm toán, khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên không chỉ dừng lại ở việc đưa ra ý kiến xác nhận đối với Báo cáo tài chính, Công ty kiểm toán còn giúp doanh nghiệp hoàn thiện hơn hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm khắc phục những điểm yếu mà kiểm toán viên nhận thấy trong quá trình kiểm toán.

Các Doanh nghiệp niêm yết luôn chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan có liên quan đặc biệt là vai trò của UBCKNN. UBCKNN đã yêu cầu các Doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện soát xét Báo cáo tài chính bán niên, đây là quy định phù hợp với thực tiễn đã làm giảm đi áp lực về thời gian cho Công ty kiểm toán.

Các Công ty kiểm toán và kiểm toán viên sau nhiều năm thực hiện dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là năm 2011 đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân khi kiểm toán Báo cáo tài chính cho các Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.

Những thuận lợi nêu trên đã giúp phần nào hạn chế rủi ro của các Công ty kiểm toán trong việc kiểm toán Báo cáo tài chính cho các Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.

2. Khó khăn

Hành lang pháp lý có nhiều hạn chế, một số nghiệp vụ thực tế phát sinh đã vướng mắc từ nhiều năm trước nhưng chưa được hướng dẫn như: Trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC trong trường hợp hầu như không có giao dịch;

Góp vốn bằng thương hiệu; ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa các công ty chịu sự kiểm soát chi phối của công ty nắm quyền kiểm soát… Một số văn bản đưa ra hướng dẫn chưa stas với tình hình thực tế, thậm chí trái với các văn bản đã ban hành, dẫn đến các doanh nghiệp có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất đối với cùng một vấn đề. Điển hình là việc xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ…

Sự cạnh tranh trên thị trường kiểm toán ngày càng gay gắt, điều này dẫn đến việc công ty kiểm toán phải giảm giá phí để có được khách hàng từ đó có thể dẫn đến việc KTV không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán làm hạn chế chất lượng kiểm toán.

Rủi ro về thị trường: do nền kinh tế trong nước nói riêng và quốc tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu bán hàng giảm, hàng hóa thậm luân chuyển trong khi lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng dẫn đến nhiều các Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng không hoàn thành kế hoạch đã đề ra, thậm chí có doanh nghiệp còn lỗ nặng khó có khả năng thanh toán. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp có những gian lận để “làm đẹp” báo cáo tài chính nhằm nhiều mục tiêu khác. Rủi ro này ảnh hưởng đến các Công ty kiểm toán là cao, vì trong nhiều trường hợp KTV đã thực hiện đủ các thủ tục theo quy trình và chuẩn mực, nhưng vẫn không thể phát hiện được hết các gian lận từ phía doanh nghiệp.

Kiểm toán viên thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng chịu áp lực rất lớn từ các nhà đầu tư, báo chí, UBCKNN… Đơn cử rất nhiều người biết kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính của Bông bạch tuyết và Dược viễn đông vì báo chí đã tốn nhiều giấy mực và thời gian để bình luận về sự việc này. Nhưng rất ít người biết kiểm toán viên thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính của VINASHIN mặc dù tác động của VINASHIN ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của khối tập đoàn kinh tế nói riêng và của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung trên thị trường vốn quốc tế.

Thực tế cho thấy một số Công ty kiểm toán xin đăng ký để được UBCKNN chấp thuận kiểm toán nhằm làm đẹp hồ sơ chào hàng, nhưng không muốn tham gia kiểm toán các Doanh nghiệp niêm yết vì xác định đây là lĩnh vực rủi ro cao.

3. Một số kiến nghị liên quan đến kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.


a. Đối với Bộ Tài chính (Bao gồm cả UBCKNN)

Để đảm bảo tính minh bạch trong Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng và quyền lợi của nhà đầu tư, Bộ Tài chính cần ban hành, sửa đổi một số các văn bản và nội dung sau:

– Cần có quy định thống nhất trong việc xử lý chênh lệch tỷ giá…

– Cần ban hành quy định việc trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC trong trường hợp hầu như không có giao dịch, góp vốn bằng thương hiệu, ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa các công ty chịu sự kiểm soát chi phối của công ty nắm quyền kiểm soát…

Bộ tài chính cần đẩy nhanh việc sửa đổi và hệ thông Chuẩn mực kế toán Việt Nam dự trên chuẩn mực lập và trình bày Báo cáo tài chính quốc tế hiện hành.

UBCKNN là cơ quan nắm rõ nhiều sai sót của Doanh nghiệp niêm yết và các công ty kiểm toán. Bởi vậy vào tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm, UBCKNN cần phối hợp với Vụ Chế độ kế toán kiểm toán – Bộ Tài chính, VACPA… tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm cho các công ty kiểm toán được UBCKNN chấp thuận để các công ty kiểm toán nhận rõ các hạn chế và có hướng khắc phục. Cũng trong hội thảo này UBCKNN cần đưa ra ý kiến về xử lý các trường hợp chưa có quy định hoặc quy định không thống nhất giữa các văn bản pháp quy để các công ty kiểm toán có hướng xử lý thống nhất tạo ra sự minh bạch trong Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Nội dung này đã được UBCKNN thực hiện tốt trong cuộc họp vào tháng 12 năm 2011 và đã có Công văn số 322/UBCK-QLPH ngày 4/2/2012 của UBCKNN về hướng dẫn một số vướng mắc trong xử lý kế toán, kiểm toán Báo cáo tài chính. Đây là hướng dẫn rất kịp thời cho mùa kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 giúp tháo gỡ một số vướng mắc về các hướng dẫn về chính sách tài chính kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp trong đó có các công ty đại chúng và công ty chứng khoán. Tuy nhiên về các vấn đề này, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cần phải giải quyết dứt điểm về các khác biệt trong các văn bản hướng dẫn và UBCKNN cũng cần tiếp tục phối hợp giải quyết các vướng mắc này.

b. Đối với doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng

Doanh nghiệp nên quyết định lựa chọn công ty kiểm toán có uy tín, chất lượng để thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, không nên đặt tiêu thức giá phí rẻ để lựa chọn công ty kiểm toán.

Doanh nghiệp nên yêu cầu kiểm toán viên phải giải trình trong đại hội cổ đông thường niên về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên trong Báo cáo tài chính.

Cần chủ động phối hợp với kiểm toán viên trong việc cung cấp hồ sơ, xử lý các vướng mắc và soát xét số liệu kế toán trước khi phát hành Báo cáo tài chính để hạn chế sự khác biệt giữa Báo cáo tài chính trước kiểm toán và Báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

c. Đối với các công ty kiểm toán

Công ty kiểm toán cần đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân viên, tăng cường ý thức cho nhân viên về việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khuyết khích nhân viên tham gia chương trình học lấy chứng chỉ kiểm toán quốc tế như ACCA, CPA Australia

Cần tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm toán, quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, bổ sung cập nhật đầy đủ kịp thời các nội dung theo quy định của chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán; Đồng thời phải thực hiện nghiêm túc các quy trình đã xây dựng.

Cần tăng cường chất lượng hồ sơ kiểm toán, thủ tục kiểm toán và các thủ tục soát xét chất lượng khi thực hiện kiểm toán Doanh nghiệp niêm yết. Công ty kiểm toán cần đưa ra quy định bổ sung các thành viên độc lập có trình độ chuyên môn cao thực hiện soát xét chất lượng cuộc kiểm toán trước khi phát hành báo cáo kiểm toán.

Theo VACPA

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không