Việc hạ lãi suất quá nhanh, trong khi với mức lạm phát hiện nay khoảng 14%, lãi suất ngân hàng lại hạ từ 14% xuống còn 12% thì lãi suất thực hưởng của người dân sẽ càng thấp hơn.
Do đó, triển vọng phát triển ngắn hạn có thể gặp những rủi ro nếu Chính phủ hạ lãi suất quá nhanh, dẫn đến việc thị trường ngoại hối mất ổn định. Các phân tích của ADB cho thấy, lãi suất thực hưởng từ các khoản tiết kiệm của người dân trong hơn một năm trở lại đây luôn bị âm do lạm phát cao hơn lãi suất.
“Sự ổn định về tài chính của Việt Nam hiện rất bấp bênh. Tâm lý của người dân Việt Nam hầu như không tin tưởng vào đồng nội tệ nên người dân vẫn đầu tư nhiều cho vàng, ngoại tệ để bảo vệ đồng vốn của mình. NHNN nên nới trần tăng trưởng tín dụng lên 18% để tạo nguồn lực dồi dào hơn cho nền kinh tế. Lãi suất VND cũng phải thực dương ở mức 1%-2%”- Ông Dominic Mellor, chuyên gia của ADB, nói.
Báo cáo của ADB dự báo, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,7% trong năm 2012, sau đó tăng lên 6,2% trong năm 2013. Lạm phát trung bình có thể giảm xuống mức sát dưới ngưỡng hai con số, với điều kiện các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ và được dự báo sẽ lại tăng lên 11,5% trong năm 2013.
Theo ông Dominic Mellor, ước tính đến cuối năm 2011, lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tương đương mức trước khủng hoảng kinh tế năm 2008. Trong quý I-2012, con số này đã đạt khoảng 17 tỷ USD, tăng khoảng 3,5 tỷ USD so với con số được IMF công bố vào giữa năm 2011.
Cùng ngày, bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng ANZ, cũng khuyến nghị NHNN cần phải cẩn trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như cắt giảm lãi suất. Động thái này của NHNN là hệ quả của những lo ngại về tăng trưởng. Còn Ngân hàng HSBC thì cho rằng việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt tín dụng, tuy nhiên, sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa.
Theo Tài chính điện tử