Phù hợp với thông lệ quốc tế
Ngày 19/1/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 05/QĐ-TTg về việc thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/4/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian thí điểm hoàn thuế sẽ diễn ra từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 30/6/2014.
Nhằm nhanh chóng đưa chính sách này đi vào cuộc sống, ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tọa đàm giới thiệu, làm rõ các vấn đề trong Quyết định này. Cụ thể, ngày 9/5/2012, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi toạ đàm triển khai Quyết định 05/2012/QĐ-TTg cho các doanh nghiệp (DN) phía Bắc. Trước đó, ngày 26/4, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức buổi toạ đàm tại TP.Hồ Chí Minh cho các DN phía Nam. Các buổi tọa đàm này đã giới thiệu chi tiết những thủ tục, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tất cả các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, những vấn đề về điều kiện, quy trình, thủ tục hành chính để các DN tham gia thực hiện thí điểm bán hàng hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài… được các DN quan tâm nhiều hơn cả.
Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, mục tiêu của việc thực hiện thí điểm hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam khi xuất cảnh là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện. Đặc biệc, việc thí điểm hoàn thuế GTGT không những nhằm hoàn thiện Luật Thuế GTGT mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt chương trình này, cần xác định rõ quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, DN bán hàng thí điểm, ngân hàng thương mại làm đại lí thí điểm, Kho bạc Nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan. Các chuyên gia và DN cũng đồng thuận với nhận định của Bộ Tài chính khi cho rằng, trong quá trình thực hiện cần thận trọng, có bước đi lộ trình thích hợp, phù hợp với với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam.
Những lợi ích thấy rõ
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt con số hơn 6 triệu lượt người, tăng 19,1% so với năm 2010. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2012, lượng khách quốc tế ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này cho thấy, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng và nếu chỉ cần số ít du khách này mua hàng tại Việt Nam, chắc chắc những lợi ích mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho DN Việt Nam không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sức mua trong nước ngày càng giảm, thị trường xuất khẩu khó khăn…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chủ trương hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài khi mua hàng tại Việt Nam sẽ rất “ích nước, lợi nhà” khi mang lại lợi ích cho cả 3 bên gồm Nhà nước, DN và người lao động. Theo đó, DN sẽ có điều kiện tăng doanh thu bán hàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, làm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, từ đó Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách. Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc thực hiện thí điểm hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam khi xuất cảnh sẽ góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ra nước ngoài, quảng bá văn hoá dân tộc và nhằm để khẳng định thêm với bạn bè quốc tế rằng chính sách pháp luật của Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với những chính sách của quốc tế…
Khẳng định rõ hơn nữa những lợi ích của nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói riêng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, tham gia bán hàng hoàn thuế GTGT là cơ hội để các DN bán được nhiều sản phẩm của mình, cơ hội quảng bá, giới thiệu rộng rãi hàng hóa của DN mình ra các nước. Bất kỳ DN nào đủ điều kiện đều được tham gia vào chương trình này.
Chia sẻ băn khoăn của doanh nghiệp
Tuy nhiên, tại các buổi tọa đàm diễn ra tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, không ít ý kiến và băn khoăn được nhiều DN đưa ra. Bà Vũ Thị Cẩm Tú, chủ DN hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội cho biết, hiện nay mức 2 triệu đồng để được hoàn thuế là khá cao. Chia sẻ điều này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đối với việc hoàn thuế được quy định là trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn mua tại 1 cửa hàng trong 1 ngày tối thiểu phải từ 2 triệu đồng trở lên, nếu không hạn chế số tiền tối thiểu, khi đó có thể dẫn đến trường hợp hoàn thuế không được bao nhiêu mà chi phí bỏ ra cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước không đủ bù đắp. Hơn nữa, qua nghiên cứu thông lệ của các nước, với mức 2 triệu trở đồng lên sẽ có hiệu quả cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước.
Một số DN cũng băn khoăn đến việc chi phí sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm do không thể tính toán được lượng hóa đơn cần in. Theo đó, nếu in quá nhiều thì nguy cơ lãng phí rất lớn trong khi nếu quá ít thì các nhà in sẽ không kí hợp đồng. Một số DN kiến nghị các cơ quan thuế nên bán hoá đơn cho các DN tham gia bán hàng nhằm tạo điều kiện giảm chi phí cho các DN. Tuy nhiên, các nhà quản lý cho rằng, theo xu thế về cải cách về hiện đại hoá ngành Thuế, việc in hoá đơn đã được giao cho các DN, do đó tuỳ theo khả năng, đề nghị các DN chủ động in hoá đơn cho phù hợp với tình hình khả năng kinh doanh của mình, nếu cơ quan quản lý lại in hoá đơn bán hàng cho DN thì tức là sẽ quay lại cơ chế cũ.
Bên cạnh đó, còn có một số băn khoăn khác như theo quy định khách mua hàng muốn mua hàng phải xuất trình hộ chiếu, nhưng nhiều khách du lịch không mang hộ chiếu khi đi mua hàng, do đó đề nghị khi mua hàng có thể không phải ghi số hộ chiếu vào hoá đơn hay tờ khai. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng điều này là không được vì hộ chiếu là cơ sở để biết đó có phải là khách du lịch nước ngoài hay không và cũng là để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Một số DN cũng cho rằng, thời gian thực hiện thí điểm 2 năm là khá lâu do vậy Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện chương trình này để sớm đi vào cuộc sống, được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi và để các DN được tham gia rộng rãi hơn… Bởi thực tế cho thấy, tính đến ngày 18/4/2012, dựa trên kết quả báo cáo của 46/63 cục thuế trong cả nước thì có đến 37 cục thuế báo cáo không có DN đủ điều kiện tham gia thí điểm, 09 cục thuế báo cáo có DN đủ điều kiện tham gia, với tổng số 189 DN, trong đó chỉ riêng Hà Nội chiếm đến 83 DN, TP.Hồ Chí Minh là 71 DN.
“Dồn lực” để thí điểm thành công
Ông Vũ Văn Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đối với việc triển khai thí điểm hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài, ngành Thuế được giao nhiệm vụ tuyên truyền và hỗ trợ cho các DN trực tiếp tham bán hàng. Theo đó, để thực hiện tốt việc thí điểm này, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tờ rơi, để có nhiều DN mạnh dạn tham gia đăng ký bán hàng. Các DN tham gia bán hàng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài sẽ được cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan trợ giúp trong việc thực hiện thí điểm. Đồng thời, cơ quan Thuế, Hải quan sẽ quảng bá, đăng tải tên và địa chỉ của DN tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT trên các trang thông tin điện tử của ngành, trên các chuyến bay của Vietnam Airline…
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng khẳng định nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện thí điểm hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài đạt kết quả tốt, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ có kế hoạch làm việc với các cơ quan có liên quan để từ đó xây dựng được các quy trình cụ thể. Chẳng hạn, cơ quan hải quan phải có quy trình kiểm tra, xác định việc hoàn thuế cho khách du lịch thế nào; cơ quan thuế phải xây dựng được quy trình công nhận, quy trình hoàn thuế, quyết toán thuế đối với DN ra làm sao?… Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc hoàn thuế, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước lựa chọn các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn tham gia thực hiện thí điểm. Tới đây, Tổng cục Hải quan cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao để khách du lịch quốc tế có thể nắm rõ được lợi ích từ chính sách này mang lại khi họ đến và mua hàng tại Việt Nam; phối hợp tuyên truyền, đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ thuế và hải quan nhằm tiến tới triển khai thực hiện chính sách này vào tháng 7/2012…
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để tạo được sự thành công từ chủ trương này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của DN bởi những lợi ích mà DN được hưởng là rất lớn. Theo đó, DN tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT phải có trách nhiệm đăng kí bán hàng đúng địa chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng kí bán hàng thí điểm. Căn cứ các thông tin trên hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh còn giá trị và hàng hóa người nước ngoài mua, DN lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế theo đúng số lượng, chủng loại, trị giá thực thanh toán theo mẫu hóa đơn quy định. Hiện nay, một số cửa hàng viết và chưa xuất hóa đơn theo đúng quy định, do vậy, trong đợt triển khai thí điểm này, cơ quan thuế sẽ hướng dẫn các cửa hàng thực hiện nghiêm túc và đúng quy định…
Hàng hóa được hoàn thuế GTGT phải là hàng hóa thuộc đối tượng chịu Thuế GTGT; chưa qua sử dụng; có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại một cửa hàng trong một ngày (kể cả cộng gộp nhiều hóa đơn mua hàng trong cùng một ngày) tại một cửa hàng tối thiểu từ 2 triệu đồng trở lên. |
Theo Tạp chí tài chính