Khẳng định năng lực của mình và được cấp trên đánh giá cao là thành công của một nhân viên. Và khi nhân viên đó được cất nhắc lên vị trí trưởng nhóm thì công việc sẽ khó khăn hơn nữa bởi ngoài việc khẳng định năng lực của bản thân, người trưởng nhóm đó phải làm sao để nhân viên trong nhóm đánh giá cao vai trò quản lý của mình.
Tình huống đầu tiên mà chương trình Chìa khóa thành công đặt ra là trong một buổi phân công công việc, người trưởng nhóm đã nhận một khối lượng công việc mới. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm lại phải đối không chịu làm bởi họ cho rằng người trưởng nhóm của mình đã nhận phần công việc nặng và khó khăn hơn so với các nhóm khác trong khi mức lương thưởng thì như nhau.
Đặt mình vào vị trí của người trưởng nhóm này, anh Nguyễn Vĩnh Hoàng – Quản lý dự án Công ty FPT Online cho biết: “Khi các nhân viên của em đã có khối lượng công việc đủ nhiều và họ không muốn nhận thêm công việc thì việc đầu tiên em sẽ làm là họp nhóm và đưa ra câu hỏi: Mọi người làm việc để làm gì? Làm việc để thành công chứ không phải làm việc để có việc, nếu chỉ làm việc để có việc chúng ta sẽ không thể thành công được. Chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là những người nhân viên và không thể thăng tiến được. Muốn thành công thì khối lượng công việc là khó khăn bắt buộc phải vượt qua. Chỉ có một khó khăn trong công việc này thôi mà các bạn đã nhụt chí thì sẽ phải làm thế nào để thành công được trong mai sau?”.
Anh Hoàng cũng khẳng định: “Khi trình độ được nâng cao, lãnh đạo sẽ đánh giá năng lực tốt, hoàn thành công việc tốt, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta được tăng lương và được thêm một số ưu đãi khác”. Trong trường hợp nếu nhân viên vẫn tiếp tục phản đối thì không chỉ hiện tại mà cả công việc sắp tới anh Hoàng sẽ giao cho những nhân viên có trách nhiệm khác hơn là những nhân viên chỉ muốn “an phận”.
Ông Phạm Hồng Hải – Ủy viên Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc có đặt ra câu hỏi:“Trong một doanh nghiệp có cần một nguyên tắc là thực hiện nguyên tắc mệnh lệnh và phục tùng hay không?” Trả lời câu hỏi này, anh Hoàng cho rằng, tuỳ vào trường hợp từng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có công việc cơ bản không thay đổi nhiều thì việc đó là hoàn toàn xác đáng, nhưng nếu công việc mà cần có sự trao đổi, tiếp thu từ dưới lên, có sự trao đổi 2 chiều giữa lãnh đạo và nhân viên thì lên bàn bạc những mức làm việc hợp lý.
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi nhóm khi phải làm thêm giờ vì khối lượng công việc quá nhiều như ông Sherka Mundlay – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Công ty Pepsico Việt Nam đã đặt ra, anh Hoàng khẳng định: Việc đầu tiên người trưởng nhóm phải làm đó là bảo vệ quyền lợi cho nhân viên của mình một cách tối đa. “Em sẽ căn cứ theo quy định làm ngoài giờ của công ty để tăng thêm thu nhập cho nhân viên. Nếu công ty chưa có quy định đó thì em sẽ yêu cầu lãnh đạo có chế độ bồi dưỡng hoặc phụ cấp cho nhân viên làm thêm giờ để nhân viên có thể làm việc một cách nhiệt tình cũng như việc chăm sóc khách hàng sẽ chu đáo hơn”.
Nhận xét về phần ứng xử trong tình huống này của anh Hoàng, ông Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch chi hội Marketing Việt Nam khẳng định: Đây là một tình huống rất phổ biến nhưng cũng rất khó. Khi các bạn từ một nhân viên chuyển lên làm ở cấp độ trưởng nhóm. Phần xử lý tình huống của Hoàng xuất sắc ở chỗ cách động viên, khuyến khích nhằm tạo động lực cho anh em làm việc và bản thân bạn cũng lao vào cùng làm.
Ông Phạm Hồng Hải – Uỷ viên Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc cho rằng: Trưởng nhóm như một mắt xích nối những nhân viên bình thường với cấp trên là trưởng phòng và cao hơn nữa là ban lãnh đạo, giám đốc. Vì vậy, trong trường hợp các nhân viên của mình chưa hiểu mình thì mình phải thuyết phục họ, khẳng định vai trò của mình. Nếu không có sự điều hành của trưởng nhóm thì công việc sẽ không thể hoàn thành được.
Ông Sherka Mundlay – Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Công ty Pepsico Việt Nam khẳng định: Với tư cách là một nhà quản lý đã được cấp trên chỉ định ở vị trí này, các bạn phải chứng tỏ được khả năng của mình và giành được sự tin tưởng của các thành viên trong nhóm. Điều này phải được thực hiện bằng công việc, tác phong và các ứng xử của bạn với các thành viên trong nhóm.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông