Việc bạn đang kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng sẽ quyết định mức độ giàu có của bạn sau này. Do vậy, việc thương lượng và phấn đấu thế nào để bạn kiếm được một mức lương tương đối so với công sức mà bạn đã bỏ ra sẽ là điều cần xem xét.
Theo chuyên gia tư vấn tài chính Dawn Rapoport, dưới đây là 6 sai lầm khiến bạn khó được tăng lương dù bạn luôn cố gắng hết mình.
Không đòi hỏi
Theo kết quả khảo sát mới đây của Careerbuilder – mạng lưới nghề nghiệp lớn nhất thế giứi, có tới 59% công nhân chưa bao giờ đòi hỏi tăng lương. Bên cạnh đó, phụ nữ đòi tăng lương ít hơn nam giới.
Đồng thời, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, 2/3 số người lao động đòi tăng lương ít nhất một lần và tỷ lệ thành công với cả nam giới và nữ giới tương đương nhau.
Do đó, nếu bạn không chủ động đòi hỏi mà chỉ chờ ông chủ “tự” tăng lương cho bạn thì sẽ không có điều đó xảy ra đâu. Ngay cả khi ông chủ nhìn thấy rõ khả năng và hiệu quả công việc của bạn, họ cũng thấy không nhất thiết phải tăng lương cho bạn khi bạn không hề có đòi hỏi.
Farnoosh Torabi, một chuyên gia tài chính cá nhân và là người đã thương lượng để tăng lương của mình lên gấp đôi khi mới 26 tuổi cho biết: “Bạn phải chủ động và đòi hỏi những gì bạn muốn. Bạn không chỉ nhận được thành quả từ sự xứng đáng, mà từ thương lượng”.
Đòi hỏi quá sớm
Một nghiên cứu khác cho thấy, 40% số người lao động nghĩ rằng họ xứng đáng được tăng lương, thăng chức sau 2 năm làm việc ở một công ty bất kỳ. Tuy nhiên, theo triệu phú tự thân Sophia Amoruso, người đã gây dựng Nasty Gal thành một công ty triệu đô cho biết, bạn cần phải nỗ lực thực sự trước khi đòi tăng lương.
4 tháng chưa đủ. 8 tháng vẫn còn là khoảng thời gian quá ngắn để chứng tỏ hết năng lực của bạn. Hãy cố gắng hết sức mình, làm tất cả những công việc bạn có thể làm việc; thậm chí kể cả những việc không phải của bạn; sau đó hãy yêu cầu tăng lương với sếp.
Không có sự chuẩn bị
Yêu cầu tăng lương đối với các nhà quản lý thực sự là một trận chiến. Bạn không thể chỉ chạy vào phòng sếp và nói “Em muốn tăng lương” là được. Hãy chuẩn bị kỹ những thành tích mà bạn đã đạt được, kỹ năng, chuyên môn của bạn.
Đồng thời, bạn cũng phải tham khao thang lương trung bình hoặc lương của các đồng nghiệp ở vị trí tương tự tại các công ty khác để biết mức độ yêu cầu của mình là cao hay thấp. Tóm lại, bạn cần phải “biết người biết ta”!
Không biết mình muốn gì
Cũng như làm giàu, nếu muốn tăng lương, bạn phải thiết lập mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Hãy suy nghĩ thật kỹ xem bạn xứng đáng nhận được mực lương như thế nào, sau đó so sánh với mức lương mong muốn của bạn; cuối cùng là lên danh sách những việc cần làm để đề xuất tăng lương.
Không dám nghỉ việc
Theo Lee E. Miller – đồng tác giả của cuốn sách “A Woman’s Guide to Successful Negotiating”, việc bạn không dám nghỉ việc chính là một điểm yếu khiến bạn khó xin tăng lương.
“Nếu đã muốn tăng lương, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một lá đơn xin nghỉ việc trước khi vào gặp sếp. Hãy chỉ ra cho anh ta thấy rằng, bạn xứng đáng được tăng lương và nếu không được tăng bạn sẵn sàng rời bỏ công việc. Hoặc là sếp bạn sẽ phải chấp nhận tăng lương, hoặc là bạn sẽ ra đi và tìm một chỗ làm trả lương xứng đáng hơn” – Lee E. Miller chia sẻ.
Luôn đòi hỏi sự công bằng
Cuộc sống vốn không công bằng, do đó thay vì đòi hỏi sự công bằng, bạn hãy tập làm quen với sự không công bằng. Bạn đừng cố thuyết phục sếp rằng, bạn cần được tăng lương vì như thế mới công bằng. Khái niệm công bằng không hề có ý nghĩa khi mà bạn chẳng chứng minh được năng lực cũng như thành tích thực sự của mình.
Nếu bạn nói “Lương của tôi hiện tại khá thấp, như vậy là không công bằng”, điều này sẽ chẳng có ý nghĩa gì với các nhà quản lý bởi họ không phải là những vĩ nhân chỉ đi tìm công bằng cho thế giới.
Thay vào đó, bạn hãy nói rằng: Tôi đã cố gắng hết sức mình trong suốt những năm vừa qua; các dự án tôi tham gia đều đã hoàn thành; tôi đạt được thành tích x, y, z… Chắc chắn sếp của bạn sẽ biết rằng bạn là một nhân viên tài năng đã có nhiều đóng góp cho công ty và họ sẽ không để mất bạn.
Theo Trí Thức Trẻ/B.I