Kiến thức Tuyển dụng Những điều cần biết để dễ dàng tìm việc trong ngân hàng

Những điều cần biết để dễ dàng tìm việc trong ngân hàng

6
Làm thế nào để có một công việc tốt trong ngân hàng với bối cảnh hiện nay số lượng người thất nghiệp ngày càng tăng, trong đó cứ 100 người thất nghiệp thì có tới gần 18 người là cử nhân và thạc sĩ?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam hiện đang có một xu hướng học càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Theo bản tin thị trường lao động quý 1/2016 của Bộ LĐ, TB&XH, nhóm đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp là 3,93%; Nhóm không có chuyên môn bằng cấp lại chỉ có tỷ lệ thất nghiệp là 1,75%.

So với các ngành nghề khác, ngân hàng hiện nay vẫn được đánh giá là một ngành nghề “hot” nhưng do đào tạo quá nhiều, cung vượt quá cầu trong khi hệ thống đang trong giai đoạn tái cấu trúc, lành mạnh hóa hệ thống, nên khả năng xin việc làm tại các ngân hàng khá khó khăn. Trong khi đó, cứ tháng 5, tháng 6 hàng năm, thị trường lại đón nhận thêm hàng chục nghìn sinh viên ra trường.

Mặc dù, nhiều ngân hàng cũng đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng ồ ạt. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông thạo các kỹ năng săn việc. Dưới đây là một số gợi ý giúp các ứng viên vận dụng để có cơ hội đạt được công việc mơ ước.

Mùa tuyển dụng và cuộc thi sinh viên tiềm năng

Mùa tuyển dụng của các ngân hàng diễn ra rải rác trong năm nhưng tập trung nhất là vào cuối mùa hè và mùa thu, vì thời điểm này sinh viên ra trường đông. Website ub.com.vn – Cộng đồng Ngân hàng và nguồn nhân lực, hoặc chính các fanpage của ngân hàng là nơi mà ứng viên có thể dễ dàng theo dõi lịch các đợt tuyển dụng.

Ngoài ra hãy tích cực tham gia các cuộc thi tìm kiếm sinh viên tiềm năng. Thùy Dung là một trong những sinh viên xuất sắc thể hiện tài năng trong cuộc thi Nhà ngân hàng tương lai – một cuộc thi thường niên của trường Học Viện Ngân hàng tổ chức. Với những gì thể hiện trong cuộc thi đã khiến các đại diện ngân hàng tham dự phải chú ý đến cô sinh viên tài năng này. Kết quả là, vừa tốt nghiệp, Dung đã tìm cho mình một vị trí tốt trong ngân hàng mà không cần phải thi tuyển và chờ đợi quá lâu.

Tận dụng các mối liên hệ

Chìa khóa để bước vào cánh cổng ngân hàng chính là các mối liên hệ. Nếu không may mắn có được điều này, thì các bạn sinh viên nên bắt đầu tham gia vào các hội thảo do chính các ngân hàng liên kết với các đơn vị tổ chức, hãy thế hiện cái tôi của mình cũng như kết quả học tập xuất sắc trên đống hồ sơ của nhà tuyển dụng.

Đại diện tuyển dụng của một ngân hàng cổ phần cho biết không chỉ những sinh viên mới ra trường mà ngay cả những sinh viên còn đang theo học chưa tốt nghiệp, nên chủ động tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay từ trong quá trình học tập, tham gia các hội thảo nghề nghiệp và tích cực trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc công sở.

Một hướng khác là luôn giữ liên lạc với nơi đã thực tập. Sau khi kết thúc kỳ thực tập, các bạn sinh viên nên gửi email hoặc thư cảm ơn đến cơ quan đã thực tập để họ hiểu thái độ thiện chí, tinh thần làm việc chuyên nghiệp và rất có thể sau này sẽ có cơ hội được nhận vào làm việc chính thức hơn các ứng viên xa lạ khác. Những kiến thức và kỹ năng mà sinh viên đã rèn luyện từ kỳ thực tập sẽ giúp rất nhiều trong công việc, ít nhất là sinh viên đã quen với môi trường làm việc tại đó được một thời gian nhất định.

Headhunter có dễ?

Thuật ngữ Headhunter (chuyên gia săn đầu người) đã trở nên quen thuộc hơn với những người tìm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm việc hiệu quả với những headhunter này.

Anh Trần Lê Công, Trưởng phòng tại một ngân hàng cổ phần cho biết anh thậm chí còn chưa đủ “duyên” với headhunter.

Còn theo anh Kiều Văn Hùng, chuyên viên Khối Treasury ngân hàng MB cho biết: “Sự thật là Headhunter sẽ không để ý đến các bạn cấp thấp cỡ Junior mà sẽ chỉ để ý đến các vị trí cao cấp hơn như Senior. Vì vậy, cách thức dùng Headhunter thì bạn phải ở một đẳng cấp cao chứ không thể nào là đẳng cấp thấp được.”

Anh ví von vui rằng,việc đi tìm vị trí “ngon” giống như đi lấy vợ vậy. Họ không bao giờ công bố một cách công khai là chúng tôi đang cần tuyển người như thế này mà hầu hết là giới thiệu nhau trong nghề, chắt lọc ngay từ đầu. Ngay ví dụ từ bản thân, anh Hùng cho biết anh cũng đã cần thông qua nhiều mối quan hệ từ bạn bè trong trường đại học, các thầy cô ở các lớp bên ngoài, cộng đồng học CFA ở Việt Nam rồi vô số các diễn đàn khác nhau.

Như vậy, có thể nói rằng trong môi trường ngân hàng, với mức độ tuyển chọn gắt gao, mức độ đào thải lớn, nếu muốn có được công việc bằng chính năng lực của bản thân, những người săn việc ngoài năng lực sẵn có còn cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng tổng hòa và biết nắm bắt thời cơ.

Theo Trí thức trẻ/CafeF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không