Loại tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có, tình hình biến động tăng, giảm tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.
Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là những tài sản thuộc quyền sở hữu và quản lý của doanh nghiệp, có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi vốn trong một kỳ kinh doanh hoặc trong một năm. Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp có thể tồn tại dưới hình thái tiền, hiện vật (vật tư, hàng hoá), dưới dạng đầu tư ngắn hạn và các khoản nợ phải thu.
Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp bao gồm: Vốn bằng tiền; Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn; Các khoản phải thu; Hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác.
Thuộc loại tài khoản này còn bao gồm tài khoản chi sự nghiệp.
HẠCH TOÁN LOẠI TÀI KHOẢN NÀY CẦN TÔN TRỌNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH SAU
1. Kế toán các loại tài sản thuộc tài sản ngắn hạn phải tuân thủ các nguyên tắc đánh giá giá trị quy định cho từng loại tài sản: Vốn bằng tiền, đầu tư ngắn hạn, các khoản phải thu, các khoản tạm ứng, các khoản cầm cố, ký cược, ký quỹ ngắn hạn, hàng tồn kho. . .
2. Đối với các loại tài sản ngắn hạn thuộc nhóm đầu tư ngắn hạn, các khoản nợ phải thu, hàng tồn kho được đánh giá và phản ánh giá trị trên các tài khoản kế toán theo giá gốc. Cuối niên độ kế toán, nếu giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thấp hơn giá gốc thì được lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, đối với các khoản phải thu đã được phân loại là khoản nợ phải thu khó đòi hoặc có khả năng không thu hồi được thì được lập dự phòng phải thu khó đòi.
Khoản dự phòng giảm giá, dự phòng phải thu khó đòi không được ghi trực tiếp vào các tài sản ngắn hạn mà phải phản ánh trên một tài khoản riêng (Tài khoản dự phòng) và được ghi chép, xử lý theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.
Tài khoản dự phòng giảm giá, dự phòng phải thu khó đòi về tài sản ngắn hạn được sử dụng để điều chỉnh giá trị ghi sổ kế toán của tài sản ngắn hạn nhằm xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của các tài sản ngắn hạn trên Bảng Cân đối kế toán.
Loại tài khoản Tài sản ngắn hạn có 24 tài khoản, chia thành 6 nhóm:
Nhóm Tài khoản 11 – Vốn bằng tiền, có 3 tài khoản:
– Tài khoản 111 – Tiền mặt;
– Tài khoản 112 – Tiền gửi Ngân hàng;
– Tài khoản 113 – Tiền đang chuyển.
Nhóm Tài khoản 12 – Đầu tư tài chính ngắn hạn, có 3 tài khoản:
– Tài khoản 121 – Đầu tư chứng khoán ngắn hạn;
– Tài khoản 128 – Đầu tư ngắn hạn khác;
– Tài khoản 129 – Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn.
Nhóm Tài khoản 13 – Các khoản phải thu, có 5 tài khoản:
– Tài khoản 131 – Phải thu của khách hàng;
– Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ;
– Tài khoản 136 – Phải thu nội bộ;
– Tài khoản 138 – Phải thu khác;
– Tài khoản 139 – Dự phòng phải thu khó đòi.
Nhóm Tài khoản 14 – Ứng trước, có 3 tài khoản:
– Tài khoản 141 – Tạm ứng;
– Tài khoản 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn;
– Tài khoản 144 – Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
Nhóm Tài khoản 15 – Hàng tồn kho, có 9 tài khoản:
– Tài khoản 151 – Hàng mua đang đi trên đường;
– Tài khoản 152 – Nguyên liệu, vật liệu;
– Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ;
– Tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang;
– Tài khoản 155 – Thành phẩm;
– Tài khoản 156 – Hàng hoá;
– Tài khoản 157 – Hàng gửi đi bán;
– Tài khoản 158 – Hàng hoá kho bảo thuế;
– Tài khoản 159 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Nhóm Tài khoản 16 – Chi sự nghiệp, có 1 tài khoản:
– Tài khoản 161 – Chi sự nghiệp.
Theo Nice Accounting