Ở bất kỳ môi trường công sở nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những kiểu người như sau: Các anh chàng luôn lang thang khắp nơi, đùa cợt với mọi người nhưng chẳng bao giờ làm bất kỳ một công việc cụ thể nào cả. Một nữ nhân viên đang gọt giũa móng tay trong giờ làm việc dù nhiệm vụ lẽ ra cô ấy phải làm là gõ văn bản báo cáo.
Những đồng nghiệp trong cùng công ty gắn cho những người kể trên mác “lười biếng” và tỏ ra bức xúc bởi họ không làm công việc mình được giao. Trong trường hợp đó, đa phần các chủ doanh nghiệp nhanh chóng tìm cách thay thế những người này.
Tuy nhiên, có một thực tế là những nhân viên lười biếng có thể phục vụ một mục đích vô cùng quan trọng.
Là một nhà lãnh đạo, bạn hãy cân nhắc tới kiểu nhân viên “chú hề” – những người luôn hướng ngoại, cởi mở và khiến mọi người trong văn phòng cười thay vì làm công việc được giao.
Nếu đo đếm bằng những tiêu chuẩn thông thường, rõ ràng những người này có năng suất thấp khủng khiếp và làm việc không hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế họ lại là những người giúp tinh thần của những nhân viên khác luôn ở mức cao và khiến họ có động lực để đi làm mỗi ngày.
Vì vậy, thay vì gắn cho những người này mác “lười biếng”, một nhà lãnh đạo giỏi nên nhận ra những kỹ năng đặc biệt của những người này và chuyển họ tới vị trí phù hợp hơn với cá tính.
Trong lĩnh vực bán lẻ là một ví dụ, những kiểu người “vô tư lự” như vậy có thể là thảm họa trong việc sắp xếp lại sản phẩm trên các kệ hàng nhưng lại là người hoàn hảo để tương tác với khách hàng. Nếu để người này đứng ở quầy bán hàng, các khách hàng có thể vui vẻ khi mua hàng và điều đó khuyến khích họ mua nhiều hơn và thậm chí quay lại.
Ngoài ra, đôi lúc những nhân viên làm việc chăm chỉ với cường độ cao cả ngày sẽ có ít thời gian để ngừng lại và xem xét tới các vấn đề của một bức tranh lớn.
Nếu có dịp xem bộ phim “The Martian”, bạn sẽ thấy rằng các nhà khoa học NASA đã cố gắng tìm mọi cách để đưa thức ăn cho một phi hành gia bị mắc kẹt trên sao Hỏa. Tuy nhiên đội ngũ những người tài năng này đã không thành công. Giải pháp cuối cùng lại tới từ một anh chàng dành cả ngày bên chiếc máy tính từ một văn phòng làm việc xa xôi và bừa bộn.
Nhân viên lười biếng nên để “dự trữ”
Nghiên cứu gần đây chỉ ra những nhân viên lười còn để phục vụ một mục đích khác.
Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng ở bất kỳ thời điểm nào, khoảng một nửa số kiến trong đàn được nghỉ ngơi thư giãn. Thậm chí khi quan sát qua thời gian, khoảng 20 – 30% số kiến hầu như không làm gì cả.
Tuy nhiên, những chú kiến lười biếng này lại giúp thuộc địa của chúng vững vàng hơn bằng cách cung cấp nguồn dự phòng thay thế những con kiến chết hoặc mệt mỏi. Bất cứ khi nào cần thiết, những chú kiến vô tích sự này có thể đứng dậy và làm việc.
Con người cũng tương tự như vậy. Rất nhiều bố mẹ kinh ngạc khi những đứa con vốn cẩu thả của họ đi học đại học và sống trong căn phòng ký túc xá hết sức gọn gàng. Nói chung một khi không có ai hỗ trợ, giúp đỡ đằng sau, chúng sẽ phải tự lực cánh sinh.
Đứng trên phương diện tư vấn trải nghiệm khách hàng, những nhân viên dư thừa có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu nhân viên có thể ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm của khách hàng.
Nếu một công ty có quá ít nhân viên, khách hàng có thể không nhận được sự chú ý như họ cần. Nếu nhân viên phải làm việc quá tải và mệt mỏi, khách hàng cũng sẽ có cảm giác tiêu cực.
Dĩ nhiên, một vài nhân viên thực sự lười biếng và nên bị sa thải. Tuy nhiên trước khi đưa ra kết luận đó, các nhà lãnh đạo có thể cân nhắc xem liệu nhân viên này có kỹ năng đóng góp cho công ty theo một cách khác hay không. Hoặc một số người có đủ tiêu chuẩn để làm “dự bị” bởi họ có thể sẵn sàng làm việc bất cứ khi nào cần thiết.
Theo Trí Thức Trẻ/Linkedin