Kiến thức Tuyển dụng Vì sao muốn vào ngân hàng lớn cần có bằng chính quy

Vì sao muốn vào ngân hàng lớn cần có bằng chính quy

6
Ngoài ngoại hình ưa nhìn, chiều cao lý tưởng như người mẫu thì một trong những yêu cầu khắt khe nữa với các ứng viên vào một số ngân hàng đó là phải học chính quy.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Với những khó khăn của nền kinh tế và áp lực xử lý nợ xấu, nghề ngân hàng hiện đã giảm sức hấp dẫn hơn trước vì những gánh nặng về chỉ tiêu, thời gian và mức lương không còn “trên trời”. Tuy nhiên so với nhiều ngành khác, nghề ngân hàng vẫn giữ được “đẳng cấp” của mình, vẫn là một trong những nghề “hot” nhất.

Để vào được ngân hàng, dù ở vị trí nào đi chăng nữa thì các ứng viên cũng đều phải đáp ứng những tiêu chí hết sức khắt khe của các nhà băng, từ hình thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho đến học vấn…

Về hình thức, ở các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là bộ phận phải tiếp xúc thường xuyên với khách hàng (front office), đều yêu cầu ứng viên nữ phải cao 1m56 trở lên (một số ngân hàng yêu cầu tối thiểu 1m60) và nam cao 1m65 trở lên.

Theo giám đốc tuyển dụng của ngân hàng S., hình thức đẹp, đồng đều sẽ giúp tạo phong cách chuyên nghiệp và thu hút khách hàng hơn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đều phải cạnh tranh nhau khốc liệt như hiện nay. Trên thực tế, nhiều khách hàng cho biết, khi đến ngân hàng, nếu các cán bộ ở đó nhìn “đẹp mã”, có thái độ nhẹ nhàng, hòa nhã thì người dùng dịch vụ cảm thấy thoải mái hơn và muốn quay trở lại ngân hàng hơn trong những lần tiếp theo.

Về kinh nghiệm, nếu như các đơn vị tuyển dụng đều ưu tiên những người có kinh nghiệm thì ngân hàng lại đòi hỏi hơn cả thế. Bởi lẽ hoạt động ngân hàng, tài chính yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, các thao tác phải thuần thục, nếu chưa có kinh nghiệm thực tế thì ngân hàng không thể nào giao phó công việc của họ cho người chưa biết gì. Khi tuyển dụng người mới vào, các nhà băng đều phải tốn kém thời gian và tiền bạc cho việc đào tạo, thường từ vài tháng đến cả năm trời.

Còn về học vấn, ở nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực không coi trọng học vấn, bằng cấp, miễn là ứng viên đó làm được việc. Nhưng trong lĩnh vực ngân hàng thì gần như ngược lại. Để trúng tuyển, các ứng viên hầu hết là những sinh viên tốt nghiệp sáng giá từ các trường liên quan đến tài chính, kinh tế, ngân hàng,

Thậm chí có những ngân hàng chỉ chấp nhận các trường hợp học chính quy, còn những người học tại chức hoặc liên thông thì hầu như không có cơ hội. Chẳng hạn như Vietcombank trong một thông báo mới đây cho biết, ngay trong tháng 6 này, ngân hàng có nhu cầu tuyển tuyển 642 chỉ tiêu cho 92 chi nhánh, song chỉ nhận các hồ sơ ứng viên tốt nghiệp hệ chính quy tập trung. Công ty quản lý tài sản VAMC thuộc Ngân hàng Nhà nước trong các đợt tuyển dụng cũng đòi hỏi phải có bằng chính quy dài hạn tập trung. Hay như tuyển dụng chuyên viên của BIDV còn đòi hỏi ứng viên học đại học chính quy, tập trung, công lập…

Đem câu hỏi vì sao ngân hàng lại ưu tiên học chính quy đến vậy tới một vị chuyên gia tài chính ngân hàng đang giảng dạy tại trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, vị tiến sĩ cho biết câu chuyện đào tạo của Việt Nam xưa nay vẫn là giai đoạn cải tổ và tái cấu trúc, chưa bao giờ “tái” mà xong, chỉ có càng “tái” lại càng “sống”.

Việc đào tạo các chương trình liên thông, tại chức hay chứng chỉ với chất lượng theo đúng tên gọi của nó, tức là “vừa học vừa làm”, theo vị chuyên gia, thời gian học rất ít bởi người ta còn cần có thời gian để đi làm kiếm tiền và lo cho gia đình. Từ đó dẫn đến chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng theo (việc kiểm tra ở trường sẽ dễ hơn là học theo hệ chính quy, và chấm thi cũng sẽ “nới” hơn vì dù sao giáo viên vẫn “chăm chước” cho các sinh viên của các hệ đào tạo này).

Trong khi đó, sinh viên hệ chính quy có chất lượng đào tạo rõ ràng cao hơn bởi họ được học nhiều hơn, chương trình nặng hơn, kiểm tra và thi cử khó hơn nên ngân hàng ưu tiên hơn là điều dễ hiểu.

Dẫu vậy, theo vị tiến sĩ này, chương trình liên thông, tại chức, chứng chỉ vẫn cần thiết để đáp ứng nhu cầu bổ sung kiến thức hoặc bằng cấp của những người đã và đang làm trong ngành.

Một vị chuyên gia khác trong khi đó nhận xét, đúng là yêu cầu tuyển dụng của các ngân hàng ngày càng khắt khe nhưng vẫn có nhiều ngân hàng tuyển dụng nhân sự chỉ yêu cầu học đại học đúng chuyên ngành, không phân biệt tại chức hay liên thông. Thậm chí có những vị trí như hỗ trợ chỉ cần trình độ từ trung cấp hoặc cao đẳng trở lên. Song vị này cũng thừa nhận, thực tế nếu không học chính quy thì khó có được vị trí “ngon”, công việc “đẹp” trong ngân hàng, và rất khó vào các ngân hàng lớn.

Theo Trí thức trẻ/CafeF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không