Trong nền kinh tế này, cạnh tranh được xem là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Hoạt động kiểm toán của KTNN và kiểm toán độc lập được coi là một yếu tố cấu thành các quan hệ của nền kinh tế thị trường để bảo đảm sự cân bằng các mối quan hệ kinh tế,tài chính trong cạnh tranh, bảo đảm các thông tin công khai luôn trung thực và hợp lý, nhằm làm minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.
Vai trò của KTNN đối với nền tài chính quốc gia
Sự ra đời và phát triển của KTNN trước hết là do yêu cầu của việc kiểm tra, giám sát một cách độc lập từ bên ngoài (ngoại kiểm) đối với quá trình quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng và sử dụng các nguồn lực tài chính công nói chung sao cho tiết kiệm và có hiệu quả cao nhất.
– Đứng trên giác độ lợi ích cộng đồng và lợi ích toàn xã hội, KTNN là công cụ đắc dụng để giúp cho công dân có thể tham gia kiểm tra, giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước, là cơ sở để thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình quản lí tài chính của Nhà nước.
– Đứng trên giác độ thực hiện quyền kiểm tra, giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chính phủ về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước thì KTNN được xem là công cụ để Quốc hội thực hiện tốt nhất các quyền này. KTNN thực hiện kiểm tra, giám sát một cách toàn diện đối với quá trình quản lý, điều hành và sử dụng NSNN đối với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ từ việc lập dự toán ngân sách, tổ chức thực hiện và lập báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm. ý kiến nhận xét của KTNN về các dự toán ngân sách, các báo cáo quyết toán ngân sách của Chính phủ là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, đánh giá, phê duyệt dự toán ngân sách và báo cáo quyết toán ngân sách đó. Đồng thời, KTNN là cơ quan tư vấn cho Quốc hội về việc ban hành các đạo luật về tài chính của Nhà nước.
– Đứng trên giác độ quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước thì KTNN là cơ quan thực hiện chức năng giải toả trách nhiệm cho Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân về hiệu quả quản lý, điều hành và sử dụng NSNN. KTNN là cơ quan tư vấn quan trọng cho Chính phủ trong việc đề ra các chính sách kinh tế, tài chính để quản lý, điều hành và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả NSNN.
Trong phạm vi một quốc gia, KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát một cách độc lập đối với mọi hoạt động tài chính công.
Vai trò của tổ chức kiểm toán độc lập đối với nền kinh tế
Trong giai đoạn phát triển cao của nền kinh tế thị trường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế mới ra đời như cơ chế công ty mẹ – con; các tập đoàn kinh tế, các công ty cổ phần… chứa đựng nhiều quan hệ sở hữu và chủ thể sở hữu của các pháp nhân và các thể nhân khác nhau. Cạnh tranh được xem là động lực chủ yếu nhất để các tổ chức này phát triển và đảm bảo tính hiệu quả của xã hội. Để tồn tại trong cạnh tranh, xu hướng chung của các đơn vị, tổ chức kinh tế là công khai không trung thực báo cáo tài chính và thông tin khác; điều này dễ dẫn đến rủi ro lớn cho các đơn vị, tổ chức hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Chính vì nhu cầu hạn chế rủi ro kinh doanh, nhu cầu về cạnh tranh công bằng và nhu cầu về tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, đã tạo ra tiền đề cho dịch vụ kiểm toán độc lập ra đời và phát triển hết sức nhanh chóng về số lượng và chất lượng cũng như sự đa dạng về dịch vụ kiểm toán như kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, soát xét báo cáo tài chính, kiểm tra thông tin trên cơ sở các thủ tục thỏa thuận trước, kiểm toán báo cáo quyết toán VĐT hoàn thành, kiểm toán xác nhận giá trị doanh nghiệp và các dịch vụ tư vấn tài chính, kế toán, thuế và dịch vụ khác… Mặc dù có sự cạnh tranh quyết liệt và mang tính chất sống còn giữa các doanh nghiệp nói riêng và giữa các đơn vị kinh tế trong quan hệ thị trường nói chung, nhưng nhờ có các dịch vụ kiểm toán của các tổ chức kiểm toán độc lập nên các quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể, chủ sở hữu, giữa các pháp nhân và giữa các thể nhân trong nền kinh tế vẫn luôn được duy trì trong sự công bằng, bền vững, các quan hệ tài chính vẫn được minh bạch và lành mạnh hóa.
Bên cạnh đó nhờ có các họat động kiểm toán của các tổ chức kiểm toán độc lập mà Nhà nước luôn có được sự quản lý, điều hành nền kinh tế tốt hơn. Trong bối cạnh hiện nay khi mà Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập WTO thì hoạt động kiểm toán độc lập sẽ tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập quốc tế và hội nhập khu vực có hiệu quả hơn.
Mối quan hệ giữa KTNN và các tổ chức kiểm toán độc lập
Mối quan hệ giữa KTNN và các tổ chức kiểm toán độc lập với việc góp phần làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia có thể được khái quát trên các khía cạnh chủ ýyêú như sau:
– KTNN kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính công còn kiểm toán độc lập cung cấp dịch vụ kiểm toán theo nhu cầu thị trường mà chủ yếu là tổ chức kinh doanh đã tạo nên sự đan xen để giám sát, kiểm tra một cách toàn diện mọi hoạt động kinh tế, tài chính của nền kinh tế quốc dân, nhờ đó mà mọi nguồn lực về tài chính của quốc gia được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.
– Các quan hệ giữa cơ quan lập pháp (Quốc hội) với cơ quan hành pháp (Chính phủ) với cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) của Nhà nước pháp quyền và các quan hệ cạnh tranh về lợi ích kinh tế, tài chính giữa pháp nhân và thể nhân trong nền kinh tế thị trường đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính trung thực, hợp lý; yêu cầu về tính pháp lý, tính kinh tế của các thông tin công khai nhằm tạo nên sự tin cậy lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, sự tin cậy lẫn nhau giữa pháp nhân và thể nhân. Hoạt động của KTNN và của tổ chức kiểm toán độc lập cùng phối hợp, đan xen được xem là yếu tố cơ bản nhất để thoả mãn các yêu cầu này.
– Hoạt động của KTNN và tổ chức kiểm toán độc lập góp phần ngăn chặn các sai phạm về kinh tế, tài chính trong mọi lĩnh vực kinh tế, tài chính xã hội là nhân tố quan trọng góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ kinh tế, tài chính quốc gia; giúp cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà quản lý tư nhân nói chung quản lý, kiểm soát được mọi hoạt động kinh tế – tài chính của mình.
– KTNN và tổ chức kiểm toán độc lập là tổ chức kiểm toán từ bên ngoài (ngoại kiểm) đối với mọi hoạt động kinh tế, tài chính trong đời sống xã hội nên có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau về mặt chuyên môn nghiệp vụ, như quan hệ về quy trình, chuẩn mực, phương pháp kiểm toán… Sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn nghiệp vụ giữa hai tổ chức này là hết sức cần thiết để tiến tới xây dựng một hệ thống các tổ chức kiểm toán hoạt động thống nhất và có hiệu quả./.
Theo VACPA