Kiến thức Marketing Xu hướng thương mại điện tử: mở rộng kênh bán hàng, tiếp...

Xu hướng thương mại điện tử: mở rộng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm

6
Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại. Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự bùng nổ của các thiết bị kết nối internet, ứng dụng di động…, doanh nghiệp (DN) ngày càng có cơ hội mở rộng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Từ nền tảng di động

Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người nhưng có đến hơn 130 triệu thuê bao di động. Bình quân, mỗi ngày, một người truy cập internet bằng điện thoại di động khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6 phút rưỡi.

Hiện Việt Nam là điểm đến của nhiều loại điện thoại thông minh (smartphone) giá rẻ, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Lenovo, Huawei, Oppo, Gionee…, khiến người dùng sở hữu smartphone dễ dàng hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp TMĐT di động phát triển mạnh hơn.

Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2015, tổng doanh thu TMĐT của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD. Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho rằng, Việt Nam đã có đủ các yếu tố để TMĐT phát triển, như nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, môi trường pháp lý… Dự báo, từ 2016 – 2020, TMĐT Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ khoảng trên 30%/năm.

Theo các chuyên gia, TMĐT, đặc biệt là TMĐT trên nền tảng di động, đang tiếp tục phát triển và tác động tích cực đến DN cũng như cả nền kinh tế. Trong đó, TMĐT trên nền tảng di động là công cụ hữu hiệu trong việc cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng cường các mối liên kết thương mại. Đây được coi như công cụ giúp DN tiếp cận các thị trường, khách hàng và nhà cung cấp mới.

Theo MasterCard (công bố hồi tháng 7/2015), Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh về mua sắm qua smartphone, xếp thứ 5 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau Malaysia, Đài Loan, New Zealand và Ấn Độ. Số liệu từ các sàn TMĐT như Lazada, Sendo… cũng cho thấy, số lượt giao dịch qua thiết bị di động chiếm tỷ lệ cao trong tổng số giao dịch từ khách hàng. Đơn cử, số lượng giao dịch trên thiết bị di động đã chiếm đến 60% tổng số khách hàng của Lazada Việt Nam trong năm 2015.

Nhiều người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc mua sắm qua mạng bằng các thiết bị di động ngày càng tiện lợi và an toàn hơn, vì vậy, số lượng người dùng internet trên thiết bị di động chiếm đến 57,56% dân số.

Báo cáo của Google về thị trường Việt Nam năm 2015 cho thấy, có đến 60% người dùng sử dụng các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại di động để truy cập vào các website. Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015 còn đưa ra số liệu cụ thể hơn, có đến 88% người sử dụng internet tìm kiếm trực tuyến thông tin sản phẩm và dịch vụ trên các thiết bị di động trước khi đưa ra quyết định mua sắm.

Đến Tên miền phù hợp

Các chuyên gia cho rằng, các website mua bán trực tuyến khi được tối ưu hóa cho thiết bị di động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm, mua sắm nhanh hơn. Đó là lý do để DN đầu tư xây dựng các website tương thích với smartphone, máy tính bảng, phát triển ứng dụng di động… Điều này giúp các website TMĐT, sàn TMĐT… tiếp cận dễ dàng hơn với đông đảo người tiêu dùng đang sử dụng thiết bị di động để mua sắm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là mới chỉ có 26% website của DN Việt Nam thân thiện với thiết bị di động.

Ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Chi nhánh phía Nam Công ty P.A Việt Nam cho rằng, chọn tên miền phù hợp là bước đầu tiên DN cần ưu tiên để xây dựng một website di động thành công. Bằng việc sử dụng những phần mở rộng tên miền tin cậy và thân thuộc với khách hàng, DN sẽ tăng thêm được sự tín nhiệm.

Kết quả khảo sát do Verisign thực hiện với 1.000 khách mua hàng trực tuyến tại Mỹ trong năm 2015 cho thấy, khi đưa nhiều website tên giống nhau nhưng khác tên miền, có đến 61% khách hàng bỏ qua những trang web có tên miền lạ và lựa chọn truy cập những website có tên miền “.com”. Khi được giới thiệu những tên miền mới này, có đến 62% khách hàng vẫn chọn truy cập vào các website có tên miền “.com”.

“Để có sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, cần có một website thành công với một tên miền phù hợp. Hiện “.com” được coi là tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận trên toàn thế giới cho hoạt động kinh doanh trực tuyến của DN. Trên thế giới, 500 công ty thuộc danh sách Fortune 500 đều đã lựa chọn và sử dụng tên miền này”, ông Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.

Cũng theo ông Hưng, DN cần bắt kịp các xu hướng mới nhất của TMĐT trên nền tảng di động để duy trì lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh. Bởi vì DN có sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn, từ đó giúp nhanh chóng tăng lợi nhuận trong dài hạn.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không