Đó là lời mà mỗi người Việt Nam chúng ta đều sẵn sàng nói vui vẻ, cởi mở với bạn bè thế giới. Trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán đã từ lâu Việt Nam đã mở cửa gần như không hạn chế để mời đồng nghiệp quốc tế vào Việt Nam. Vậy nay, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào?
2. VIỆT NAM ĐÃ SẴN SÀNG
2.1 Các công ty kiểm toán quốc tế lớn đã vào Việt Nam
Từ năm 1990, 1991 khi Việt Nam chưa có bất kỳ một hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán nào thì công ty INDOCHINA (Công ty dịch vụ kế toán từ Hồng Kông) đã vào Việt Nam đặt Văn phòng Đại diện.
– Ngày 03/11/1991 – Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) mà tiền thân là Văn phòng Đại diện INDOCHINA đã được cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam
– Ngày 14/05/1994 công ty TNHH Price Waterhouse và ngày 17/05/1994 công ty TNHH KPMG được cấp giấy phép đầu tư thành lập chi nhánh tại Việt Nam.
– Tiếp theo đó là công ty kế toán Arthur Andersen VN, Công ty Coopers Lybrand VN, Công ty Grant Thornton VN (mà tiền thân là công ty Bourne Griffiths), Công ty Deloitte Touche Tohmatsu (qua VACO) đã vào Việt Nam.
Như vậy, đến cuối năm 1994 đã có 7 công ty kiểm toán quốc tế vào Việt Nam trong đó có Big six. Công ty kiểm toán của Đài Loan, của Pháp cũng đã vào hoạt động một vài năm sau đó thì rút hoặc chuyển thành công ty Việt Nam. Từ năm 1998 đến nay chỉ còn lại 05 công ty kiểm toán quốc tế, trong đó có Big four và một công ty nhỏ là Grant Thornton là tiếp tục hoạt động.
2.2 Đội ngũ các công ty kế toán, kiểm toán Việt Nam đã phát triển khá mạnh về số lượng, tăng về chất lượng và nhiều công ty đạt trình độ khu vực và quốc tế
– Năm 1991 Việt Nam có 02 công ty kế toán, kiểm toán đầu tiên.
– Năm 2001 có 34 công ty kế toán, kiểm toán.
– Tháng 08/2006 có 109 công ty
– Đến 31/10/2006 đã có 124 công ty kế toán, kiểm toán Việt Nam và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, với hơn 4.000 người làm việc, 970 Kiểm toán viên hành nghề cung cấp gần 20 loại dịch vụ cho 12.000 khách hàng, với doanh thu trên 622 tỷ đồng.
Các công ty kế toán, kiểm toán quốc tế tiếp tục vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh và thừa nhận công ty Việt Nam là thành viên. Năm 2001 có 03 công ty thành viên là VACO, Thuỷ Chung và AFC. Tháng 08 năm 2006 có 11 công ty thành viên là VACO, AASC, AISC, AFC, Thuỷ Chung, A&C, M&H, Tiên Phong, DTL, U&I và STT. Hiện nay có 3 – 4 công ty đang làm các thủ tục để tiếp tục trở thành thành viên của các Hãng kế toán, kiểm toán quốc tế. Nếu với 11 công ty là thành viên quốc tế và 04 công ty quốc tế nữa được coi là đạt trình độ quốc tế và khu vực thì có đến 60% con người và hơn 90% doanh số hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam đã đạt trình độ quốc tế và khu vực.
2.3 Đội ngũ KTV Việt Nam đã trưởng thành
Ngoài 970 KTV đang hành nghề, chúng ta còn khoảng 200 người có Chứng chỉ KTV nhưng đang làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức. Năm 2006 đã và sẽ có thêm khoảng 200 KTV mới được cấp Chứng chỉ KTV và Chứng chỉ Kế toán viên hành nghề. Trong tổng số KTV của Việt Nam hiện nay đã có 120 người có chứng chỉ ACCA, 30 chứng chỉ CPA Australia và 50 chứng chỉ của các nước khác.
Ngoài ra khoảng 1/3 KTV người Việt Nam đã có khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài. Khả năng ứng xử, sử dụng phương tiện tin học, giao dịch quốc tế của các KTV Việt Nam đã khá thành thạo.
2.4 Hành lang pháp luật đã khá hoàn chỉnh
Chúng ta đã có 2 giai đoạn hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng đến là Chuẩn mực và thông lệ quốc tế được nhiều nước thừa nhận.
– Năm 1995 đã ban hành “Hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp” (Quyết định 1141/TC/CĐKT; Năm 1994 đã ban hành Nghị định 07/CP về “Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân”… là những văn bản bước đầu tiếp cận với thông lệ quốc tế;
– Từ năm 1999 đến nay, đã công bố Luật kế toán, 26 Chuẩn mực kế toán, 37 Chuẩn mực kiểm toán, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, Nghị định 105/2004/NĐ-CP về Kiểm toán độc lập, và năm 2006 vừa ban hành lại Chế độ kế toán doanh nghiệp (Quyết định 15/2006/QĐ-BTC) và Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quyết định 48/2006/QĐ-BTC) và nhiều văn bản khác.
– Trong năm 2006 chúng ta sẽ ban hành tiếp “Quy chế về kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán”, “Quy chế quản lý hành nghề kế toán”… là đầy đủ.
3. THAY LỜI KẾT
Trong bài phát biểu quan trọng “Cơ hội, thách thức và hành động của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có đoạn viết như sau:
“Lĩnh vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của các nền kinh tế. Các nước công nghiệp phát triển trình độ cao, dịch vụ chiếm từ 60 – 70%. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phân công lao động gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá vừa đặt ra nhu cầu vừa tạo khả năng phát triển dịch vụ. Ngược lại, sự phát triển dịch vụ sẽ làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó phải hết sức coi trọng phát triển tất cả các ngành dịch vụ. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao: Dịch vụ tài chính, ngân hàng với nhiều sản phẩm đa dạng, dịch vụ viễn thông, dịch vụ du lịch, các loại dịch vụ tư vấn để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân lập doanh nghiệp, lựa chọn phương án kinh doanh, các dịch vụ nghề nghiệp như kế toán, kiểm toán để đánh giá chính xác hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch về tình trạng tài chính của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán. Nhanh chóng xây dựng hệ thống mã số các loại dịch vụ theo phân loại của Tổ chức Thương mại thế giới. Trên cơ sở đó có định hướng đúng đắn chiến lược phát triển dịch vụ”.
Theo VACPA