Kiến thức Tài chính kế toán Giải pháp phát triển thị trường kế toán, kiểm toán

Giải pháp phát triển thị trường kế toán, kiểm toán

430
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam1. Hội nhập kinh tế và những cơ hội, thách thức phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam

Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đã trở thành xu thế tất yếu và không ai có thể phủ nhận được tác dụng của hội nhập, song tham gi hội nhập như thế nào để tận dụng ở mức cao nhất những điều kiện, cơ hội tốt và hạn chế được tối đa những tác hại sản sinh ra trong quá trình tham gia hội nhập là vấn đề đặc biệt quan trọng. Vì lẽ đó, mỗi nước, trong đó có Việt Nam phải xuất phát từ điều kiện của mình để có lộ trình hội nhập phù hợp. Những điều kiện cần xem xét để quyết định lộ trình hội nhập bao gồm: Trình độ phát triển kinh tế; Điều kiện ổn định chính trị; Những tiềm năng về kinh tế của đất nước; Những truyền thống, tập quán; Những kết quả đạt được trong quá trình hoà nhập với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế của từng lĩnh vực…

Trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán thì xuất phát điểm bước vào hội nhập của Việt Nam cũng có những điểm khả quan: Hệ thống khuôn khổ pháp lý đang trong quá trình được hoàn thiện (Luật Kế toán đã có hiệu lực thi hành; Hệ thống Chuẩn mực kế toán, kiểm toán được xây dựng trên cơ sở Chuẩn mực quốc tế…); Các nguyên tắc, thông lệ quản lý tài chính – kế toán – kiểm toán quốc tế đang trong quá trình hoà nhập vào Việt Nam; Các phương pháp, kỹ thuật, công nghệ hiện đại bước đầu được tiếp cận; Hệ thống các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang trong quá trình hình thành và phát triển;… Tuy nhiên, nếu nghiêm túc nhìn nhận thì xuất phát điểm của các loại dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ kế toán, kiểm toán nói riêng của Việt Nam tham gia hội nhập còn khá thấp: Thị trường trong nước còn nhỏ hẹp; Chưa mở mang được thị trường ở ngoài nước; Qui mô cung cấp dịch vụ còn quá nhỏ; Chất lượng dịch vụ các loại còn thấp; Các loại dịch vụ còn chưa đa dạng, chưa thiết chế được mô hình đào tạo chuyên gia kế toán (ngang tầm CPA quốc tế); Qui định pháp lý cụ thể, phù hợp làm môi trường cho việc “hành nghề kế toán, kiểm toán” trong điều kiện kinh tế thị trường và điều kiện hội nhập mới được thiết lập và chưa hoàn thiện;…

Với xuất phát điểm như vậy thì những cơ hội và thách thức trong việc phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán ở nước ta trong quá trình hội nhập lại càng lớn.

Có thể nói, những cơ hội lớn đẩy nhanh sự phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán là:

– Tạo cơ hội tiếp thu và vận dụng những thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam;

– Tạo cơ hội cho các tổ chức, loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán tiếp cận với thông lệ, các Chuẩn mực kế toán, kiểm toán và phương pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại;

– Mở rộng thị trường và khả năng cung cấp dịch vụ;

– Tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, bắt buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ phải tìm cách trụ vững và vươn lên;

– Tạo dựng môi trường tài chính công khai, minh bạch, thúc đẩy đầu tư trong nước và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, cũng phải thừa nhận những thách thức đáng kể đối với việc phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán về các phương diện: Sự công nhận lẫn nhau; Về thị trường cạnh tranh; Về đào tạo đội ngũ nhận viên; Về tạo môi trường pháp lý cho việc hành nghề; Về tính cấp bách tham gia hội nhập;…

2. Những yêu cầu cơ bản của việc phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán trong điều kiện hội nhập

Việc phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán trong điều kiện hội nhập ở nước ta đặt ra rất nhiều yêu cầu, trong khi đó chúng ta lại có những khó khăn rất lớn: Xuất phát điểm thấp; Tính cấp bách của hội nhập; Sự khác biệt với các nước về mối quan hệ và phân định quyền hạn quản lý giữa cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp… Do vậy chúng ta buộc phải tiến hành và giải quyết đồng bộ các yêu cầu đặt ra và phải có lộ trình thích hợp cho việc “mở của” dịch vụ kế toán, kiểm toán

Những yêu cầu cơ bản cho việc phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam là:

– Yêu cầu về “thị trường dịch vụ” (xác định “cầu” về dịch vụ: Ngoài việc mở rộng thị trường trong nước phải vươn lên mở mang cả thị trường ngoài nước; Phải mở rộng thị trường trong nước bằng việc mở rộng diện doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu “thuê” dịch vụ);

– Yêu cầu về khả năng “cung” dịch vụ (xác định “cung” về dịch vụ): Nhu cầu tăng về số lượng các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ trong những năm trước mắt là rất lớn (tăng gấp vài chục lần so với hiện có);

– Yêu cầu nâng cao “chất lượng dịch vụ”: Bảo đảm nâng cao trình độ nhân viên chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ có chất lượng ngang tầm với khu vực và thế giới;

– Yêu cầu về “tính đa dạng các sản phẩm, dịch vụ”: Nền kinh tế thị trường là “chiếc nôi” sản sinh ra các loại hoạt động kinh tế đa dạng đòi hỏi phải có dịch vụ đa dạng.

– Yêu cầu “quản lý nghề nghiệp”: Phải được nâng cao phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý Nhà nước’

– Yêu cầu “khung pháp lý chuẩn”: Đảm bảo tính đầy đủ, hoàn thiện của khung pháp lý, tiếp thu được các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý để giải quyết các yêu cấu cơ bản nêu trên.

3. Định hướng, quan điểm và hệ giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam

Ở Việt Nam, qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, hệ thống các tổ chức làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán đã lớn lên từng bước cả về số lượng và chất lượng, quan trọng hơn là đã khẳng định được việc hình thành một loại nghề nghiệp mới trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, để có được những bước đi mạnh mẽ, vượt bậc trong thời gian tới phải có những định hướng đúng và có quan điểm, giải pháp thúc đẩy phù hợp.

Chính vì lẽ đó, trong thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán theo các định hướng lớn sau:

– Phát triển mạnh dịch vụ kế toán, kiểm toán trên cơ sở thúc đẩy mạnh mạng lưới hoạt động cung cấp dịch vụ trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng;

– Mở của thị trường cung cấp dịch vụ ra bên ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường ngoài nước của các doanh nghiệp hiện nay;

– Mở của và hội nhập thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán khu vực và quốc tế theo các cam kết hội nhập đa phương, song phương;

Các quan điểm chính trong việc phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán là:

Nâng cao trình độ nhân viên chuyên nghiệp

nhu cầu tất yếu để hội nhập quốc tế

– Kế toán hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của các tổ chức nghề nghiệp, thực sự trở thành công cụ đắc lực, hiệu quả giúp các doanh nghiệp, đơn vị và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính Nhà nước, các nguồn vốn, tài sản của doanh nghiệp có hiệu quả trong mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế;

– Kế toán, kiểm toán trở thành nghề nghiệp hoạt động độc lập, khách quan và được xã hội hoá. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp nhằm thực hiện chức năng quản lý về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán để thay thế dần công việc quản lý trực tiếp của cơ quan Nhà nước, góp phần cải cách hành chính và tinh giảm bộ máy Nhà nước;

– Kế toán, kiểm toán trở thành một loại hoạt động dịch vụ, phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ đắc lực của doanh nghiệp và Nhà nước. Chất lượng dịch vụ được quốc tế hoá, phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, được quốc tế thừa nhận. Thực hiện tiến trình mở cửa, hội nhập thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán với các nước trong khu vức và trên thế giới;

– Kế toán, kiểm toán được phát triển đồng bộ với các lĩnh vực khác trong chiến lược phát triển tài chính quốc gia, phát triển phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế, của khoa học kỹ thuật khoa học quản lý và nền hành chính quốc gia

Xuất phát từ định hướng, quan điểm thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam trong điều kiện hội nhập theo ý kiến của chúng tôi thì hệ giải pháp phải tập trung vào 5 nhóm chính sau:

Một là: Nhóm giải pháp nhằm tăng cường khả năng “cung dịch vụ kế toán, kiểm toán”;

Hai là: Nhóm giải pháp làm tăng cường khả năng “cầu dịch vụ kế toán, kiểm toán”;

Ba là: Nhóm giải pháp tăng cường “các qui định pháp lý và qui định nghề nghiệp” tạo ra môi trường tốt cho hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán;

Bốn là: Nhóm giải pháp tăng cường “quản lý hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán”. Trong đó kể cả quản lý Nhà nước và quản lý các tổ chức nghề nghiệp;

Năm là: Nhóm giải pháp về mở rộng “quan hệ và hợp tác quốc tế”.

Từng nhóm giải pháp và từng giải pháp cụ thể có nội dung và tác dụng riêng, song có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó có những giải pháp có tác động trực tiếp (như nhóm giải pháp tăng cường “cung” và “cầu” dịch vụ), có nhóm giải pháp mang tính pháp lý (như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý…), do vậy nếu được triển khai đồng bộ thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam.

Theo VACPA

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không