Lĩnh vực kiểm toán độc lập Việt Nam không ngừng phát triển và lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, quy mô công ty, đội ngũ kế toán viên, khách hàng, thị trường, thị phần, đa dạng hoá chủng loại và chất lượng dịch vụ, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế. Đến nay, các công ty kiểm toán đã và đang trở thành người bạn tin cậy của các doanh nghiệp, ngày càng được tín nhiệm, được xã hội thừa nhận, hoạt động kiểm toán độc lập đã xác định được vị trí trong nền kinh tế và nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, khi gia nhập WTO, trên góc độ đánh giá những điểm yếu của các công ty trong điều kiện cạnh tranh thể hiện một số nét hạn chế sau:
Quy mô của các công ty còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Hiện tại, cả nước có 107/130 công ty đủ điều kiện hành nghề, trong đó có 4 công ty 100% vốn nước ngoài. Số lượng này còn quá ít so với các nước, cũng như nhu cầu thực tế trong những năm tới thực hiện mở cửa lĩnh vực này.
Số KTV có chứng chỉ/tổng số cán bộ nhân viên còn thấp. Số lượng kiểm toán viên vừa thiếu, vừa yếu, nhất là các công ty mới thành lập trong khoảng 5 năm gần đây. Đến nay bình quân có 768/3.808 = 20,17 kiểm toán viên có chứng chỉ trong tổng số cán bộ nhân viên của các công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó có công ty chỉ có 3 KTV, như: Công ty HP (3/12=25%), AACC (3/55=5,5%); An Việt (3/11=27,27%); Tiên Phong (3/18=16,66%); Hoàng Thắng (2/25=12%)…
Doanh thu dịch vụ của các công ty còn rất nhỏ. Năm 2005, tổng doanh thu của 78 công ty Việt Nam là 351 tỷ đồng, trong khi đó tổng doanh thu của 4 công ty nước ngoài tại Việt Nam là trên 310 tỷ đồng (E & Y:105,57 tỷ; KPMG: 93 tỷ; PwC: 99,57 tỷ; G.T:12,26 tỷ). Trong tổng số 351 tỷ đồng doanh thu thì 10 công ty lớn nhất Việt Nam đã chiếm 76,3%, các công ty còn lại chỉ chiếm 23,7%. Có nhiều công ty của Việt Nam doanh thu chỉ dưới 1 tỷ đồng, thậm chí có công ty doanh thu chỉ dưới 500 triệu đồng/năm, như: HAACO; VAFICO; ACA…
Việc đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ chưa được chú ý nhiều. Hầu hết các công ty chỉ chú trọng đến dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính, chưa phát triển các loại dịch vụ khác như: các loại kiểm toán khác, dịch vụ tư vấn, dịch vụ kế toán. Điều đó thể hiện tỷ trọng doanh thu dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2005 chiếm trên 60%, tư vấn thuế, tài chính 20%, định giá và tư vấn quản lý 14%, còn dịch vụ khác không đáng kể. Chính điều này cũng làm cho khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng thấp, năng lực cạnh tranh của các công ty còn yếu.
Chất lượng dịch vụ còn hạn chế, chưa thật sự tạo được độ tin cậy cao cho khách hàng. Chất lượng dịch vụ còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các công ty. Điều đó thể hiện ở một số công ty do cạnh tranh giảm giá phí, đồng thời cũng cắt giảm một số thủ tục, quy trình, soát xét chất lượng kiểm toán nên chất lượng dịch vụ cung cấp giảm, hoặc những còn sai sót. Đặc biệt vấn đề soát xét, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, kế toán chưa được nhiều công ty quan tâm.
Thị phần thị trường phát triển chậm. Thị phần của các công ty kiểm toán Việt Nam còn nhỏ so với các công ty nước ngoài (số liệu về doanh thu của 4 công ty nước ngoài gần bằng 100% tổng doanh thu của 78 công ty Việt Nam đã chứng tỏ điều đó). Các khách hàng chiến lược và lâu dài của các công ty Việt Nam không nhiều (chỉ trừ các công ty có thương hiệu là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế như: VACO; AFC; AASC; A & C…). Hiện tại khách hàng của các công ty chủ yếu là kiểm toán theo luật định (khoảng 9.000 khách hàng), thị phần khách hàng tự nguyện tuy đã tăng lên nhưng chưa đáng kể (khoảng 1.000 khách hàng, nhưng doanh thu nhỏ).
Nhiều công ty chưa có chiến lược marketing về sản phẩm, chất lượng sản phẩm và thương hiệu, nên uy tín sản phẩm trên thị trường chưa cao. Chiến lược về chất lượng sản phẩm chưa được nhiều công ty chú ý xây dựng và đầu tư lâu dài cho chất lượng sản phẩm. Chiến lược nhân sự đầu vào, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đào tạo nhân viên, khoa học kỹ thuật, tình trạng “chảy máu chất xám” ở các công ty lớn còn xẩy ra nhiều, đó là, do chính sách đối xử, thu hút và giữ chân nhân sự giỏi chưa được quan tâm đúng mức.
Cạnh tranh về giá phí dịch vụ một cách không tích cực còn khá phổ biến. Biểu hiện rất rõ là chào hàng với giá thấp (phá giá) để lôi kéo khách hàng ký bằng được các hợp đồng. Chính sách giá phí chủ yếu được ước tính trên khối lượng công việc và dựa trên giá cạnh tranh giữa các công ty, nên không ổn định.
II. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Các công ty kiểm toán độc lập hoạt động dịch vụ đặc thù – dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán, nên tiêu chí đánh giá sức cạnh tranh cũng có những nét khác biệt so với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác. Các tiêu chí chủ yếu đánh giá sức cạnh tranh của các công ty kiểm toán có thể được xác định như sau:
Quy mô công ty
Thông thường khi xem xét quy mô các doanh nghiệp thì căn cứ vào chỉ tiêu quy mô vốn; quy mô lao động; quy mô về doanh thu… Cụ thể, đối với các công ty kiểm toán quy mô thường được xác định theo 2 chỉ tiêu cơ bản:
Thứ nhất, số lượng KTV có chứng chỉ/tổng số cán bộ nhân viên của công ty. Nếu công ty có tỷ lệ này càng cao, có nghĩa là số lượng KTV có chứng chỉ càng nhiều, chất lượng đội ngũ KTV cao (trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm nghề nghiệp…), uy tín công ty sẽ cao hơn và khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn.
Đối với các công ty kiểm toán thì nguồn nhân lực (KTV và cán bộ quản lý có chứng chỉ KTV) là yếu tố cốt lõi, quyết định chất lượng dịch vụ cung cấp, quyết định sự thành công hay thất bại, sự tồn tại và phát triển của công ty. Khía cạnh khác, nguồn nhân lực là “tài sản vô hình” của công ty, nhưng có đặc điểm rất di động trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và cạnh tranh cao (họ có thể từ bỏ công ty bất kỳ lúc nào, thậm chí tài sản này có thể còn bị “đánh cắp” bất kỳ lúc nào, nếu công ty không có chính sách nhân sự phù hợp để thu hút và “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao)…
Mặt khác, giá trị nguồn nhân lực kết tinh và tạo ra giá trị sản phẩm dịch vụ chiếm một tỷ lệ rất cao (cao hơn các ngành khác nhiều). Nếu công ty có tỷ lệ KTV có chứng chỉ/tổng số cán bộ nhân viên cao thì điều đó đã thể hiện khả năng thu hút, duy trì, phát triển nguồn nhân lực tốt. Điều đó đồng nghĩa là công ty có một quy mô “tài sản – vốn vô hình” đặc biệt để tạo ra giá trị dịch vụ lớn, chất lượng tốt có lợi thế trong cạnh tranh với các đối thủ.
Chỉ tiêu số lượng KTV có chứng chỉ/tổng số cán bộ nhân viên công ty biểu hiện cả lượng và chất của quy mô công ty, vì đó là số KTV có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ, tin học…
Xem xét đánh giá quy mô của công ty về chỉ tiêu này cần chú ý cả 2 thông tin, đó là số lượng KTV của công ty và tỷ lệ KTV trong tổng số cán bộ công nhân viên. Vì thực tế có nhiều công ty tỷ lệ KTV/tổng số cán bộ nhận viên rất cao (thậm chí 70 – 80%, nhưng quy mô số lượng rất nhỏ vì chỉ có khoảng 3-5 KTV, nếu đánh giá năng lực theo % KTV thì cao, nhưng số tuyệt đối KTV thì lại thấp).
Thứ hai, tổng doanh thu/vốn. Quy mô doanh thu trên vốn càng lớn, năng lực cạnh tranh càng cao. Ngoài ra còn quan tâm đến cơ cấu doanh thu từng loại dịch vụ mà công ty cung cấp.
Chỉ tiêu tổng doanh thu/vốn lớn thể hiện phần nào ưu thế dịch vụ và khả năng chiếm lĩnh thị trường của công ty lớn so với các công ty khác, mặt khác còn thể hiện khả năng nắm giữ, duy trì thị phần, gia tăng lợi nhuận, bảo đảm sự duy trì và phát triển bền vững của doanh nghiệp, biểu hiện khả năng cạnh tranh của công ty có ưu thế. Ngược lại quy mô về tổng doanh thu/vốn nhỏ thì khả năng cạnh tranh của công ty yếu hơn.
Chất lượng sản phẩm dịch vụ kế toán, kiểm toán
Chất lượng của dịch vụ kiểm toán thường dao động trong một khoảng rất rộng, tuỳ thuộc vào người cung cấp, cũng như thời gian và địa điểm cung cấp. Dịch vụ của các công ty kiểm toán khác nhau thì chất lượng có thể không giống nhau, phụ thuộc rất lớn vào khả năng tổ chức, trình độ chuyên môn và uy tín của công ty kiểm toán trên thị trường. Các công ty kiểm toán kinh doanh phần nhiều dựa trên kinh nghiệm và uy tín đối với khách hàng.
Chất lượng của một sản phẩm dịch vụ kiểm toán được quyết định bởi rất nhiều yếu tố như công nghệ, trình độ của KTV, khách hàng…v.v. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, nhưng lại thường xuyên biến động, không ổn định, từ đó kéo theo tính bất ổn và khó xác định chính xác chất lượng của sản phẩm dịch vụ kiểm toán.
Để đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ của công ty kiểm toán thường đánh giá qua các chỉ tiêu: Chất lượng các báo cáo kiểm toán thực hiện cho khách hàng; Thực trạng hoạt động của các khách hàng do công ty tư vấn hoặc cung cấp các dịch vụ kế toán, thuế, tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ. Nếu chất lượng dịch vụ của công ty càng cao thì uy tín càng lớn, càng thu hút được nhiều khách hàng tin tưởng đến với công ty, từ đó càng nhiều cơ hội tăng doanh thu, tăng thị trường, thị phần phát triển, biểu hiện của năng lực cạnh tranh cao.
Thị phần thị trường
Đó là phần thị trường do công ty chiếm lĩnh được. Thị phần càng lớn, sực cạnh tranh càng mạnh và ngược lại. Để tồn tại và có sực cạnh tranh, công ty phải chiếm giữ được một phần thị trường, trong đó có được những khách hàng chiến lược và lâu dài về doanh thu vì vị trí kinh doanh của họ trên thị trường sẽ ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của công ty kiểm toán.
Khả năng tiếp cận của khách hàng đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán là một trong những khả năng để doanh nghiệp mở rộng thị phần của mình. Điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách marketing khách hàng của doanh nghiệp. Mặt khác, khả năng của công ty trong việc lôi kéo và giữ (duy trì) được khách hàng thường niên và lâu dài cũng thể hiện năng lực cạnh tranh của công ty. Do đó, đánh giá sức cạnh tranh của công ty kiểm toán không thể không xem xét đến tiêu chí phần thị trường (thị phần) mà công ty chiếm lĩnh được.
Kỳ thi Kiểm toán viên 2006
Tính đa dạng của các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán
Tiêu chí này thể hiện công ty có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng về nhiều loại dịch vụ cần thiết (các loại kiểm toán: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ kế toán: soát xét kế toán, lập báo cáo tài chính, dịch vụ ghi sổ kế toán, các dịch vụ khác như: chứng nhận, đánh giá, lập các báo cáo không chính thức; các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế, tư vấn quản lý…). Đồng thời tiêu chí này còn thể hiện khả năng công ty đáp ứng nhu cầu dịch vụ khách hàng một cách đa dạng, như các ngành, các lĩnh vực, các loại hình kinh doanh (SXCN, XDCB, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải…, dịch vụ du lịch, ngân hàng, tài chính, đơn vị sự nghiệp…). Nếu một công ty kiểm toán chỉ cung cấp được một vài loại dịch vụ kiểm toán hoặc chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ở một vài loại hình doanh nghiệp thì chắc chắn khi cạnh tranh với các công ty khác sẽ gặp nhiều khó khăn và không có ưu thế.
Giá phí dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Giá phí dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng quyết định rất nhiều đến khả năng cạnh tranh của công ty kiểm toán. Tương tự như đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ, nếu chi phí/giá thành sản phẩm thấp hơn đối thủ thì khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, thu hút khách hàng sẽ cao hơn. Vì vậy, đối với công ty kiểm toán, giá phí phải đủ sực cạnh tranh với dịch vụ cùng loại trong khu vực và những đối thủ cạnh tranh với mình.
Tuy nhiên, giá phí dịch vụ kế toán, kiểm toán chỉ có thể thấp hoặc “rẻ” đến mức độ nào đó, vì nó phản ánh chất lượng dịch vụ. Nếu các công ty kiểm toán đều thực hiện giảm giá dịch vụ liên tục để thu hút khách hàng thì kết quả có thể ngược lại. Vì khách hàng sẽ nghi ngờ về chất lượng dịch vụ được cung cấp. Mặt khác, nếu các nhà cung ứng dịch vụ lạm dụng chính sách giá trong chiến lược cạnh tranh sẽ gây tác động tiêu cực, bởi khi giá phí dịch vụ nhỏ hơn giá thành, diễn ra trong một thời gian dài sẽ dần đến phá sản. Và nếu nhiều doanh nghiệp cùng phá sản sẽ gây khủng hoảng cho nền kinh tế./.