Ngay sau khi trần lãi suất VND giảm xuống 11%/năm, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo giảm tiếp lãi suất cho vay.
Theo báo cáo kinh tế tháng 5, so với 31/12/2011, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 4,47% và tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,42% cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên. Cùng với việc lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay giảm theo.
Cụ thể, từ 30/5, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) áp dụng mức lãi suất cho vay tối thiểu 13,5%/năm đối với tất cả khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa và có quan hệ tín dụng lần đầu tiên với LienVietPostbank. LienVietPostBank sẽ dành tổng hạn mức cho vay ưu đãi là 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng này.
Mức đãi suất ưu đãi trên là một trong những ưu đãi của chương trình “60 ngày tiếp sức doanh nghiệp” của LienVietPostBank nhằm chung tay cùng với các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Khách hàng khu vực nông nghiệp – nông thôn là nhóm khách hàng tiếp tục nhận được chính sách ưu đãi tín dụng của LietVietPostBank, đã được áp dụng từ năm 2010 khi Ngân hàng bắt đầu triển khai Chương trình Tam Nông là chương trình phát triển tín dụng cho khu vực nông nghiệp – nông thôn với mục tiêu hạ lãi suất cho khu vực này xuống thấp và góp phần làm giảm nạn cho vay nặng lãi.
Cụ thể, theo chính sách mới nhất của LienVietPostBank, khách hàng cá nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hưởng lãi suất cho vay tối thiểu 12%/năm với khoản vay có thời hạn dưới 12 tháng và 12,5%/năm với khoản vay có thời hạn từ 12 tháng trở lên với số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng 200 triệu đồng.
Chính sách cho vay lãi suất thấp của LienVietPostBank được ban hành nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hiện nay về việc tạo nguồn vốn rẻ cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình, kích thích nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Trước đó, từ ngày 28/5, Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, mua bất động sản với lãi suất cho vay thấp nhất là 15,5%/năm (tùy theo thời hạn, số tiền vay và sản phẩm tín dụng).
Trong kế hoạch kinh doanh tín dụng cá nhân năm 2012, ACB đã quyết định dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Đây là lần thứ 4 trong năm ACB giảm lãi suất cho vay, động thái này nhằm hỗ trợ nguồn vốn kịp thời với lãi suất thấp cho khách hàng cá nhân đang có nhu cầu về vốn để thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc mua nhà hoặc tiêu dùng cá nhân.
Còn Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh giảm các mức lãi suất cho vay.
Theo biểu lãi suất mới tại đây, các khách hàng vay trung và dài hạn có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, có định hạng tín nhiệm cao (theo xếp hạng tín dụng của BIDV) được áp dụng lãi suất cho vay từ 12% – 13%/năm.
Với cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp phụ trợ, cho vay hỗ trợ xuất khẩu, cho vay khắc phục bão lũ Ngân hàng này áp dụng mức lãi suất trần 13%/năm.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay BIDV thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay…
Có thể nói, việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất là tín hiệu lạc quan bước đầu, góp phần giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, nhưng cần tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi thật sự để doanh nghiệp “dễ thở” hơn về vấn đề vốn vay. Tuy nhiên, thực tế quan trọng là doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn vay với với những điều kiện hợp lý, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, góp phần giảm bớt chi phí vốn cho nền kinh tế.
Theo eFinance
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông