Chương trình kích cầu theo Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/05/2011 của UBND TP.HCM (QĐ 33) được các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa kỳ vọng là “phao cứu sinh” trong thời điểm khó khăn hiện nay, song thực tế, DN vẫn khó tiếp cận do các điều khoản quy định điều kiện tham gia gói kích cầu này chưa rõ ràng, đối tượng DN tham gia chưa được quy định cụ thể.
Sự bất nhất tại các điều khoản trong QĐ 33 được thể hiện rõ nét ở ngành cơ khí. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Cơ khí Hiệp Lực.
“Công ty đang có dự án mở rộng đầu tư mới một nhà máy sản xuất cơ khí về sản phẩm chuyên ngành cấp thoát nước, nhưng dự án chưa tiếp cận được vốn kích cầu và không biết được hỗ trợ 50% hay 100% lãi vay”, đại diện Công ty Cơ khí Hiệp Lực băn khoăn.
Theo lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, lĩnh vực của Công ty Hiệp Lực không nằm trong danh mục của QĐ 33, bởi trong lĩnh vực cơ khí, chỉ có một số ngành được TP.HCM ưu tiên là cơ khí chính xác và cơ khí chế tạo.
Ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Công thương TP.HCM, đơn vị phối hợp thực hiện QĐ 33) bức xúc: “Rất nhiều DN gửi câu hỏi tương tự như Công ty Hiệp Lực, nhưng Sở chưa biết cách trả lời, bởi có sự thiếu nhất quán trong QĐ 33”, ông Vòng A Lộc cho biết.
Ở góc độ khác, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho biết, lo lắng lớn nhất hiện nay của DN khi tiếp cận gói kích cầu là khâu xét duyệt thủ tục, đặc biệt là xét duyệt báo cáo tài chính. “Các cơ quan chức năng xét duyệt hồ sơ gói kích cầu cần trả lời cho rõ là báo cáo tài chính trong 2 năm, 3 năm bắt buộc phải có lãi hay là năm lỗ, năm lãi thì vẫn có thể xin được hỗ trợ từ chương trình kích cầu, bởi nếu bắt buộc báo cáo tài chính có lãi, thì nhiều DN không dám xin hỗ trợ”, ông Trần Việt Anh nói.
Băn khoăn của ông Trần Việt Anh cũng là điều mà nhiều DN khác mong muốn có câu trả lời. Theo đại diện Phòng thẩm định Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), với những DN mới đầu tư, các năm cận kề mà lỗ, thì HFIC vẫn xem xét cho vay. Với những DN đã hoạt động lâu năm, mà trong 2 – 3 năm gần nhất có năm lãi, năm lỗ, thì cũng được xem xét hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, nếu DN lỗ liên tục, thì không thuộc quy định cho vay của HFIC.
Đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, hiện Hepza quản lý trên 1.000 DN, trong đó có hơn 600 DN Việt Nam. Nếu tính từ lúc tuyên truyền về gói kích cầu đến nay đã có 20 DN được TP.HCM phê duyệt theo chương trình này. Trong đó, có 12 DN có dự án sản xuất công nghiệp, còn lại là những dự án cho nhà lưu trú công nhân và xử lý nước thải.
“Tổng vốn mà 12 DN công nghiệp được vay hỗ trợ lãi suất là 900 tỷ đồng”, vị đại diện Hepza nói và cho rằng, đây là cơ sở để DN khác có thể tin về tính khả thi của chương trình kích cầu.
Cũng theo vị đại diện Hepza, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cần nghiên cứu sửa đổi QĐ 33 một cách cụ thể, vì hiện có những ngành nghề rất khó tiếp cận, mà bản thân DN hiểu không rõ, thì không dám mạnh dạn làm thủ tục vay vốn từ gói kích cầu.
Theo Báo đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông